Hàng chục ngàn thủy thủ mắc kẹt, kiệt sức trên biển vì dịch Covid-19

25/06/2020 08:54 GMT+7
Hàng chục ngàn thủy thủ đang kiệt sức khi bị mắc kẹt trên biển trong cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 kéo dài nhiều tháng trời, điều có khả năng ảnh hưởng mạnh mẽ đến chuỗi cung ứng và thương mại quốc tế.
Hàng chục ngàn thủy thủ mắc kẹt, kiệt sức trên biển vì dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Hàng chục ngàn thủy thủ mắc kẹt, kiệt sức trên biển vì dịch Covid-19

Trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, có khoảng 1,2 triệu thủy thủ làm việc trên biển, đóng góp vào các tuyến thương mại đường biển quan trọng của thế giới. Có khoảng 100.000 thủy thủ sẽ đổi ca mỗi tháng để nghỉ phép sau thời gian dài lênh đênh trên biển, theo Chủ tịch Hiệp hội Vận chuyển Quốc tế Esben Poulsson.

Nhưng dịch Covid-19 bùng phát và lệnh hạn chế di chuyển của các chính phủ đã khiến số lượt thủy thủ đổi ca hàng tháng giờ đây giảm mạnh xuống 20.000-30.000 người. Tức là tại thời điểm này, có tới 200.000 thủy thủ cần rời tàu về nhà nghỉ ngơi, và 200.000 thủy thủ khác đang mắc kẹt ở nhà cần phải lên tàu để thay thế cho các thủy thủ đó, ông Poulsson nói thêm.

Theo Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), các thủy thủ thường làm việc trên tàu 4-6 tháng trước thời gian nghỉ phép trở về đất liền. Trong thời gian lênh đênh trên biển, họ làm việc theo ca từ 10-12 tiếng/ ngày, 7 ngày/ tuần. Công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế về lao động hàng hải quy định rõ thời gian tối đa liên tục mà một thủy thủ nên phục vụ trên tàu không nghỉ phép là 11 tháng.

Tuy nhiên, hàng chục ngàn thủy thủ đã phải làm việc với thời gian vượt quá điều khoản hợp đồng nhiều tháng trời vì họ không thể rời khỏi tàu. Những thủy thủ cần lên tàu cũng phải đối mặt với nhiều hạn chế di chuyển của các chính phủ, bởi nhiều người trong số họ cần bay sang một quốc gia khác để lên tàu. Cá biệt, có nhiều thủy thủ đã làm việc 15 tháng trời trên tàu.

Trong khi các tổ chức liên quan đã mạnh mẽ kêu gọi, vận động các chính phủ tạo điều kiện cho sự thay đổi thủy thủ đoàn, nhiều người vẫn mắc kẹt trên biển. Liên đoàn công nhân vận tải quốc tế (ITF) và các công đoàn liên quan hồi đầu tháng này buộc phải tuyên bố sẽ giúp các thủy thủ sử dụng quyền ngừng làm việc để rời tàu và trở về nhà khi hết hạn hợp đồng, bất chấp rủi ro rằng biện pháp như vậy có nguy cơ sẽ gây ra sự hỗn loạn trong chuỗi cung ứng, khiến thương mại toàn cầu bị đình trệ. “Những thủy thủ trên biển đã thực hiện nhiều hơn phần trách nhiệm của họ trong đại dịch này. Đã quá đủ” - Tổng thư ký ITF Steve Cotton khẳng định trong một tuyên bố mạnh mẽ.

Khoảng 80% khối lượng thương mại toàn cầu được vận chuyển qua đường hàng hải. Khi sự thay đổi thuyền viên bị hạn chế, rất nhiều thủy thủ đang bị tổn hại về phúc lợi, sức khỏe, tinh thần và an toàn bản thân.

Trong một tuyên bố gần đây, Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) nhấn mạnh: “Các thủy thủ đang ở tuyến đầu chống dịch Covid-19, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì dòng chảy thương mại của các hàng hóa thiết yếu như thực phẩm, thuốc men và vật tư y tế. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng đại dịch đã kéo theo điều kiện làm việc khó khăn cho thủy thủ đoàn, bao gồm cả những rủi ro và khó khăn trong việc tiếp cận cảng, đổi ca thủy thủ và hồi hương”.

Tờ Financial Times mới đây cho biết một tàu chở dầu của Đức đã từ chối ra khơi trừ khi thủy thủ đoàn được đổi ca và hồi hương. 

Trước tình hình này, một số chính phủ đã bắt đầu cho phép đổi ca thủy thủ đoàn tại các cảng, nhưng bắt buộc tuân theo giao thức kiểm dịch nghiêm ngặt. Tại Singapore, một trung tâm thương mại hàng hải lớn trên tuyến đường biển quốc tế, chính phủ nước này đã tạo điều kiện cho các thủy thủ đoàn thay đổi người. Hôm 12/6, cơ quan hàng hải thành phố cho biết đã chấp thuận cho 4.000 thủy thủ liên quan đến 500 tàu nhập cảnh và đổi ca kể từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 6.

Dù ông Esben Poulsson nhấn mạnh các chính phủ “cần làm nhiều hơn nữa, với tốc độ nhanh hơn nữa”, việc luân phiên đổi ca thủy thủ vẫn đang gặp khó, nhất là khi đại dịch Covid-19 có nguy cơ bùng phát lần thứ hai tại nhiều quốc gia trên thế giới.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục