Định giá chứng khoán thấp nhất 10 năm, cơ hội đầu tư năm 2023 ra sao?

23/01/2023 15:18 GMT+7
Theo Vinacapital, định giá của thị trường chứng khoán đang ở vùng thấp trong 10 năm trở lại đây, hấp dẫn cho đầu tư dài hạn. Cả nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn tăng trưởng cao trong ít nhất 5 năm tới.

VinaCapital nhận định, năm 2023 sẽ xuất hiện nhiều yếu tố tích cực mới, tạo thuận lợi hơn cho thị trường. Trong đó, lạm phát toàn cầu nhiều khả năng đã qua đỉnh. Chỉ số hàng hóa toàn cầu của Bloomberg và lạm phát Mỹ đã lập đỉnh vào tháng 6/2022. Từ đó, tốc độ tăng lạm phát của Mỹ cũng chậm lại. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất trong năm 2023 do các áp lực về lạm phát đã được nới lỏng. VinaCapital đánh giá việc tăng lãi suất trong năm 2023 đã ít nhiều được phản ánh vào giá cổ phiếu.

Định giá chứng khoán thấp nhất 10 năm, cơ hội đầu tư năm 2023 ra sao? - Ảnh 1.

Diễn biến VN-Index qua 1 năm

Bên cạnh đó, áp lực lãi suất và tỷ giá trong nước đã giảm đáng kể trong năm 2022, lãi suất liên ngân hàng qua đêm giảm về dưới 5% vào cuối năm 2022. Lãi suất huy động tối đa 9,5% cho tất cả kỳ hạn cũng được thống nhất áp dụng cho các ngân hàng thương mại vào tháng 12/2022. Trước đó, một số ngân hàng nhỏ đã đẩy lãi suất huy động lên mức 11-12%. Trong tháng 11/2022, tỷ giá USD/VND giảm từ khoảng 24,900 đồng/USD xuống còn khoảng 23.600 đồng/USD vào cuối năm 2022, qua đó nới lỏng áp lực về tỷ giá.

VinaCapital nhận định, tiền đồng sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi dòng vốn từ đầu tư nước ngoài và thặng dư thương mại của Việt Nam.

Đầu tư công được đẩy mạnh và Trung Quốc mở cửa trở lại cũng được VinaCapital đánh giá là yếu tố tích cực cho năm 2023. Ngân sách đầu tư công năm 2023 đã được Quốc hội thông qua ở mức trên 700.000 tỷ đồng, tăng 25% so với kế hoạch năm 2022 và khoảng 61% so với số ước thực hiện năm 2022.

Về yếu tố Trung Quốc, hoạt động du lịch được kỳ vọng hỗ trợ lớn do Trung Quốc xoay trục chính sách zero-COVID, khách Trung Quốc chiếm khoảng gần 1/3 khách quốc tế đến Việt Nam. VinaCapital đánh giá việc này cũng sẽ giúp giảm bớt chi phí nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc đồng thời thúc đẩy xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, nhất là các sản phẩm nông nghiệp.

Theo VinaCapital, P/E (hệ số giá trên thu nhập) của Việt Nam đang ở mức thấp trong vòng 10 năm trở lại đây. Dự báo năm 2023, P/E có thể đạt khoảng 10 lần. So với các thị trường khác trong khu vực ASEAN, P/E thị trường chứng khoán Việt Nam đang thấp hơn khoảng 30%. Trung bình năm 2022, mức chiết khấu của thị trường Việt Nam chỉ khoảng 15%.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã thấy được sự hấp dẫn này và mua ròng khoảng 1,3 tỷ USD trong tháng 11 và 12/2022.

Các chuyên gia của VinaCapital cho biết, Việt Nam nằm trong nhóm các nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình khoảng 6,5%/năm vào giai đoạn trước dịch COVID-19. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2021 - 2025 ở mức 6,5% - 7%/năm được đề ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng dù đã bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong năm 2021, tuy nhiên hoàn toàn có thể vẫn được duy trì trong giai đoạn 2023-2025.

Tăng trưởng kinh tế cao sẽ tích cực cho hoạt động kinh doanh của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán. Trong năm 2023, kết quả kinh doanh của các công ty niêm yết có thể bị ảnh hưởng bởi tăng trưởng chậm lại của xuất khẩu, tiêu dùng và áp lực lãi suất vẫn còn cao.

Chuyên gia dự báo, tăng trưởng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) của VN-Index có thể về mức một con số. Đến năm 2024, khi các áp lực về lạm phát và chính sách tiền tệ thắt chặt được giải tỏa, các khó khăn và thách thức trong nội tại của nền kinh tế Việt Nam được giải quyết, tăng trưởng EPS có thể đạt mức hai con số. Đầu tư công dự kiến vẫn là yếu tố hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế.

VinaCapital nhận định, trong 3-5 năm tới, tăng trưởng kinh tế tích cực và triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ là động lực quan trọng thu hút dòng tiền của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Quy mô thị trường chứng khoán còn mở rộng nhờ thanh khoản tăng lên và vẫn còn nhiều doanh nghiệp có khả năng niêm yết mới trong những năm tới (cả doanh nghiệp tư nhân và cổ phần hóa hoặc thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước).

“Cả nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn tăng trưởng cao trong ít nhất 5 năm tới và các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ không bỏ qua cơ hội này”, chuyên gia của VinaCapital khẳng định.


Theo Tiền Phong
Cùng chuyên mục