Doanh nghiệp du lịch "làm một vụ ăn cả năm", doanh thu tài chính đều đặn nhờ cho công ty khác vay trăm tỷ
CTCP Cáp treo Núi Bà Tây Ninh (HOSE: TCT) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2021 ghi nhận doanh thu sụt giảm 8,7 lần so với cùng kỳ, về mức 446 triệu đồng (quý IV/2020 đạt 3,9 tỷ đồng). Phần doanh thu sụt giảm đến từ việc TCT không ghi nhận doanh thu hoạt động vận chuyển cáp treo - xe trượt do ảnh hưởng của bệnh dịch Covid-19, trong khi cùng kỳ ghi nhận hơn 3,6 tỷ đồng.
Tuy không ghi nhận doanh thu từ hoạt động vận chuyển cáp treo - xe trượt, song giá vốn bán hàng ở khoản mục này vẫn neo cao ở ngưỡng 10,4 tỷ đồng, gấp 4 lần so với quý IV/2020. Kết quả, TCT báo lỗ gộp 10,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 1,5 tỷ đồng.
Trong kỳ, lãi tiền cho vay, tiền gửi đưa về cho mảng doanh thu hoạt động tài chính 5,4 tỷ đồng, đi ngang so với năm ngoái. Chi phí bán hàng giảm từ 5,3 tỷ xuống 182 triệu đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 400 triệu đồng, về ngưỡng 877 triệu đồng. TCT không ghi nhận chi phí lãi vay và chi phí tài chính.
Kết quả, TCT báo lỗ trước thuế quý IV/2021 5,8 tỷ đồng, giảm sâu với số lãi 305,8 triệu đồng năm 2020. Lỗ sau thuế 4,5 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 278 triệu đồng.
Tuy nhiên, tính chung cả năm 2021, TCT báo lợi nhuận sau thuế hơn 2 tỷ đồng, trong khi năm ngoái chỉ lãi vỏn vẹn 417 triệu đồng nhờ quý I/2021 - thời điểm nhiều lễ hội, Tết Nguyên Đán, lượng khách hàng du lịch đổ về núi Bà Đen (Tây Ninh) tăng đột biến giúp doanh nghiệp thu về gần 14 tỷ đồng lợi nhuận, bù lại cho kết quả kinh doanh kém khả quan 3 quý sau đó của TCT trong năm. Qua đó, hoàn thành vượt chỉ tiêu lợi nhuận đã đặt ra trong năm 2021 (1,4 tỷ đồng).
Tính đến cuối năm 2021, Tổng tài sản TCT có hơn 307 tỷ đồng, giảm 17 tỷ đồng so với đầu năm. Khoản mục tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn gần 51 tỷ đồng, tăng 1,8 lần so với đầu năm.
Khoản phải thu về cho vay ngắn hạn có 226,3 tỷ đồng, chiếm phần lớn cơ cấu tổng tài sản doanh nghiệp. Đây là số tiền mà TCT cho các đối tác doanh nghiệp vay có kỳ hạn 3 tháng, lãi suất từ 8-9,5%/năm.
Mới đây nhất, HĐQT TCT đã cho Công ty TNHH Mặt Trời Cát Bà (có địa chỉ tại Hải Phòng) vay 126,3 tỷ đồng, thời hạn vay 3 tháng với lãi suất 9,5%/năm.
Tiền lãi từ những khoản cho vay này đem về cho TCT mức doanh thu tài chính 5,4 tỷ đồng/năm trong những năm qua.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả TCT chỉ hơn 11,1 tỷ đồng. Doanh nghiệp không ghi nhận nợ vay tài chính.
Sau một thời gian dài "im hơi lặng tiếng" vì đại dịch Covid-19, dịp Tết Nguyên Đán 2022, lượng khách du lịch đổ về Tây Ninh tăng đột biến.
Theo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Tây Ninh, lượng khách du lịch đến núi Bà Đen đến hết ngày mùng 5 Tết ước đạt 595.000 du khách.
Lưu ý rằng, với những doanh nghiệp du lịch có tính thời vụ đặc thù như TCT, việc khách du lịch đổ về trong những ngày đầu năm là tín hiệu vui mừng, bởi thường sẽ làm một vụ nhưng ăn cả mùa.
Đơn cử, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, TCT đã ghi nhận hằng trăm tỷ đồng doanh thu vào quý đầu năm. Đơn cử, quý I/2018, doanh thu của TCT đạt 102 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 59 tỷ đồng. Quý I/2018 chỉ mục này tiếp tục cao với doanh thu đạt 109 tỷ đồng, lãi ròng 60 tỷ đồng.
Trong khi đó, các quý tiếp theo trong năm TCT thường ghi nhận kết quả kinh doanh kém khả quan, thậm chí còn thua lỗ.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/1/2022, cổ phiếu TCT hiện giao dịch ở ngưỡng 39.100 đồng/cp, tăng 1,56% so với phiên giao dịch liền kề.