Dịch Covid-19 tái bùng phát: Đến quốc gia giàu nhất cũng khó chịu đựng thêm 2-3 tháng phong tỏa
Suresh Tantia, chiến lược gia đầu tư cao cấp từ văn phòng Credit Suisse’s APAC CIO nhận định: “Tình hình như hồi tháng 3 khó có thể lặp lại một lần nữa”. Ông Suresh đang đề cập đến các lệnh hạn chế kiểm dịch và phong tỏa hoàn toàn quốc gia hồi tháng 3, khi số ca nhiễm mới Covid-19 bắt đầu tăng mạnh ở nhiều quốc gia như Mỹ và Châu Âu với tốc độ lây lan nhanh chóng.
“Làn sóng dịch Covid-19 thứ hai là mối lo ngại lớn với nhà đầu tư. Nhưng tôi cho rằng điểm khác biệt lớn nhất là không giống như làn sóng đầu tiên hồi tháng 3, lần này, rất khó để các chính phủ trên toàn cầu tiếp tục thực hiện đóng cửa nền kinh tế” - ông Suresh khẳng định.
Hartmut Issel, chuyên gia kinh tế từ UBS Global Wealth Management cũng đồng quan điểm khi nhận định các quốc gia khó có thể chọn con đường phong tỏa hoàn toàn, đóng cửa kinh tế một lần nữa. “Động thái phong tỏa một quốc gia sẽ thổi bay tới 3% GDP quốc gia mỗi tháng. Do đó, ngay cả những quốc gia giàu nhất hành tinh cũng không thể đủ khả năng chịu đựng thêm một đợt phong tỏa kéo dài 2, 3 tháng nữa”.
“Nếu bạn nhìn lại đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán hồi tháng 3, bạn sẽ thấy lý do các nhà đầu tư bán tháo không phải do lo ngại về dịch bệnh, mà là do sự đóng cửa, trì trệ của nền kinh tế toàn cầu. Thị trường tất nhiên sẽ quan ngại (về sự bùng phát trở lại của dịch bệnh). Nhưng miễn là chúng ta không thấy sự đóng cửa kinh tế lặp lại như hồi tháng 3, thì tôi cho rằng thị trường sẽ tập trung nhiều hơn vào động thái phục hồi trong vài quý tới”.
Nhận định được đưa ra trong bối cảnh Mỹ chứng kiến số ca nhiễm mới trong ngày kỷ lục hôm 24/6 với 45.557 trường hợp, theo dữ liệu của NBC News. Trong đó, California chứng kiến hơn 7.000 ca nhiễm mới, tăng vọt 69% trong hai ngày, còn Florida báo cáo số lượng kỷ lục cá ca nhiễm mới. Cả California và Florida là hai bang đóng góp phần lớn trong quy mô GDP nước Mỹ.
Không riêng Mỹ, nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đang vật lộn với làn sóng dịch Covid-19 bùng phát lần thứ hai.
Tại Trung Quốc, quốc gia nơi dịch Covid-19 bùng phát đầu tiên, một ổ dịch đã bùng phát tại chợ buôn lớn nhất phía Bắc Xinfadi (Bắc Kinh) với hơn 200 ca nhiễm tính đến nay. Chính quyền Bắc Kinh đã buộc phải khôi phục một số lệnh phong tỏa và đóng cửa tất cả các trường học. Cho đến nay, Trung Quốc tuyên bố tình hình tại ổ dịch đã được kiểm soát, nhưng sự tái bùng phát vẫn ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm lý người dân.
Tại Hàn Quốc, một làn sóng dịch Covid-19 mới cũng bùng phát với nhiều ổ dịch quanh thủ đô Seoul. Các quốc gia Nam Mỹ cũng chứng kiến số ca nhiễm tiếp tục tăng và chưa có dấu hiệu đạt đỉnh.
Hôm 24/6, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đã cắt giảm dự báo kinh tế toàn cầu một lần nữa, đồng thời cảnh báo môi trường tài chính công toàn cầu xấu đi đáng kể khi các chính phủ cố gắng tung nhiều gói kích thích khổng lồ để xoa dịu hệ lụy kinh tế từ đại dịch. Theo dự báo này, IMF ước tính GDP toàn cầu -4,9% trong năm 2020, giảm mạnh từ mức -3% mà cơ quan này đưa ra hồi tháng 4.
Ở các quốc gia đang chứng kiến tỷ lệ lây nhiễm tiếp tục gia tăng, IMF dự báo các biện pháp hạn chế kiểm dịch kéo dài sẽ tác động hơn nữa đến hoạt động kinh tế. Dự kiến nền kinh tế Mỹ sẽ chứng kiến tăng trưởng GDP -8% trong năm nay, khi nước này trở thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới. IMF cũng cảnh báo tăng trưởng kinh tế khu vực đồng Euro có thể giảm mạnh -10,2% trong năm 2020.