Dịch bệnh do virus corona sẽ “phân cực” Mỹ - Trung hơn cả chiến tranh thương mại
Dòng chảy thương mại Mỹ - Trung "phân cực" nhanh hơn vì virus corona
Curtis Chin, một học giả phụ trách các vấn đề Châu Á tại viện nghiên cứu Milken cho hay: “Chúng ta đã nói về sự phân cực giữa Trung Quốc và Mỹ. Giờ đây, đại dịch virus corona đang đẩy nhanh tốc độ phân cực hơn cả cuộc chiến tranh thương mại, khi các doanh nghiệp bắt đầu nghĩ nhiều hơn về việc thay đổi chuỗi cung ứng của họ trong dài hạn”.
“Họ không thể đặt tất cả chuỗi cung ứng ở Trung Quốc. Chúng ta đã thấy những hậu quả lớn từ việc quá phụ thuộc vào một thị trường trọng điểm” - ông Curtis Chin chia sẻ với tờ CNBC bên lề Hội nghị do Viện nghiên cứu Milken Institute tổ chức tại Abu Dhabi hôm 11/2.
Ông Curtis Chin nhắc lại nguy cơ phân cực giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới kể từ sau khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung bùng nổ và nóng lên hồi năm 2018. Chính quyền Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đã không ngừng áp đặt thuế quan trừng phạt - trả đũa lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa của quốc gia đối phương, gây nhiều bất ổn trong dòng chảy thương mại toàn cầu. Hàng ngàn doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc đã buộc phải cân nhắc di chuyển dây chuyền sản xuất của họ sang các thị trường khác để tránh mức thuế quan trừng phạt lên tới 30% của Mỹ.
Năm ngoái, Nhà Trắng thậm chí còn cân nhắc một số hạn chế đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc như hủy niêm yết các công ty Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực công nghệ trên sàn chứng khoán Mỹ. Trung Quốc cũng được cho là đang nỗ lực loại bỏ sự ảnh hưởng của công nghệ Mỹ bằng cách khuyến khích nghiên cứu phát triển chuỗi cung ứng độc lập của riêng mình, bao gồm cả các ngành sản xuất chip điện tử, phần mềm, phần cứng, trí tuệ nhân tạo, công nghệ hàng không vũ trụ...
Nhà phân tích Curtis Chin nhận định: “Thực tế là trong những năm tới, nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục hội nhập và đan xen từ chuỗi cung ứng cho đến dòng chảy đầu tư và thương mại. Nhưng cuộc khủng hoảng do dịch virus corona hiện tại đã nhấn mạnh lại với các doanh nghiệp Mỹ nói riêng và tất cả đối tác thương mại - đầu tư của Trung Quốc nói chung về việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra bên ngoài Trung Quốc”.
Một minh chứng cụ thể là gã khổng lồ Apple, kẻ đặt gần như toàn bộ dây chuyền sản xuất iPhone tại Trung Quốc đang đối mặt với rủi ro lớn bị trì hoãn kế hoạch ra mắt dòng iPhone giá rẻ mới nhất vào tháng 3 tới sau khi dịch virus corona làm tê liệt gần như toàn bộ các nhà máy sản xuất. Foxconn, một trong những đối tác lớn nhất của Apple hôm 10/2 xác nhận đã mở cửa trở lại một nhà máy ở Trịnh Châu, nhưng cảnh báo rằng chỉ có 1/10 công nhân (khoảng 16.000 người) đã trở lại lao động bình thường trong khi lực lượng còn lại vẫn đang trong thời gian cách ly kiểm dịch 14 ngày.
Trong khi đó, Samsung, nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới lại gần như không chịu ảnh hưởng gì từ đại dịch virus corona do 3 nhà máy sản xuất lớn của công ty này đều đặt ở Việt Nam.
Dịch virus corona "có lợi" cho Mỹ
Đồng quan điểm với viện Milken, Ngân hàng Nomura cũng cảnh báo về vai trò quan trọng của Trung Quốc trong mối quan hệ hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. Theo thống kê của Nomura, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã đóng góp tới 12% trong tổng kim ngạch thương mại toàn cầu năm 2019. Chuỗi cung ứng của rất nhiều doanh nghiệp đa quốc gia, đặc biệt là các doanh nghiệp Mỹ đều phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc.
"Khi chiến tranh thương mại Mỹ Trung bùng nổ, các mức thuế quan đã góp phần chuyển hướng dòng chảy thương mại ra ngoài thị trường Trung Quốc. Nhưng tác động của nó vẫn chưa thực sự rõ rệt. Giờ đây, sự bùng phát của dịch virus corona tại Vũ Hán một lần nữa làm gia tăng nguy cơ với chuỗi cung ứng toàn cầu khi hàng loạt tỉnh thành Trung Quốc tê liệt, nhà máy tạm đóng cửa nhiều tuần" - tờ CNBC phân tích.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross thậm chí còn lạc quan cho rằng virus corona hoành hành tại Trung Quốc có thể sẽ “có lợi cho Mỹ”. “Đại dịch có thể khiến các doanh nghiệp suy nghĩ lại về chuỗi cung ứng của họ, và dời nhà máy sản xuất về Mỹ… Tôi nghĩ rằng dịch virus corona sẽ đẩy nhanh tốc độ các doanh nghiệp quay về Bắc Mỹ, làm gia tăng việc làm và sản xuất. Một số sẽ chọn dừng chân tại Mỹ, một số khác đến Mexico…”
Một điều đáng quan ngại khác, ông Curtis Chin cũng chỉ ra rằng dịch virus corona còn ảnh hưởng đến thỏa thuận thương mại Mỹ Trung giai đoạn 1 vừa ký kết hồi giữa tháng 1. “Theo nhiều cách, mọi thứ trên bàn đàm phán gần như đang bị đóng băng. Ta không thấy các nhà đàm phán Trung Quốc đến Washington và ngược lại… Nếu các cam kết mà Bắc Kinh đã đáp ứng với Washington không được sớm thực hiện, nó sẽ lại là một nguy cơ mới trong quan hệ thương mại Mỹ Trung”.
Nội dung thỏa thuận giai đoạn 1 nhắc đến việc Bắc Kinh cam kết tăng cường nhập khẩu 200 tỷ USD hàng hóa dịch vụ Mỹ trong vòng 2 năm, điều mà các chuyên gia phân tích cho rằng khó mà đạt được, nhất là khi nhu cầu tiêu dùng và hoạt động sản xuất tại đại lục đang giảm mạnh vì dịch virus corona.