Để đi chợ Châu Âu, nông sản Việt cần phải biết "làm đẹp"
Sau gần 10 năm đàm phán, chiều 30/6, tại Hà Nội, Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu đã được ký kết. Việc hoàn tất đàm phán và ký kết 2 Hiệp định này mở ra cơ hội lớn cho nông sản Việt tại thị trường Châu Âu.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia đánh giá, hiện tại, các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp vẫn không dễ dàng tiếp cận thị trường này. Tính đến cuối năm 2018, chỉ có 9.235 doanh nghiệp hoạt động trong ngành nông-lâm-ngư nghiệp, đối với một quốc gia có nền kinh tế nông nghiệp, con số trên không lớn. Không có nhiều doanh nghiệp hiểu rõ về hiệp định cũng như hạn chế về khả năng thay đổi để thích ứng với những yêu cầu từ thị trường châu Âu.
Trao đổi với Dân Việt, ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham) chia sẻ những kinh nghiệm làm nông sản của Hàn Quốc để có thể "đi chợ" tại châu Âu.
Theo ông, Việt Nam cần làm gì để phát triển ngành nông nghiệp, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại mới được ký kết, hướng tới việc xuất khẩu ra thị trường nước ngoài?
Theo tôi, chợ đầu mối của Việt Nam phải có quy mô lớn và kỹ thuật. Ở Hàn Quốc từ những năm 70 đã xây dựng chợ đầu mối với quy mô lớn gần 60 ha. Sau đó, chúng tôi đã hoàn thiện, từ đó đến nay, chợ đầu mối đó đã trở thành một trong những chợ có quy mô lớn nhất thế giới và hiệu quả sản xuất. Phải có một chợ đầu mối như thế chúng tôi mới có thể cung cấp hàng loạt sản phẩm.
Ngoài ra, khu chợ đầu mối này đi cùng với hệ thống đấu giá, như vậy, người nông dân mới có thể tự bán ra sản phẩm của mình với giá tốt. Thông thường, người nông dân chỉ nhận được khoảng 5.000 trong khi bán cho người tiêu dùng tới 20.000, 30.000,… vậy những lợi ích giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng đi đâu? Chi phí cho khâu trung gian quá lớn.
Ở Hàn Quốc chỉ cần 1 đến 2 chợ đầu mối có thể giải quyết được rất nhiều vấn đề, nhưng ở Việt Nam, theo tôi tối thiểu cần tới khoảng 3 chợ. Ngoài ra, chúng tôi rất hy vọng Việt Nam tập chung vào chế biến nông lâm thủy sản. Việc xuất khẩu ra những sản phẩm tươi không tạo ra giá trị gia tăng nhiều, đặc biệt là không bảo quản được thời gian lâu dài. Chúng tôi thường tập chung xuất khẩu chính những sản phẩm có thể bảo quản lâu như quả dừa.
Về khía cạnh các cơ quan chức năng, nhà hoạch định chính sách cũng như các doanh nghiệp của Việt Nam, ông đánh giá cần phải làm gì để tạo điều kiện tốt nhất cho ngành nông sản xuất khẩu?
Chính phủ và các cơ quan chức năng Việt Nam nên tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia các hội trợ nước ngoài để tham khảo, học hỏi quy cách đóng gói của nước ngoài và các sản phẩm chế biến mới.
Bản thân sản phảm rau, củ, quả có thể chế biến thành những sản phẩm khác nhau. Nếu các doanh nghiệp không chịu ra nước ngoài học hỏi sẽ không biết được các sản phẩm mới, xu thế đóng gói hiện nay là gì.
Điểm yếu của nông sản chế biến của Việt Nam chính là mẫu mã bao bì chưa thực sự bắt mắt, công nghệ đóng gói còn thô xơ so với các nước đối thủ trong khu vực như Thái Lan, Indonesia...
Tôi lấy một ví dụ đơn giản cùng sản phẩm của Việt Nam và Thái Lan với giá tương đương. Mẫu mã bao bì của Thái Lan đẹp hơn thì người tiêu dùng chắc chắn sẽ chọn sản phẩm của họ thay vì của Việt Nam. Còn xét về chất lượng thì rất khó để phân biệt hai sản phẩm khác nhau ở đâu.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, đa phần là vừa và nhỏ, công nghệ đóng gói còn thô sơ, dùng ghim đóng gói. Các dây chuyền, máy móc kiểm nghiệm của Hàn Quốc đều trang bị nam châm. Nếu phát hiện ghim vô tình rơi vào trong sản phẩm, đơn vị nhập khẩu sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự đối với sức khỏe người tiêu dùng.
Điều đáng mừng là các doanh nghiệp lớn như Masan đã áp dụng những công nghệ hiện đại trong đóng gói nên những tiêu chuẩn và mẫu mã đạt được yêu cầu người tiêu dùng.
Theo ông, hiện nay, vấn đề nào đang là rào cản, gây khó khăn cho các doanh nghiệp nước ngoài khi muốn nhập khẩu các sản phẩm nông sản của Việt Nam?
Tôi xin đề xuất chính phủ Việt Nam rà soát lại một số đối tượng lừa đảo. Cụ thể, trên mạng internet, hoa quả Việt Nam mới nổi lên, được giới thiệu sang các thị trường như Mỹ, Hàn Quốc.
Mỗi năm, Hàn Quốc có 1.200 đến 1.400 trên tổng 8.000 doanh nghiệp đang đầu tư qua Việt Nam. Hiện nay, đang xảy ra tình trạng, nhiều đối tượng in ra các quảng cáo, đưa thông tin "tôi là chủ tịch, phó chủ tịch" một hiệp hội nào đó như hiệp hội dừa, thanh long chẳng hạn. Khi trao đổi xong, họ yêu cầu gửi trước tiền mua hàng nhưng sau đó, tới 1, 2 năm sau họ cũng không trả hàng. Điều này sẽ gây mất uy tín ngành nông lâm thủy sản của Việt Nam với các đối tác quốc tế.
Bên cạnh đó, trong trường hợp những trường hợp nêu trên các doanh nghiệp nước ngoài muốn khiếu nại cũng không biết khiếu nại ở đâu. Ngay cả đối với đại sứ quán Hàn Quốc, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc cũng không biết phải khiếu nại ở đâu, cơ quan nào sẽ xử lý. Nhiều khi chúng tôi nhận được câu trả lời đây là vấn đề dân sự, mất rất nhiều thời gian vẫn không thể giải quyết được.
Trong những trường hợp như vậy, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hoặc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương hay một cơ quan chức năng nào đó phải đứng ra giải quyết tình trạng trên để giữ gìn được uy tín các sản phẩm nông thủy sản của Việt Nam.
Cuối cùng, chúng tôi rất hy vọng trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm tới quá trình đàm phán với các đối tác nước ngoài, đặc biệt với Hàn Quốc. Đất nước chúng tôi không thể nhập quá nhiều, nhưng với điều kiện là nước khó khăn về tài nguyên thiên nhiên, đối với ngành nông lâm thủy sản chúng tôi vẫn cần nhập khẩu.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!