ĐHĐCĐ Xây dựng Hòa Bình: Cơ sở quan trọng để HBC đưa ra kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng 180%?

22/06/2021 18:20 GMT+7
Năm 2021, Hòa Bình đặt mục tiêu tổng doanh thu 13.500 tỷ đồng, tăng 20,3% so với năm 2020; lợi nhuận sau thuế 235 tỷ đồng, tăng 180,9% so với năm 2020.

Hòa Bình chia cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu

Chiều ngày 21/06/2021, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC, Hòa Bình) đã được tiến hành thành công theo hình thức trực tuyến, với tỷ lệ tham dự gần 52% cổ phần có quyền biểu quyết. Theo đó, tất cả các nội dung trình tại Đại hội đều được Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Năm 2020 doanh thu thuần của Hòa Bình đạt 11.224,7 tỷ đồng, bằng 89,8% so với kế hoạch và giảm 39,7% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế đạt 86,3 tỷ đồng, tương đương 69,1 % so với kế hoạch và giảm 79,3% so với năm 2019. Cổ tức thực hiện 5% bằng cổ phiếu.

Trong 3 năm gần nhất, từ 2018 – 2020, tổng số giờ công an toàn lao động của Hòa Bình lên đến gần 200 triệu giờ, đây là thành tích ấn tượng đối với ngành nghề có nhiều rủi ro về tai nạn lao động như xây dựng.

Năm 2020, Hòa Bình cũng đã chuyển đổi thành công hệ thống quản lý An toàn Sức khỏe Nghề nghiệp từ OHSAS 18001:2007 lên ISO 45001:2018, phiên bản mới nhất của hệ thống quản lý này với các tiêu chuẩn cao hơn.

Để đạt kế hoạch lợi nhuận, năm 2021 Hòa Bình phải trúng thầu 14.000 tỷ đồng

Năm 2021, Hòa Bình đặt mục tiêu kế hoạch hoạt động với tổng doanh thu 13.500 tỷ đồng, tăng 20,3% so với năm 2020, trong đó doanh thu hợp đồng xây dựng là 12.000 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 235 tỷ đồng, tăng 180,9% so với năm 2020, cổ tức kế hoạch 5% bằng cổ phiếu hoặc tiền mặt.

ĐHĐCĐ Xây dựng Hòa Bình: Cơ sở quan trọng để HBC đưa ra kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng 180%? - Ảnh 1.

Kế hoạch doanh thu hợp đồng xây dựng 2021 của Hòa Bình

Lãnh đạo Hòa Bình cho biết, trong 12.000 tỷ đồng doanh thu hợp đồng xây dựng kế hoạch cho năm 2021, Hòa BÌnh có 2.858 tỷ đồng doanh thu ghi nhận mới, 9.142 tỷ đồng doanh thu từ các hợp đồng năm trước ghi nhận trong năm 2021. Và để có được 2.858 tỷ đồng doanh thu ghi nhận mới, năm 2021 giá trị trúng thầu của Hòa Bình cần đạt 14.000 tỷ đồng. Hiện giá trị trúng thầu của Hòa Bình từ đầu năm đến nay là 9.408 tỷ đồng, bằng 67% chỉ tiêu cả năm 2021. 

ĐHĐCĐ Xây dựng Hòa Bình: Cơ sở quan trọng để HBC đưa ra kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng 180%? - Ảnh 2.

Từ đầu năm đến tháng 6/2021, Hòa Bình đã trúng thầu hơn 9.408 tỷ đồng

Đối với các dự án bất động sản, đầu tư dài hạn và hướng phát triển trong thời gian tới, Hòa Bình sẽ có phương án triển khai cụ thể cho từng dự án, có thể tăng hoặc giảm tỉ lệ tham gia các dự án bất động sản hiện hữu. Đồng thời triển khai, thực hiện thêm một số dự án hợp tác kinh doanh và đầu tư địa ốc mới có tính khả thi.

