Doanh nghiệp thủy sản vẫn khó tiếp cận với gói tín dụng 15.000 tỷ

26/09/2023 07:46 GMT+7
Việc cấp thêm vốn tín dụng ưu đãi về lãi suất trong bối cảnh khó khăn như hiện nay là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp thủy sản hiện việc tiếp cận với gói tín dụng 15.000 tỷ mà Chính phủ hỗ trợ cho lĩnh vực lâm, thủy sản chưa thực sự dễ.

Doanh nghiệp thủy sản vẫn khó tiếp cận với gói tín dụng 15.000 tỷ - Ảnh 1.

Doanh nghiệp thủy sản vẫn khó tiếp cận gói hỗ trợ 15.000 tỷ của Chính phủ. Ảnh: Thiên Kỳ

Nhiều doanh nghiệp kêu khó 

Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thực phẩm Sao Ta và cũng là chuyên gia nghiên cứu ngành tôm Việt Nam nhận định, việc Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp thêm vốn tín dụng với ưu đãi lãi suất thấp hơn 1-2% so với mức lãi suất cho vay cùng kỳ hạn trong bối cảnh hiện nay là cần thiết cho ngành thủy sản.

"Nhiều doanh nghiệp hết vốn nên đành bán tôm với giá rẻ để quay vòng vốn. Nếu được hỗ trợ vốn với lãi suất thấp sẽ giúp doanh nghiệp qua được giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên hiện nay phần lớn doanh nghiệp, hộ dân đều chưa tiếp cận được với gói tín dụng ưu đãi này", ông Lực nói.

Cụ thể, là hộ nuôi tôm công nghiệp, siêu thâm canh từ nhiều năm nay ông Bùi Chí Thuận, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, Cà Mau chia sẻ, thời gian qua, giá tôm nguyên liệu sụt giảm khiến gia đình gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì sản xuất. Ông Thuận mong muốn phía các ngân hàng có cơ chế phù hợp, tạo điều kiện cho hộ nuôi tôm nhỏ lẻ như tôi tiếp cận được nguồn vốn vay, vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Trường hợp tương tự, qua trao đổi với phóng viên Nhadautu.vn bà Tạ Tú Quyên chủ hộ nuôi tôm tại huyện Đông Hải, Bạc Liêu cho biết liên tục "bán đổ bán tháo" tôm cho thương lái với giá rẻ nhất từ trước đến nay nhằm thu hồi vốn để xoay vòng cho việc duy trì chăn nuôi, sản xuất.

"Thời gian qua, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc xoay sở dòng tiền phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, trong khi đó việc tiếp cận vốn vay từ phía các ngân hàng cũng không hề dễ", bà Quyên tâm sự.

Qua tìm hiểu câu chuyện từ các doanh nghiệp, hộ nuôi trồng thủy sản không phải vấn đề về lãi suất, vướng mắc mà họ gặp phải lại xoay quanh thủ tục tiếp cận với vốn ngân hàng.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Ngô Minh Hiển Tổng giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thuỷ sản Năm Căn - doanh nghiệp có quy mô xuất khẩu 30 triệu USD/năm than phiền, việc tiếp cận gói tín dụng 15.000 tỷ đồng với lĩnh vực thủy sản triển khai chậm. Ngoài ra thì các ngân hàng thiếu đi tính linh hoạt trong việc cấp hạn mức.

"Tôm quảng canh chính vụ của Cà Mau được thu hoạch từ tháng 3 cho đến tháng 6, cho nên doanh nghiệp cần tiền vào thời điểm này để mua sản phẩm cho người nông dân. Có nghĩa doanh nghiệp mua tôm cũng theo mùa vụ, tuy nhiên hạn mức ngân hàng chỉ cho tôi vay 100 tỷ đồng, khi tôi mua hết tiền đó thì ngưng. Từ chỗ doanh nghiệp đứt vốn, ngưng thu mua đã dẫn đến nông dân phải bán qua thương lái, quá nhiều trung gian khác nhau cho nên không có được giá tốt. Đến khi doanh nghiệp vay được vốn thì phải quay lại mua tôm với mức giá cao vì trái vụ", ông Hiển trải lòng.

Tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vốn

Qua tìm hiểu thông tin từ các ngân hàng được biết, lĩnh vực nông nghiệp (lúa gạo và thủy sản,..) việc giải ngân khó khăn là có nhiều lý do. Nhất là đặc thù thu mua sản phẩm nông nghiệp từ nông dân không có hóa đơn chứng từ gây khó khăn trong kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay, phần lớn tài khoản thế chấp lĩnh vực này có giá trị thấp cũng như tính thanh khoản không cao. Thêm nữa đối với tài sản đảm bảo hàng tồn kho, khoản phải thu khó quản lý cũng sẽ dẫn đến tình trạng trùng lặp giữa nhiều ngân hàng (một tài sản đảm bảo có thể được sử dụng để thế chấp ở nhiều ngân hàng).

