Doanh nghiệp thủy sản đuối sức với “3 tại chỗ”
Đại diện Công ty Cổ phần Chế biến và Dịch vụ Thủy sản Cà Mau cho biết, công ty có gần 1.500 lao động. Sau khi chính quyền yêu cầu DN thực hiện mô hình 3 tại chỗ để đối phó với dịch bệnh, công ty phải cắt giảm 2/3 lao động và chỉ bố trí được 500 công nhân làm việc tại chỗ.
“Tất cả công nhân sau đó được chia ra tại các khu vực khác nhau, công ty phải thuê khách sạn, nhà trọ gần nhà máy để họ nghỉ ngơi. Công ty còn tổ chức ăn uống tại phân xưởng, với 3 bữa ăn/ngày, mỗi phần ăn 20 nghìn đồng. Tất cả chi phí do công ty hỗ trợ”, vị này cho hay.
Doanh nghiệp bố trí chỗ ăn có vách ngăn cho công nhân để đảm bảo an toàn Ảnh: Minh Hưng
“Nếu dịch bệnh kéo dài liên tục hàng tháng trời như hiện nay DN không đủ sức để duy trì mô hình 3 tại chỗ. Trong khi DN đã cắt giảm công suất hơn 60%, các đơn hàng bị ảnh hưởng. Nếu không có phương án khác để cắt giảm chi phí hoặc ít nhất hỗ trợ công nhân tiêm vắc - xin, DN rất khó trụ với mô hình này”, vị này nói.Ngoài ra, để đảm bảo an tâm cho công nhân, công ty còn lắp các tiện ích như wifi, bố trí hệ thống camera giám sát tại cổng, lối ra vào, khu vực lưu trú để tránh người lạ từ ngoài vào. Song tốn kém nhất là khoản xét nghiệm PCR cho công nhân. Với chi phí từ 300-500 nghìn đồng/lần và cứ 3-4 ngày lại xét nghiệm lại, mỗi tháng DN phát sinh thêm chi phí hàng tỷ đồng.
Đại diện Công ty Cổ phần thủy sản Cửu Long cũng cho biết, để thực hiện phương án 3 tại chỗ, công ty đã tốn kinh phí ban đầu khoảng 1 tỷ đồng và phải cho khoảng 510 lao động nghỉ việc vì mặt bằng diện tích không đủ bố trí nơi ăn, ở cho công nhân.
Từ khi thực hiện mô hình 3 tại chỗ, công ty phải chi trả thêm 20-30% lương cho công nhân để giữ chân. Tuy nhiên, việc áp dụng mô hình này trong thời gian dài rất khó do tâm lý của công nhân lo ngại nhiễm COVID-19 khi ở trong môi trường đông, kín và có trường hợp công nhân ở trong vùng dương tính SARS - CoV-2.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta cho rằng, thực tế đối với mô hình 3 tại chỗ không quá mới mẻ với DN thủy sản, đặc biệt là ngành tôm. Trước nay, các DN thực hiện mô hình này để phòng dịch cho tôm. Song với tình hình dịch COVID-19 hiện nay, DN phải sắp xếp lại dây chuyền sản xuất phù hợp với hoàn cảnh mới.
Theo ông Lực, trong ngành thủy sản, DN sử dụng lao động đông nên sẽ khó bố trí được theo mô hình này. Ngoài ra, chi phí cho việc thực hiện 3 tại chỗ là không nhỏ. Điều đáng lo, trong bối cảnh DN phải chịu hàng loạt chi phí khác phát sinh như vận chuyển, thức ăn, khám xét nghiệm… Muốn giảm chi phí, DN chỉ còn cách hạ thấp khâu nguyên liệu (chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản phẩm), do vậy dễ dẫn đến việc các DN hạ thấp giá mua tôm nguyên liệu của người dân trong giai đoạn thực hiện 3 tại chỗ.
“Nếu duy trì mô hình này lâu, không chỉ DN sẽ phải gánh chi phí cao, mà hiệu quả chưa chắc đã tương xứng. Người nuôi tôm sẽ chịu ảnh hưởng do giá thu mua càng ngày càng giảm”, ông Lực nói.
Tổ chức mô hình theo hướng tiết giảm chi phí cho DN
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho rằng, thực hiện phương án 3 tại chỗ chỉ là giải pháp tình thế và chỉ có thể kéo dài từ 2-3 tuần với các DN vừa hoặc 4-5 tuần đối với DN lớn, chứ không thể kéo dài do sức chịu đựng của các DN là có hạn.
Theo ông Hòe, hiện chỉ có khoảng 30% các DN thủy sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam đảm bảo được điều kiện 3 tại chỗ. Nhưng các DN này cũng cực kỳ khó khăn trong duy trì sản xuất vì chi phí tăng vọt và chỉ có thể huy động 30-50% số lượng lao động.
Đặc biệt, công suất sản xuất trung bình đã giảm chỉ còn 40-50% so với trước đây. Dự tính công suất chung của cả vùng giảm chỉ còn 30-40%. Các vật tư, phụ liệu, bao bì... phục vụ chế biến thủy sản cũng bị thu hẹp, giảm công suất nguồn cung đến 50%.
Trước nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất và xuất khẩu thủy sản, VASEP kiến nghị Bộ Y tế hoàn thiện bộ quy tắc và tổ chức huấn luyện cho các tỉnh và DN thực hiện “y tế tại chỗ”, theo hướng tiết giảm chi phí cho DN.
Cụ thể, các DN sẽ chủ động sử dụng tổ y tế, trạm y tế của nhà máy tổ chức xét nghiệm cho người lao động mỗi tháng 2 lần, mẫu xét nghiệm sẽ gửi cho cơ quan y tế và kết quả tự xét nghiệm của DN được áp dụng trong lưu thông và giao dịch. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cũng sẽ tổ chức xét nghiệm cho DN 1 lần/tháng, như vậy sẽ đảm bảo mỗi công nhân được xét nghiệm 3 lần/tháng.
Ngoài ra, Bộ Y tế cần có hướng dẫn xử lý kịp thời đối với các DN khi thực hiện 3 tại chỗ như phát hiện F0, chỉ khoanh vùng và cách ly khu vực có nguy cơ, phun khử khuẩn, xét nghiệm... kiểm soát các nguồn lây nhiễm một cách hiệu quả và phù hợp nhằm giảm tổn thất cho DN và sinh kế cho công nhân, đồng thời đảm bảo an toàn dịch bệnh cho toàn nhà máy. VASEP kiến nghị Bộ Y tế và các địa phương ưu tiên tiêm vắc - xin cho người lao động.