Doanh nghiệp mía đường đặt kế hoạch thận trọng niên vụ 2019-2020
Kế hoạch thụt lùi
Hoạt động kinh doanh mía đường thường mang tính chất thời vụ. Các nhà máy đường Việt Nam sẽ kết thúc vụ sản xuất ở thời điểm giữa năm. Trong niên vụ mới 2019-2020, hầu hết các doanh nghiệp đều nhận định ngành đường gặp nhiều thách thức lớn, do đó kế hoạch của các công ty tỏ ra khá thận trọng.
Công ty Mía đường Sơn La (HNX: SLS) đặt chỉ tiêu tổng doanh thu niên độ 2019-2020 ở mức 864 tỷ đồng (giảm 3%) và lợi nhuận 25,5 tỷ đồng (giảm 60%). Nguyên nhân do công dự báo diện tích vùng múa sẽ giảm 14,6% và sản lượng giảm 16,4% khi giá thu mua vẫn thấp.
Khó khăn đã đến từ niên vụ trước khi công ty báo lãi 2018-2019 chỉ hơn 63 tỷ đồng, giảm 45%. Mía đường Sơn La cho biết do giá bán đường giảm 19,5% còn 10.156 đồng/kg, ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp đầu ngành Thành Thành Công - Biên Hòa (HoSE: SBT) có phần khả quan hơn khi đặt kế hoạch niên độ 2019 - 2020 với doanh thu tăng nhẹ lần lượt là 10.903 tỷ và 430 tỷ đồng nhưng giảm sâu so với kế hoạch năm ngoái.
Đường Biên Hòa cho biết đang thích nghi với những khó khăn và tập trung mở rộng thị phần với sản lượng niên vụ vừa qua tăng 31%. Công ty định hướng tiếp tục dẫn đầu thị trường với sản lượng tiêu thụ dự kiến 749.000 tấn và đưa ra nhiều sản phẩm mới trong giai đoạn tới.
Đường Kon Tum (HNX: KTS) cũng đưa ra kế hoạch năm 2019-2020 thấp hơn kế hoạch năm trước. Chi tiết, Đường Kon Tum đặt mục tiêu sản lượng mía sản xuất 150.000 tấn, sản lượng đường tiêu thụ 15.430 tấn; đều thấp hơn kế hoạch năm ngoái (sản lượng mía 230.000 tấn và sản lượng đường 23.000 tấn. Dù vậy, kế hoạch năm nay vẫn khả quan so với kết quả thực hiện niên độ 2018-2019.
Tổng công ty Mía đường II (Vinasugar 2) đặt mục tiêu doanh thu năm 2019 giảm 15% xuống 190 tỷ đồng và dự kiến thua lỗ hơn 33 tỷ đồng (năm ngoái lỗ 14 tỷ). Trong khi đó, Tổng công ty Mía đường I (Vinasugar 1) đưa ra kế hoạch tổng doanh thu năm 2019 giảm 16% còn 1.173 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế giảm 70% xuống 8 tỷ đồng.
Ngành đường còn nhiều thách thức
Ngành mía đường đang gặp nhiều bất lợi, trong đó ảnh hưởng tiêu cực nhất là từ sản lượng đường nhập lậu của Thái Lan và lượng tồn kho trong nước rất lớn. Mía đường Sơn La cho biết các doanh nghiệp càng sản xuất nhiều càng có nguy cơ thua lỗ khi không bán được hàng và giá đường thấp, dẫn đến nhiều nhà máy đường thua lỗ, mất vốn.
Năm 2018, thị trường có 700.000 tấn đường lậu xâm chiếm thị phần của đường nội. Mặt khác, xu hướng tiêu dùng trên toàn thế giới dần rời bỏ thực phẩm nhiều đường và calo. Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, cả nước còn tồn kho khoảng 650.000 tấn đường, đạt mức cao kỷ lục của ngành. Các công ty Mía đường Việt Nam đang phải gồng mình để tìm đầu ra cho sản phẩm.