Sau thời gian triển khai gần 2 tháng, nhận được nhiều kiến nghị từ các hộ dân, doanh nghiệp. Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực NHNN yêu cầu NHNN các địa phương phải tiến hành kiểm tra ngay tiến độ triển khai gói tín dụng hỗ trợ lâm và thủy sản 15.000 tỷ đồng. Song song với đó là yêu cầu các ngân hàng thương mại linh hoạt hơn trong cấp hạn mức tín dụng từng thời điểm cho người dân, doanh nghiệp nhằm đáp ứng được nhu cầu về vốn.

"Phía các ngân hàng phải tích cực trong việc phát huy vai trò chủ động và giảm thêm lãi vay, cũng như đơn giản hóa thủ tục để hỗ trợ cho khách hàng. Thúc đẩy tín dụng thì cần có sự tháo gỡ từ hai phía. Đầu tiên là phải tháo gỡ cho doanh nghiệp khó khăn về thị trường, về tạm trữ để cho doanh nghiệp có thể yên tâm vay vốn. Bởi vì ngân hàng không thể cho vay nếu như doanh nghiệp cứ xua tay không cần đến vốn", đại diện NHNN nhấn mạnh.

Là địa phương có mật độ hộ dân, doanh nghiệp lớn về nuôi trồng thủy sản, Phó Giám đốc phụ trách NHNN Việt Nam chi nhánh tỉnh Cà Mau Võ Kiên Giang cho hay, để chương trình triển khai đạt hiệu quả, NHNN Việt Nam chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo chi nhánh NHTM trên địa bàn đẩy mạnh triển khai chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN. Hướng dẫn cụ thể quy trình cho vay, thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đủ điều kiện tiếp cận vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay...

Ngân hàng mong muốn phía các doanh nghiệp khắc phục những hạn chế của mình như: nâng cao khả năng quản trị doanh nghiệp, cải thiện tình hình tài chính, minh bạch hóa thông tin… để tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng dễ dàng hơn.

Chia sẻ thêm về phương thức giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi này, ông Lê Ngọc Lâm, TGĐ Ngân hàng BIDV cho biết, ngân hàng rất mong muốn có thể đồng hành cùng với doanh nghiệp tuy nhiên ngược lại cũng mong các doanh nghiệp minh bạch để có thể tạo niềm tin với ngân hàng. Hiện nay thì tỷ lệ cho vay tín chấp cao, doanh nghiệp càng minh bạch thì ngân hàng lại càng có điều kiện đẩy mạnh tín dụng. Song song với đó là cũng mong doanh nghiệp có thể đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh cốt lõi, không hoạt động ngoài ngành để đảm bảo được an toàn và hiệu quả.

"Cần tăng cường minh bạch hóa tài chính doanh nghiệp để cho ngân hàng có cơ sở tiếp cận, thẩm định cũng như cấp tín dụng đối với khách hàng tốt, những dự án khả thi, đầy đủ tính pháp lý. Còn về phía các doanh nghiệp thì cần chủ động xây dựng các dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi cũng như tăng cường quản lý thanh khoản cho đến dòng tiền", đại diện BIDV chỉ rõ.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến thời điểm cuối tháng 8/2023, dư nợ toàn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đạt mức trên 1 triệu tỷ đồng, so với cuối năm 2022 tăng 5,35%. Trong đó thì tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn có dư nợ đạt mức gần 535.000 tỷ đồng, ghi nhận tăng 6,04% (đây được đánh giá là cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của vùng đồng thời cũng cao hơn tăng trưởng tín dụng nông nghiệp nông thôn toàn quốc 3,75%) và chiếm 51,76% tổng dư nợ của Đồng bằng sông Cửu Long, 17,44% dư nợ nông nghiệp nông thôn toàn quốc.

Và riêng với lĩnh vực lúa gạo cũng như thủy sản, dư nợ ngành thủy sản đạt mức gần 129.000 tỷ đồng, so với cuối năm 2022 tăng 8,5% và chiếm gần 59% dư nợ thủy sản trên toàn quốc; dư nợ ngành lúa gạo cũng đạt mức gần 103.000 tỷ đồng, so với cuối năm 2022 tăng 9% và chiếm khoảng 53% dư nợ lúa gạo trên toàn quốc.

Theo Nhà đầu tư
Cùng chuyên mục