Đóng tàu Bạch Đằng nguy cơ bị "xoá sổ"

05/01/2024 16:12 GMT+7
Công ty TNHH MTV Bạch Đằng vừa có báo cáo về tình hình hoạt động năm 2023. Theo đó, giá trị sản xuất đạt hơn 82 tỷ đồng, bằng 130% kế hoạch, doanh thu và thu nhập khác hơn 78 tỷ đồng, bằng 107%; thu nhập bình quân 8,8 triệu đồng/người/tháng.

Nói về những khó khăn của doanh nghiệp, ông Từ Minh Hùng, Tổng Giám đốc, Công ty TNHH MTV Bạch Đằng cho biết: "Thời gian qua, đơn vị gặp nhiều khó khăn, nhất là giai đoạn 2014 - 2018 do thị trường đóng mới, sửa chữa tàu giảm sút, vị trí nhà máy không thuận tiện cho tàu lớn ra vào... dẫn đến nhà máy không có các hợp đồng mới, chỉ hoàn thiện các hợp đồng cũ".

Tiếp đó là giai đoạn từ năm 2019 đến nay, đơn vị thay đổi chiến lược kinh doanh nên có sản phẩm mới, bảo đảm việc làm, thu nhập, duy trì được hoạt động, thực hiện tái cơ cấu, hàng năm đều hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Đóng tàu Bạch Đằng nguy cơ bị "xoá sổ"- Ảnh 1.

Các doanh nghiệp đóng tàu đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Nam Triệu

"Trong năm 2023, giá trị sản xuất đạt hơn 82 tỷ đồng, bằng 130% kế hoạch, doanh thu và thu nhập khác hơn 78 tỷ đồng, bằng 107%; thu nhập bình quân 8,8 triệu đồng/người/tháng", ông Hùng cho hay.

Cũng theo ông Hùng, sau khi thực hiện tái cơ cấu tài chính, tổng dư nợ sau hoán đổi nợ (gói 1 - giai đoạn 1) là 1.074 tỷ đồng. Địa bàn nhà máy không được TP.Hải Phòng quy hoạch là cơ sở công nghiệp đóng tàu. Do vậy, sau thực hiện chủ trương phá sản theo Nghị quyết 220 sẽ không còn tồn tại doanh nghiệp.

Để thoát khỏi khó khăn, ông Hùng cho biết, thời gian trước mắt, đơn vị vẫn sẽ cố gắng, nỗ lực làm tốt công tác thị trường, tìm kiếm khách hàng, sản phẩm, công tác quản lý, điều hành sản xuất, công tác tư tưởng với người lao động để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trên cơ sở tài sản, hạ tầng, trang thiết bị hiện có để tạo công ăn việc làm và giải quyết các chế độ cho người lao động.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang đánh giá cao tinh thần đồng thuận của đơn vị thực hiện chủ trương phá sản theo Nghị quyết 220. Bạch Đằng là đơn vị đóng tàu truyền thống nên chắc chắn khi thực hiện phá sản, người lao động có nhiều tâm tư, nhưng đã đến thời điểm nhà máy hoàn thành vai trò lịch sử.

Thứ trưởng Sang đề nghị đơn vị tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh đồng thời chuẩn bị các thủ tục phá sản. Đối với người lao động, mặc dù số tiền thu được sau thanh lý tài sản sẽ ưu tiên chi trả cho người lao động nhưng SBIC cần sớm xây dựng phương án điều phối lao động sang các đơn vị sẽ tiếp tục đóng tàu trên địa bàn Hải Phòng, tránh cho người lao động Bạch Đằng có nguy cơ mất việc.

Thế Anh
Cùng chuyên mục