ĐHĐCĐ 2024: Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS) tiết lộ loạt vấn đề đấu thầu Nhà ga hàng hoá sân bay Long Thành

27/04/2024 16:30 GMT+7
Tại đại hội, cổ đông SCSC thông qua kế hoạch năm 2024 với tổng Doanh thu 968 tỷ đồng, tăng 22% và lãi trước thuế 680 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước. Tỷ lệ chi cổ tức năm 2024 dự kiến là 30%.

CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCSC; HoSE: SCS) đã công bố Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024. Trong đó, cổ đông SCSC cũng thông qua mức chi cổ tức năm 2023 bằng tiền với tỷ lệ 50%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận về 5.000 đồng.

Tại đại hội, cổ đông SCSC thông qua kế hoạch năm 2024 như sau: Tổng Doanh thu 968 tỷ đồng, tăng 22%; Chi phí 288 tỷ đồng, tăng 28%; Lãi trước thuế 680 tỷ đồng, tăng 20%. Tỷ lệ chi cổ tức năm 2024 dự kiến là 30%.

Để đạt được kế hoạch trên, SCSC ước tỉnh tổng sản lượng năm 2024 ở mức 248.000 tấn, tăng 31% so với năm trước. Trong đó, hàng hóa quốc tế là 190 tấn, tăng 39% và hàng hóa quốc nội là 58 tấn, tăng 10%.

ĐHĐCĐ 2024: Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS) tiết lộ loạt vấn đề đấu thầu Nhà ga hàng hoá sân bay Long Thành- Ảnh 1.

Trích Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2024.

Năm 2024, lãnh đạo SCSC đánh giá tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn và chưa có dấu hiệu hồi phục rõ rệt do còn nhiều thách thực. Công ty cho biết sẽ tiếp tục lưu tâm vấn đề kiểm soát chi phí, công nợ, dòng tiền, nâng cao chất lượng dịch vụ...

SCSC lên kế hoạch phát hành cổ phiếu ESOP kéo dài 3 năm

Đáng chú ý, SCSC thông qua phương án phát hành cổ phiếu ESOP, dự kiến mỗi năm sẽ phát hành thêm từ 0,5% - 1% số lượng cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm đăng ký phát hành của công ty. Chương trình kéo dài 3 năm, dự kiến chia làm 3 đợt chào bán từ năm 2025 - 2027.

Cụ thể, đợt 1, nếu lợi nhuận trước thuế năm 2024 tăng trưởng tối thiểu 10% so với năm 2023, doanh nghiệp sẽ được phát hành thêm 0,5% số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Bên cạnh đó, nếu lợi nhuận trước thuế năm 2024 tăng trưởng tối thiểu 20% so với năm 2023 sẽ được phát hành thêm 1% số lượng cổ phiếu đang lưu hành.

Đợt 2 và đợt 3 sẽ diễn ra lần lượt vào các năm 2025 và 2026 với những điều kiện tương tự như năm 2024. Trong trường hợp không đạt điều kiện như trên sẽ không được phát hành và số cổ phiếu không được phát hành sẽ bị hủy bỏ, không được cộng gộp vào các đợt phát hành tiếp theo.

Theo thông tin về việc phát hành, giá phát hành mỗi đợt sẽ bằng tối thiểu 20% giá đóng cửa bình quân trên thị trường của 10 ngày làm việc trước ngày HĐQT thông qua việc triển khai thực hiện đợt chào bán.

Nguồn vốn thu được từ đợt phát hành cho cán bộ chủ chốt công ty sẽ được bổ sung vào nguồn vốn lưu động của công ty ngay sau khi hoàn tất báo cáo kết quả phát hành.

Phiên thảo luận:

1. Công ty chia sẻ thêm về việc trích quỹ khen thưởng cho Cán bộ công nhân viên, không đồng ý với việc phát hành ESOP? Tại sao công ty không phát hành cho tất cả các cổ đông hiện hữu?

- Chính sách tiền lương hiện nay đang thấp so với thị trường. Việc áp dụng chính sách ESOP là để đảm bảo thu nhập cho người lao động gắn bó, đóng góp và tối ưu hóa chi phí lương, góp phần đảm bảo hiệu quả tăng trưởng công ty và đảm bảo chính sách chi cổ tức cho cổ đông.

2. Công ty chia sẻ công việc cụ thể đã, đang và sẽ làm để tham gia đấu thầu đầu tư vào dự án Nhà ga hàng hóa hàng không Long Thành?

- Cảng hàng không quốc tế Long Thành có 2 nhà ga hàng hóa. Trong đó, nhà ga số 1 đã được Nhà nước chỉ định ACV làm chủ đầu tư dự án và nhà ga số 2 Nhà nước giao cho Bộ Giao thông Vận tải chuẩn bị thủ tục mời thầu.

Hiện, Nhà nước chưa có phê duyệt chính thức các tiêu chí tham gia đấu thầu và chưa thông báo mời thầu. Ban điều hành luôn theo dõi sát sao để có cơ hội tham gia thực hiện dự án.

Về phía SCSC, năm 2023, thị phần của công ty tại Tân Sơn Nhất đã tăng từ 39% lên 47%. SCSC đã thực hiện nâng cấp công suất nhà ga lên 350.000 tấn/năm với mục đích phụ vụ cho thị trường hàng hóa tăng lên và chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng cho việc tham gia đấu thầu vào Nhà ga hàng hóa hàng không Long Thành.

3. Khi Nhà ga Long Thành hoàn thành thì phân chia tỷ lệ phục vụ hàng hóa giữa 2 sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất như thế nào?

- Nhà nước xác nhận duy trì hoạt động hàng hóa tại 2 sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất. Tỷ lệ hàng hóa mỗi sân bay còn phụ thuộc vào việc điều phối của Nhà nước.

TP. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, văn hóa lớn nên lượng hàng hóa phục vụ cho thị trường TP. HCM là rất lớn. Do đó, SCSC đã có kế hoạch kết nối giữa các hoạt động tại nhà ga Tân Sơn Nhất với nhà ga hàng hóa tại Long Thành để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng và duy trì hoạt động kinh doanh cho SCSC.

Khánh Ly
Cùng chuyên mục