Danh mục cổ phiếu biến động nhất hôm nay 8/4: FPT về đáy kể từ tháng 8/2024, đà giảm lan tỏa khắp bảng điện
Danh mục cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn nhất
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 8/4, chỉ số VN-Index giảm 77,88 điểm về 1.132,79 điểm, là phiên giảm điểm mạnh thứ hai sau phiên giảm điểm lịch sử của thị trường chứng khoán được thiết lập tuần trước 87,99 điểm. Trong khi đó, HNX-Index giảm 15,93 điểm về 201,04 điểm.
Phiên hôm nay, thanh khoản giảm mạnh so với tuần trước. Khối lượng giao dịch tại sàn HoSE đạt hơn 1,16 tỷ cổ phiếu, tương ứng giá trị đạt 25.303 tỷ đồng. Trong khi đó, khối lượng giao dịch tại sàn Hà Nội ghi nhận 55,7 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 1.178,9 tỷ đồng.

Tính tổng 3 sàn, nhóm nhà đầu tư ngoại xả 1.223 tỷ đồng. Trong đó, khối này xả mạnh tại các mã VHM 364 tỷ đồng, FPT 326,92 tỷ đồng, STB 235,5 tỷ đồng, VNM 164,46 tỷ đồng,... Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư ngoại gom nhiều các mã MWG 99,4 tỷ đồng, CTG 85,8 tỷ đồng, SAB 27,7 tỷ đồng, POW 22 tỷ đồng,...
Về mức độ ảnh hưởng, "ông lớn" VCB tác động tiêu cực nhất lên thị trường khi lấy đi gần 8,41 điểm của chỉ số chung. BID, CTG, VHM, TCB, VIC, FPT, HPG.. cũng đè nặng và lấy đi gần 38,2 điểm của chỉ số.
Dữ liệu cho thấy, top 5 cổ phiếu có khối lượng khớp lệnh cao nhất phiên hôm nay là SHB 68,96 triệu đơn vị, MBB 64,5 triệu đơn vị, STB 50,4 triệu đơn vị, ACB 43,7 triệu đơn vị và HPG 35,44 triệu đơn vị.
Ngược lại, top 5 cổ phiếu có khối lượng khớp lệnh thấp nhất là 100 đơn vị, bao gồm: DAT, PGD, PMG, SPM, LM8

Đáng chú ý, dữ liệu cho thấy cổ phiếu FPT đang ở vùng giá thấp nhất kể từ tháng 8/2024. Kết phiên 8/4, cổ phiếu FPT của CTCP FPT giảm kịch biên độ về 105.100 đồng/cp, tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 16,27 triệu đơn vị. Từ đỉnh lịch sử hồi trung tuần tháng 1/2025, thị giá FPT đã mất hơn 20%, đi ngược với xu hướng tăng hơn 3,2% của chỉ số VN-Index, và đang ở vùng thấp nhất kể từ tháng 8/2024.
Trước đó, năm 2024 ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ của FPT với 42 lần vượt đỉnh, đà tăng tiếp tục được duy trì đến đỉnh điểm 154.300 đồng/cp vào ngày 23/1/2025 - mức cao nhất kể từ khi cổ phiếu này niêm yết. Tuy nhiên, sau đà tăng “nóng”, cổ phiếu FPT liên tục giảm giá mạnh trước áp lực từ cả khối ngoại và nhà đầu tư trong nước, trở thành tâm điểm chú ý với đà giảm.
Theo phân tích từ một số chuyên gia, nhịp điều chỉnh của FPT có thể xuất phát từ nhiều yếu tố, bao gồm tác động từ sự kiện ra mắt công nghệ DeepSeek, lo ngại về định giá cổ phiếu công nghệ nói chung tại Mỹ và Việt Nam sau giai đoạn tăng trưởng nóng. Bên cạnh đó, cổ phiếu FPT còn chịu áp lực bán ròng mạnh từ nhà đầu tư nước ngoài.
