Đồn đoán về chồng sắp cưới của Midu và chân dung "ông lớn" Nhựa Duy Tân

24/04/2024 16:03 GMT+7
Sau tiết lộ của Midu về người đàn ông giấu mặt trong tấm hình cưới có tên MD, mọi đồn đoán đều đổ dồn vào thiếu gia Nhựa Duy Tân - Trần Duy Minh Đạt. Được biết vào năm 2021, Nhựa Duy Tân đã bán 70% cổ phần cho một "đại gia" Thái Lan.

Thông tin Midu chuẩn bị kết hôn nhận được sự quan tâm của công chúng sau khi nữ diễn viên công bố ảnh cưới.

Sau khi Midu đăng tải hình cưới cùng hôn phu nhưng giấu mặt khiến công chúng tò mò. Thông tin về chồng của nữ diễn viên được tìm kiếm rầm rộ, thậm chí, các cụm từ "chồng Midu", "chồng Midu là ai", "chồng Midu là thiếu gia ngành nhựa" trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên các nền tảng xã hội mấy ngày nay.

Đồn đoán về chồng sắp cưới của Midu và chân dung "ông lớn" Nhựa Duy Tân- Ảnh 1.

Ảnh cưới của Midu.

Sau tiết lộ của Midu về người đàn ông này có tên MD, mọi đồn đoán đều đổ dồn vào thiếu gia nhựa Duy Tân - Trần Duy Minh Đạt. 

Trần Duy Minh Đạt tốt nghiệp cử nhân ngành Tài chính và Quản lý tại Đại học Virginia (University of Virginia) ở Mỹ năm 2012. Sau khi về nước, anh làm việc trong Công ty nhựa Duy Tân ở vị trí chuyên viên phân tích nghiệp vụ (Business Analyst).

Sau 2 năm làm việc tại Việt Nam, Minh Đạt trở lại Mỹ đảm nhận vị trí quản lý dự án. Từ tháng 6/2016, anh được bổ nhiệm vị trí Giám đốc vận hành (COO - Chief Operating Officer) công ty Plascene - chi nhánh của Công ty nhựa Duy Tân. Hiện tại, anh cũng là trợ lý TGĐ của nhựa Duy Tân.

Nhựa Duy Tân có gì?

CTCP Sản xuất Nhựa Duy Tân (thành lập ngày 7/11/2008) có trụ sở chính tại 298 Hồ Học Lãm, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM. Ngành nghề hoạt động chính của doanh nghiệp là sản xuất sản phẩm từ plastic.

Nhà sáng lập công ty là ông Trần Duy Hy, hiện giữ chức Chủ tịch HĐQT. Doanh nghiệp hiện có 5 nhà máy, hơn 3.000 sản phẩm gia dụng - công nghiệp - bao bì, phân phối toàn quốc và xuất khẩu hơn 60 thị trường quốc tế.

Theo giới thiệu, Duy Tân có 12 băn nằm trong Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR500), bên cạnh đó có nhiều năm đạt giải Hàng Việt Nam chất lượng cao.

Nhựa Duy Tân đã có nhiều lần tăng vốn điều lệ. Vào tháng 1/2015, doanh nghiệp của ông Trần Duy Hy đã thực hiện điều chỉnh vốn điều lệ từ 400 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng.

Đồn đoán về chồng sắp cưới của Midu và chân dung "ông lớn" Nhựa Duy Tân- Ảnh 2.

CTCP Nhựa Duy Tân

Sau đó đến tháng 11/2020, Nhựa Duy Tân tiếp tục tăng vốn lên 1.700 tỷ đồng, nhưng cơ cấu cổ đông không được tiết lộ.

Đáng chú ý, đến tháng 7/2021, Nhựa Duy Tân đã công bố thông tin về việc đã hoàn thành thành thủ tục chuyển nhượng 70% cổ phần mảng bao bì và nhựa gia dụng cho SCGP – công ty con của Tập đoàn SCG Thái Lan. Giá trị giao dịch không vượt quá 6.400 tỷ (theo kết quả kinh doanh năm 2020 và 2021).

Trên website của Nhựa Duy Tân cũng cho biết, năm 2021, Duy Tân chính thức trở thành thành viên của SCG Packaging (SCGP) và hướng đến mục tiêu trở thành nhà sản xuất nhựa hàng đầu ASEAN.

Về SCGP là Công ty con của Tập đoàn SCG Thái Lan - là một trong những tập đoàn đa ngành, đã có mặt tại Việt Nam từ 1992. Tập đoàn SCG (Thái Lan) đã tiến hành nhiều thương vụ M&A lớn nhỏ tại Việt Nam trong hơn 10 năm qua như, công ty gạch Prime Group, Bao bì Tín Thành, Nhựa Bình Minh… Tính tới thời điểm hiện tại, tập đoàn đã có hơn 20 công ty con tại Việt Nam.

Đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc Nhựa Duy Tân hiện là ông Chamornwut Tamnarnchit (SN 1971, quốc tịch: Thái Lan).

Được biết, vào tháng 7/2020 Nhựa Duy Tân là doanh nghiệp đầu tiên được Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) (HSBC Việt Nam) rót vốn xanh - đây là khoản tín dụng xanh đầu tiên HSBC thu xếp cho một doanh nghiệp Việt Nam trong tổng số 100 tỷ USD mà ngân hàng cam kết sử dụng cho tài trợ và đầu tư bền vững trên toàn cầu cho đến năm 2025.

Nhà máy có công suất dự kiến lên tới 100.000 tấn mỗi năm cũng là nơi đầu tiên tại Việt Nam áp dụng công nghệ tái chế "Bottles to Bottles" (Chai ra Chai).

Trước khi đại gia Thái Lan thâu tóm, Nhựa Duy Tân làm ăn thế nào?

Dữ liệu cho thấy, giai đoạn 2016 - 2019, trước khi bị ông lớn Thái thâu tóm, Nhựa Duy Tân liên tục ghi nhận kết quả khá tích cực. Cụ thể, năm 2016 và 2017, Công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt lần lượt 3.125 tỷ đồng và 3.585 tỷ đồng, báo lãi ở mức 246,8 tỷ đồng và 212,6 tỷ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 7,9% và 5,9%.

Năm 2018, doanh thu thuần của Nhựa Duy Tân đạt 4.077 tỷ đồng, tăng 13,7% so với năm trước, song lãi sau thuế lại giảm tới 71,5% xuống còn 60,5 tỷ đồng. Năm 2019, Công ty báo lãi đột biến gấp gần 3 lần so với năm 2018, lên mức 181 tỷ đồng, trong khi doanh thu tăng khoảng 10%, lên đạt 4.478 tỷ đồng.

Năm 2020, Nhựa Duy Tân đạt doanh thu 4.700 tỷ đồng, tiếp tục tăng trưởng gần 5% so với năm ngoái. Tổng tài sản đến cuối năm đạt 5.000 tỷ đồng. Công suất hàng năm của doanh nghiệp này là 116.000 tấn bao bì nhựa cứng và các sản phẩm nhựa gia dụng.

Mai Lan
Cùng chuyên mục