Doanh nghiệp xăng dầu có thể không được "nắm" Quỹ Bình ổn giá
Theo đó, số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu thay vì để tại doanh nghiệp đầu mối như hiện tại, sẽ xem xét chuyển về ngân sách và việc trích lập, chi quỹ này theo Luật Giá 2023.
Điểm mới được Bộ Công Thương đưa ra sau hàng loạt vụ việc liên quan đến doanh nghiệp sử dụng sai Quỹ bình ổn, lạm dụng Quỹ vào mục đích riêng, không đúng quy định.
Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã công bố hàng loạt sai phạm liên quan đến sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu của doanh nghiệp, Bộ Công Thương sau đó rút giấy phép kinh doanh xăng dầu của hàng loạt doanh nghiệp vi phạm.
Theo lý giải của Bộ Công Thương tại Tờ trình gửi Chính phủ, số dư Quỹ dự kiến không để tại doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, mà sẽ do Nhà nước nắm giữ. Việc sử dụng quỹ theo quy định Luật Giá 2023 (có hiệu lực từ 1/7). Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn doanh nghiệp chuyển, nộp số dư Quỹ bình ổn xăng dầu vào ngân sách.
Chính phủ quyết định việc dùng Quỹ Bình ổn xăng dầu hay không trong trường hợp giá biến động bất thường tác động lớn tới kinh tế - xã hội hoặc tình trạng khẩn cấp (thiên tai, dịch bệnh). Lúc đó, Bộ Công Thương sẽ đánh giá tác động, gửi Bộ Tài chính tổng hợp. Sau đó, cơ quan tài chính sẽ báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
Quỹ BOG xăng dầu tồn tại từ năm 2012, do doanh nghiệp xăng dầu nắm giữ và chi, trích theo quy định. Mỗi lít xăng bán ra cho người dân, sẽ có 300 đồng được trích lại, đưa vào Quỹ BOG xăng dầu
Năm 2023, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu đưa ra 7 đầu mối xăng dầu đã sử dụng sai mục đích Quỹ bình ổn giá, không kết chuyển tiền về tài khoản quỹ mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp, số tiền là 7.927 tỷ đồng. Điển hình như Xuyên Việt Oil, đã chiếm dụng, sử dụng sai mục đích quỹ này.
Với cơ chế điều hành giá xăng dầu hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp phải thực hiện qua "quá nhiều bước", thương nhân kinh doanh xăng dầu không chủ động trong quyết định giá bán lẻ xăng dầu trong hệ thống phân phối của thương nhân, thay vào đó trông chờ vào giá cơ sở do cơ quan quản lý nhà nước công bố rồi thực hiện theo.
Như vậy, cơ chế điều hành giá xăng dầu hiện nay chưa bảo đảm thực hiện theo cơ chế thị trường theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo Bộ Công Thương.
Áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng, xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định; Nhà nước điều tiết hợp lý thông qua các công cụ thị trường (thuế, phí, các quỹ…) và chính sách an sinh xã hội phù hợp.