Theo ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng, Giám đốc SSI Research, chính sách áp thuế của Mỹ nhắm tới bảo hộ cho các hàng hóa và chưa nhắc về nhóm dịch vụ hay công nghệ. Tuy nhiên, động thái này vẫn có hai mặt tác động.
Chính sách áp thuế của Mỹ nếu kéo dài có thể gây ra suy thoái kinh tế. Từ đó, việc đầu tư về công nghệ có thể kém đi, tác động với FPT theo xu hướng giảm chung của nền kinh tế Mỹ. Đồng thời, sự xuất hiện của DeepSeek ít nhiều gây ra tác động với FPT khi gây ra lo ngại sẽ làm suy giảm giá trị của ngành AI và tạo ra cạnh tranh khốc liệt.
Ngược lại, nếu đánh giá câu chuyện của FPT theo hướng có thể hưởng lợi từ xu hướng chuyển đổi số của Việt Nam thì dư địa tăng trưởng tương đối tích cực.
Danh mục cổ phiếu tăng mạnh nhất và giảm mạnh nhất
Tại thời điểm kết phiên, sắc xanh lam phủ khắp bảng điện tử với 431 mã giảm kịch biên độ, 428 mã giảm giá và chỉ vỏn vẹn 68 mã tăng điểm. Các mã giảm kịch sàn hiện diện ở hầu hết nhóm vốn hóa lớn như ngân hàng, bất động sản, nguyên vật liệu,...
Xét về biến động giá, tại sàn HoSE ghi nhận mã đóng trần duy nhất là SVI lên 55.600 đồng/cp. Bên cạnh đó, số ít mã còn lại giữ được sắc xanh như STG, LM8, ABR, CLC, DXV, OPC,...
Ở chiều ngược lại, top phần lớn các mã giảm kịch biên độ như APG, CTD, FIT, FRT, HPX, QCG, SSC, ST8,..
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng lùi xuống mức thấp hơn cuối phiên sáng và đi ngang, trước khi phục hồi nhẹ ở cuối giờ giao dịch.
Tại sàn HNX, SHB, THB, HKT, VR1, PGT đóng trần. Ngoài ra, một số mã tăng điểm bao gồm: DTC, CMC, V12, TTT, BXH... Các mã còn lại đứng tham chiếu.
Trong khi đó, sàn Hà Nội hôm nay ghi nhận loạt mã nằm sàn như MBS, MVB, NTP, PLC, KDM, HBS, CSC, BVS,...
Đáng chú ý, có tới 25/30 mã cổ phiếu trụ của bóng VN30 giảm kịch biên độ, 5 mã còn lại giảm điểm là SSB, SAB, VJC, VHM, VIC.
Tại Báo cáo chiến lược thị trường tháng 4, SSI Research đánh giá sự kiện Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu, trong đó có Việt Nam với mức thuế lên đến 46%, ở góc nhìn thực tế cũng có thể trở thành cơ hội tiềm năng.
Theo đó, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang có đợt bán mạnh, nhưng trên nền tảng định giá đang ở mức hấp dẫn. Hệ số định giá P/E hỗn hợp về mức 11,6 lần sau 2 phiên giảm mạnh ngày 3 và 4/4, thấp hơn 25% so với mức trung bình từ năm 2016 đến nay. Do đó, đây là cơ hội cho các nhà đầu tư khi định giá TTCK Việt Nam, nhóm phân tích nhận định.
Câu chuyện tăng trưởng nội địa của Việt Nam vẫn mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi các yếu tố cụ thể, bao gồm nâng hạng TTCK và kết quả từ việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và phát triển kinh tế tư nhân.
"Tin xấu có thể lại là cơ hội tốt đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là cơ hội ở các ngành phòng thủ như hàng tiêu dùng thiết yếu, năng lượng/điện, công nghệ thông tin và các ngành liên quan đến cơ sở hạ tầng trong nước như vật liệu xây dựng," báo cáo viết.