Donald Trump không cần một thỏa thuận với Bắc Kinh để tái đắc cử Tổng thống!

03/09/2019 12:00 GMT+7
“Tổng thống Mỹ Donald Trump không nhất thiết phải có một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc để tái đắc cử trong cuộc bầu cử năm 2020 tới đây”, đó là nhận định của giám đốc cấp cao Hội đồng Kinh doanh Mỹ Trung - bà Anna Ashton.

Cơ hội tái đắc cử của Trump rộng mở 

Leo thang chiến tranh thuế quan với Trung Quốc không làm ông Trump mất đi cơ hội tái đắc cử Tổng thống

“Miễn là cuộc chiến tranh thương mại mà Mỹ đang theo đuổi không mang đến nhiều tác động tiêu cực đến nền kinh tế khiến người Mỹ điêu đứng. Miễn là nó chỉ gây ảnh hưởng đến Trung Quốc. Đó có lẽ là đủ (cho cơ hội tái đắc cử của Trump” - bà Anna Ashton, giám đốc cấp cao về các vấn đề Chính phủ tại Hội đồng Kinh doanh Mỹ Trung nhận định hôm 2.9.

Dù vậy, bà Anna đồng thời đưa ra cảnh báo rằng mức thuế 15% của Mỹ với 125 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc có hiệu lực hôm 1.9 vừa qua cùng mức thuế với khoảng 160 tỷ USD hàng hóa còn lại vào giữa tháng 12 sẽ khiến đánh trực tiếp vào ví tiền người tiêu dùng Mỹ. “Tôi khó có thể tưởng tượng rằng cuộc bầu cử 2020 sẽ diễn ra trong bối cảnh người tiêu dùng không bị ảnh hưởng đáng kể nếu đợt thuế quan tiếp theo có hiệu lực”.

“Bất kể kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2020 có ra sao, tôi kỳ vọng vào một chính quyền tương lai khắt khe và cứng rắn hơn với Trung Quốc” - bà Anna bày tỏ. “Tất nhiên, Chính phủ mới có lẽ sẽ có một cách tiếp cận xung đột khác đi”.

Mỹ và Trung Quốc đã bị cuốn vào cuộc chiến tranh thương mại và thuế quan tồi tệ trong hơn một năm qua. Hồi cuối tháng 8, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố sẽ áp thuế 15% với 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc còn lại, đưa tổng giá trị hàng hóa bị áp thuế lên tới 550 tỷ USD. Đợt thuế quan mới có hiệu lực làm 2 đợt: 1.9 và 15.12. Đáng quan ngại hơn, hầu hết các sản phẩm tiêu dùng quan trọng như quần áo, giày dép, laptop, máy chơi game, smartphone, máy tính bảng...đều trong diện bị áp thuế, điều khiến nhiều nhà phân tích kinh tế tỏ ra đặc biệt quan ngại về ảnh hưởng sâu rộng của thuế quan với nền kinh tế Mỹ.

Trung Quốc đang kiềm chế, nhưng chỉ là tạm thời

Cũng theo bà Anna Ashton, những hành động gần đây của Trung Quốc như ngỏ ý không trả đũa thuế quan hay gửi đoàn đàm phán sang Washington vào đầu tháng 9 đang cho thấy một sự kiềm chế nhất định trước Mỹ, và đó là một dấu hiệu tích cực. Nhưng nhiều khả năng, sự kiềm chế này chỉ là tạm thời. “Một khi các đòn “ăn miếng trả miếng” tiếp tục, chúng ta sẽ thấy sự leo thang chiến tranh theo chiều hướng tồi tệ hơn”. 

Bà Anna có lẽ đã đúng. Theo ông Max Baucus, cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, một làn sóng chủ nghĩa dân tộc đang gia tăng ở Trung Quốc có thể sẽ trở thành động lực thúc đẩy quan điểm cứng rắn của Bắc Kinh, khiến xung đột thương mại nóng bỏng hơn. “Đừng quên những bài học lịch sử rằng người Trung Quốc kiên nhẫn ra sao. Họ sẽ chờ đợi, sẽ trả đũa trên nhiều phương diện khác nhau. Họ sẽ ở yên đó, chờ Tổng thống Donald Trump hết kiên nhẫn và tìm đến bàn đàm phán”.

Chủ nghĩa dân tộc trong nước leo thang có thể khiến chính quyền Tập Cận Bình trở nên cứng rắn hơn trên bàn đàm phán

Đồng quan điểm với các nhà phân tích khác, ông Baucus nhấn mạnh nền kinh tế Trung Quốc có khả năng chịu đựng tổn thương hơn những gì Mỹ tưởng tượng, đó là lý do tại sao họ không e ngại một xung đột thương mại kéo dài. Thậm chí, Bắc Kinh dường như đang có ý định kéo dài mâu thuẫn thay vì đi đến thỏa thuận trong tương lai gần.

Vị cựu đại sứ cũng khẳng định ông cho rằng chủ nghĩa dân tộc tại Trung Quốc sẽ chỉ mạnh mẽ hơn chứ không có xu hướng lắng xuống, điều này nhiều khả năng ảnh hưởng đến các quyết sách của chính quyền Tập Cận Bình. Theo ông, đa số người Trung Quốc hiện nhận định rằng Mỹ đang ở vị thế yếu hơn khi mà nông dân và người tiêu dùng nước này có vẻ sẽ phải chịu đựng một cú sốc lớn từ thuế quan. Còn nền kinh tế Trung Quốc, vốn chứng kiến sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu như hệ quả của thương chiến, lại mạnh mẽ lên theo một cách khác. Chi tiêu tiêu dùng trong nước ngày càng góp phần lớn vào tăng trưởng GDP. Trung Quốc dường như bớt phụ thuộc vào thương mại quốc tế.

Thùy Dung
Tags:
Cùng chuyên mục