Điểm tên 14 dự án chậm triển khai bị đề xuất thu hồi đất tại Hà Nội

08/03/2023 14:31 GMT+7
UBND huyện Mê Linh đề xuất UBND thành phố Hà Nội thu hồi đất, chấm dứt 14 dự án chậm tiến độ với tổng diện tích 921,1ha chưa thực hiện giải phóng mặt bằng từ trước năm 2008.

Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết sau khi kiểm tra, rà soát 64 dự án, trong đó có 49 dự án là đô thị, nhà ở và 15 dự án là sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, khu công nghiệp và bệnh viện đều là các dự án được hình thành từ trước thời điểm huyện Mê Linh sáp nhập về Hà Nội và thuộc loại dự án chậm triển khai từ trên 10 năm nay.

Nguyên nhân nhiều dự án chậm triển khai được một số chủ đầu tư cho biết là do huyện Mê Linh sáp nhập về Hà Nội phải điều chỉnh quy hoạch. Mặc dù năm 2008, Mê Linh chính thức về Hà Nội, tuy nhiên, tới tận cuối năm 2014, các quy hoạch phân khu và chi tiết mới hoàn chỉnh. Do vậy, từ năm 2008-2014, các doanh nghiệp phải dừng chờ điều chỉnh quy hoạch.

Từ đó đến nay, các doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư. Thậm chí, có những dự án đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, giải phóng xong mặt bằng nhưng do có chính sách giao đất dịch vụ nên khi doanh nghiệp mang máy móc vào triển khai thì bị người dân phản đối dẫn đến tiến độ bị chậm.

Qua đó, UBND huyện Mê Linh đề xuất UBND thành phố Hà Nội thu hồi, chấm dứt 14 dự án chậm triển khai với tổng diện tích 921,1ha chưa thực hiện giải phóng mặt bằng từ trước năm 2008.

Điểm tên 14 dự án chậm triển khai bị đề xuất thu hồi đất tại Hà Nội - Ảnh 1.

Huyện Mê Linh đề xuất thu hồi đất 14 dự án chậm triển khai trên địa bàn (Ảnh: TN)

Cụ thể, có 4 dự án chậm triển khai tại xã Đại Thịnh: dự án khu đô thị mới BMC do Công ty Vật liệu xây dựng và lắp ráp thương mại làm chủ đầu tư; dự án khu đô thị mới Prime Group do Công ty Cổ phần Prime Group làm chủ đầu tư; dự án khu đô thị Thanh Lâm - Đại Thịnh 1 và dự án khu đô thị Mê Linh - Đại Thịnh đều do Tổng Công ty Đầu tư phát triển và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư.

Đối với xã Văn Khê có 2 dự án, thứ nhất là dự án thuê đất trồng cỏ nuôi bò sữa tự nhiên do Công ty Cổ phần sữa Hà Nội làm chủ đầu tư. Thứ hai là dự án trồng hoa, cây xanh kết hợp du lịch sinh thái tại do Công ty Cổ phần Quốc tế Hùng Việt làm chủ đầu tư.

Còn xã Tiền Phong có 3 dự án chậm triển khai là dự án xây dựng bệnh viện cho người có thu nhập cao do Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng An Thịnh làm chủ đầu tư; dự án khu nhà ở sinh thái Vietracimex, diện tích 2,8ha do Tổng Công ty cổ phần Thương mại xây dựng làm chủ đầu tư. Và khu đô thị mới Sông Hồng Thủ đô tại do Công ty Cổ phần Mặt trời sông Hồng làm chủ đầu tư.

Dự án khu đô thị mới Việt Á do Công ty Cổ phần tập đoàn đầu tư thương mại công nghiệp Việt Á làm chủ đầu tư ở xã Thanh Lâm.

Tiếp đến là 2 dự án chậm triển khai tại thị trấn Quang Minh, là dự án khu nhà vườn, chung cư phục vụ cho thu nhập thấp, diện tích 12,9ha do Công ty Cổ phần đầu tư tài chính công đoàn dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư; dự án khu công nghiệp Quang minh II do Công ty TNHH Hợp Quần (Đài Loan) làm chủ đầu tư.

Cuối cùng là 2 dự án đều của chủ đầu tư là Công ty CP thương mại dịch vụ du lịch Phương Viên là: dự án Khu nhà ở Thanh Lâmdự án Khu nhà ở cao cấp Phương Viên nằm tại địa phận 3 xã Thanh Lâm, Đại Thịnh, Tam Đồng.

Trước đó, tháng 11/2022, UBND thành phố Hà Nội đã họp, cho ý kiến vào các vấn đề liên quan vấn đề thu hồi đất, tinh thần chung, thành phố làm quyết liệt, có bài bản, trách nhiệm, trong đó sẽ phân loại dự án đã giao đất giao đầu mối cho Sở Tài nguyên Môi trường; dự án chưa giao đất giao đất mà chỉ mới có chủ trương đầu tư sẽ giao cho sở Kế hoạch và Đầu tư.


Thái Nguyễn
Cùng chuyên mục