Hàng loạt doanh nghiệp thuộc Tổng Cty Công nghiệp tàu thủy buộc phải phá sản
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 220 về việc xử lý Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) theo hướng phá sản Công ty mẹ - SBIC và 7 công ty con.
Cụ thể, các Công ty sẽ xử lý theo hướng phá sản gồm: Công ty TNHH MTV đóng tàu Hạ Long, Phà Rừng, Bạch Đằng, Thịnh Long, Cam Ranh; Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn và Công ty TNHH MTV Đóng tàu và công nghiệp hàng hải Sài Gòn.
Cùng đó, thu hồi phần vốn của Công ty mẹ - SBIC tại Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm; Tiếp tục xử lý đối với các doanh nghiệp thuộc SBIC, thu hồi tài sản và quyền tài sản của Công ty mẹ - SBIC và 7 công ty con tại các doanh nghiệp này.
Chính phủ yêu cầu thu hồi tối đa vốn và tài sản, hạn chế tối đa việc sử dụng ngân sách Nhà nước, trường hợp phải sử dụng ngân sách nhà nước thì thực hiện đúng quy định pháp luật; giảm thiểu tổn thất tiền, tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân liên quan cũng như đối với ngành đóng tàu, sửa chữa tàu.
Về thời gian thực hiện, Nghị quyết yêu cầu Công ty mẹ - SBIC và 7 công ty con khẩn trương rà soát, hoàn thiện hồ sơ thủ tục theo quy định pháp luật, để nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản trong quý I/2024.
Thông tin về kế hoạch nêu trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho biết, chủ trương phá sản SBIC và các doanh nghiệp đóng tàu là việc buộc phải làm sau thời gian dài các đơn vị này thực hiện tái cơ cấu không thành công, số dư nợ lớn so với tổng tài sản.
Thứ trưởng Sang nhấn mạnh: "Việc thực hiện phá sản các doanh nghiệp nêu trên sẽ tuân thủ các quy định pháp luật".
"Các nhà máy Nam Triệu, Phà Rừng đều có trong quy hoạch đất là cơ sở công nghiệp đóng tàu, sửa chữa tàu. Do đó, việc thực hiện phá sản, thực chất là bán doanh nghiệp cho một chủ sở hữu mới, có thể là Nhà nước, doanh nghiệp nhà nước hoặc các doanh nghiệp ngoài nhà nước, nhà đầu tư nước ngoài...", Thứ trưởng Sang cho biết.
Thứ trưởng Sang chi biết, khi đó, chủ doanh nghiệp mới không phải gánh các khoản nợ cũ, sẽ có điều kiện hoạt động hiệu quả hơn, không ràng buộc bởi các khoản nợ, chủ động hơn trong sản xuất kinh doanh.
Cũng theo Thứ trưởng Sang, hiện nay, ngành hàng hải đang thay thế dần tàu cũ bằng thế hệ tàu mới không sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Việc thực hiện xong phá sản, sẽ là cơ hội cho các nhà máy đóng tàu bước sang một giai đoạn mới, nắm bắt cơ hội này để phát triển.
Thứ trưởng Sang nhấn mạnh, sau thanh lý tài sản, tiền thu về sẽ ưu tiên chi trả lương và các quyền lợi hợp pháp của người lao động.
Thứ trưởng yêu cầu SBIC và các đơn vị cần tiếp tục quán triệt tinh thần Nghị quyết 220 đến từng người lao động. Đồng thời có các biện pháp tiếp tục duy trì hoạt động SXKD hiệu quả, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động.
Các đơn vị phải xây dựng phương án triển khai thực hiện Nghị quyết 220 một cách cụ thể, chi tiết. Chuẩn bị thủ tục, hồ sơ để trong quý I/2024 nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Trước đó, năm 2010, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và chỉ ra hàng loạt sai phạm, thiếu sót, thua lỗ. Sau đó, Vinashin thực hiện tái cơ cấu.
Năm 2013, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy được thành lập theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Trong đó, công ty mẹ - SBIC là Công ty TNHH MTV do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
SBIC có 8 công ty con, gồm: Công ty TNHH MTV Đóng tàu Phà Rừng; Công ty TNHH MTV Đóng tàu Bạch Đằng; Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hạ Long; Công ty TNHH MTV Đóng tàu Thịnh Long; Công ty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh; Công ty TNHH MTV Công nhiệp tàu thủy Sài Gòn; Công ty TNHH MTV Đóng tàu và Công nghiệp hàng hải Sài Gòn và Công ty Cổ phần Đóng tàu Sông Cấm.
Trong đó, Công ty Cổ phần Đóng tàu Sông Cấm hoạt động SXKD hiệu quả, không bị nợ xấu nên theo Nghị quyết 220, không thuộc diện thực hiện chủ trương phá sản.