Được biết trước đó vào  ngày 10/6/2021, Hội đồng Quản trị đã thông qua chủ trương thoái vốn các dự án đầu tư địa ốc trong nước hoặc các công ty thành viên hoạt động kinh doanh không hiệu quả nhằm bổ sung nguồn vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng bao gồm: xây dựng dân dụng, xây dựng công nghiệp, hạ tầng trong nước và đầu tư phát triển ra thị trường nước ngoài.

Trả lời cổ đông, lãnh đạo Hòa Bình cho biết, Tập đoàn Hòa Bình hiện đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản, trong đó có 4 dự án lớn. Việc thoái vốn khỏi các dự án tại số 1C Tôn Thất Thuyết có khả năng thu về 400 tỷ đồng.

Nếu thoái thành công 4 dự án lớn khả năng HBC sẽ thu về trên 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên để đạt được mức thoái vốn hiệu quả nhất Hòa Bình phải định giá từng dự án với một bên thứ ba. Ngoài ra, HBC cũng thoái vốn khỏi mảng chứng khoán, sản xuất betong sợi thuỷ tinh…

Đại hội cũng đã thông qua đơn từ nhiệm chức vụ thành viên Hội đồng Quản trị độc lập nhiệm kỳ 2019 – 2024 của ông Đặng Hồng Anh. Đồng thời bầu thành viên HĐQT độc lập nhiệm kỳ mới 2021 – 2024 gồm ba thành viên: ông Nguyễn Tường Bảo, ông Nguyễn Công Phú và ông Dương Văn Hùng. Toàn bộ nội dung tờ trình cũng đã được đại hội thông qua với tỉ lệ đồng thuận rất cao.

Hòa Bình đã xử lý được 400/500 tỷ đồng nợ xấu

Tại Đại hội, ông Lê Viết Hiếu, Tổng giám đốc HBC cho biết, năm 2021, Hội đồng quản trị của Hòa Bình đặt chỉ tiêu xử lý 500 tỷ đồng nợ xấu. Hiện HBC đã thực hiện được 400 tỷ đồng nợ xấu nên khá tự tin về khả năng vượt chỉ tiêu xử lý nợ  xấu.

Liên quan đến phán quyết và thỏa thuận đạt được giữa HBC – FLC, ông Lê Viết Hải, chủ tịch HBC cho biết, FLC sẽ trả cho HBC 285 tỷ đồng trong đó 192 tỷ đồng là nợ gốc. Ở Hợp đồng số 27, FLC đã thanh toán cho HBC 20 tỷ đồng, còn lại khoảng 15 tỷ đồng. Tại Hợp đồng số 18, nợ gốc là 162 tỷ đồng; theo phán quyết của Toà, FLC sẽ thanh toán 234 tỷ đồng nhưng do phát sinh lãi thanh toán chậm, giá trị FLC phải thanh toán lên đến 250 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, từ tháng 7/2021 – 12/2021, FLC sẽ thanh toán cho HBC 20 tỷ đồng/tháng; 3 tháng đầu năm 2022 sẽ tháng toán 25 tỷ đồng/tháng và phần còn lại sẽ thanh toán vào tháng 4/2022. Như vậy, từ nay cho đến tháng 4/2022, HBC sẽ nhận về 265 tỷ đồng từ FLC.

Theo Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông năm 2018, năm nay Hòa Bình sẽ phát hành 3.250.000 cổ phiếu cho CBCNV với giá bằng mệnh giá. HĐQT sẽ lựa chọn thời điểm thích hợp để phát hành trong năm 2021 hoặc các năm sau. Đồng thời, đại hội cũng thông qua việc phát hành 4.620.000 quyền mua cổ phiếu cho CBCNV đang làm việc, 1 quyền được mua 1 cổ phiếu với giá bằng mệnh giá, quyền mua có hiệu lực sau 3 năm kể từ 01/01/2021.

Q. Nguyễn
Cùng chuyên mục