Những thách thức từ hàng nhập lậu, tồn kho lớn, giá đường thấp… vẫn tiếp tục hiện diện trong niên vụ 2019-2020. Đáng chú ý hơn là Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực đầu năm 2020 sẽ xóa bỏ hạn ngạch và giảm thuế nhập khẩu về 5% là khó khăn lớn nhất.
Trước những thách thức đó, các công ty mía đường đang tìm kiếm những hướng đi mới. Đường Biên Hòa định hướng phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn, áp dụng cơ giới hóa trên vùng nguyên liệu trọng điểm, tăng diện tích mía organic (sản phẩm hữu cơ) lên 5.000ha tại Lào, áp dụng nghiên cứu khoa học nhằm tăng 15% năng suất mía, quy hoạch hệ thống kho bãi, tối ưu chi phí vận chuyển...
Công ty cũng chuyển đổi từ việc cung cấp mặt hàng đơn thuần trở thành những sản phẩm cao cấp hơn, có lợi cho sức khỏe như đường hữu cơ, đường ăn kiên, đường phèn cao cấp… tăng sức cạnh tranh so với đường lậu.
Mía đường Sơn La đã nâng cấp dây chuyền sản xuất từ 2.500 TMN (tấn mía/ngày) lên 5.000 TMN, tương đương 4% năng lực sản xuất cả nước. Công ty cũng hoàn thành dự án xây dựng dây chuyền sản xuất đường RE (đường trắng tinh khiết – không bị cạnh tranh bởi đường lậu Thái Lan), trở thành doanh nghiệp duy nhất có khả năng sản xuất đường RE tại miền Bắc.
Diện tích vùng nguyên liệu của mía đường Sơn La trong năm trước đạt mức kỷ lục 9.381 ha, với năng suất 66,7 tấn/ha. Khả năng sản xuất cũng được cải thiện khi giá thành sản xuất đường năm 2018 giảm 30%, ở mức dưới 9.000 đồng/kg (thấp hơn trung bình ngành khoảng 26%).
Năm ngoái Mía đường Sơn La có biên lợi nhuận gộp 14%, vượt trội hầu hết các doanh nghiệp lớn khác. Tuy nhiên, SLS được biết đến có các giao dịch hàng trăm tỷ đồng với bên liên quan (nhóm công ty Kim Hà Việt) và được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, đặt ra khả năng về việc luân chuyển lợi nhuận về SLS để tận dụng lợi thế về thuế.
Mảng mía đường của CTCP Đường Quảng Ngãi (UPCoM: QNS) đang tạo vị thế mạnh trong ngành. Công ty cho biết dù ngành đường gặp nhiều khó khăn nhưng do chủ động trong chiến lược, QNS vẫn đảm bảo hoạt động hiệu quả.
Vụ mùa 2018, sản lượng mía ép của QNS tăng 39% đạt 2,1 triệu tấn và chiếm 13,6% sản lượng cả nước. Từ đó, công ty sản xuất được 211.000 tấn đường, tăng 51% và chiếm 14,3% tổng sản lượng cả nước. Về tiêu thụ, QNS bán được 213.000 tấn thành phẩm, tăng 53% và ghi nhận lãi gộp 274 tỷ đồng, gấp 4,5 lần cùng kỳ.
Đường Quảng Ngãi cũng chú trọng mở rộng quy mô, nâng cấp thiết bị, cơ giới hóa canh tác mía và phát triển vùng nguyên liệu bền vững. Hiện QNS có 2 nhà máy với công suất 20.200 TMN, trong đó nhà máy An Khê có công suất lớn nhất Việt Nam đạt 18.000 TMN. Công ty cũng đầu tư 1.440 tỷ đồng vào dây chuyển sản xuất đường tinh luyện RE công suất 1.000 tấn/ngày để tối ưu hóa hiệu quả chuỗi mía đường - điện sinh khối - Ethanol.