Đồng tệ số của Trung Quốc là thách thức lớn nhất của Mỹ trong ít nhất 3 thập kỷ
Trung Quốc hiện là một trong gần 80 quốc gia trên toàn cầu - bao gồm cả Mỹ - đang trong quá trình phát triển tiền tệ kỹ thuật số do Ngân hàng Trung ương phát hành, gọi tắt là CBDC.
Việc phát triển đồng tệ số trực thuộc dự án Thanh toán điện tử bằng tiền kỹ thuật số (DCEP) được Bắc Kinh khởi xướng vào năm 2019. Dưới sự quản lý của Ngân hàng Trung Ương PBOC, tiền kỹ thuật số cho phép các ngân hàng thương mại và những công ty dịch vụ tài chính bên thứ 3 như Alipay, WeChat Pay sử dụng trong các giao dịch thanh toán một cách nhanh chóng và thuận tiện. Đặc biệt, tiền kỹ thuật số của Trung Quốc không giống như các loại tiền điện tử hay Bitcoin khác, bởi chúng được phát hành và kiểm soát bởi Ngân hàng Trung ương của một quốc gia.
Cho tới nay, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có vẻ như là ngân hàng tiên phong trong quá trình triển khai tiền kỹ thuật số so với các nền kinh tế lớn khác trên toàn cầu. Trong khi các quốc gia như Mỹ hiện vẫn tập trung vào nghiên cứu tiền số, Trung Quốc đã thực hiện các thử nghiệm sử dụng tiền số trên quy mô lớn hàng triệu dân. Sách trắng do PBoC công bố gần đây cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2021 đã có 20,8 triệu cá nhân mở ví lưu trữ tiền Nhân dân tệ số (gọi tắt là e-CNY) với tổng cộng hơn 70,7 triệu giao dịch. Khối lượng giao dịch ước tính đạt 34,5 tỷ Nhân dân tệ (5,3 tỷ USD). PBoC sẽ tiếp tục tiến hành các thử nghiệm và phát triển hệ thống vận hành giao dịch, nhưng chưa rõ bao giờ Trung Quốc sẽ chính thức triển khai dự án này trên phạm vi toàn quốc.
Một trong những nguyên nhân chính khiến nghiên cứu đồng tiền số ở Mỹ tiến triển chậm là do vấn đề quyền riêng tư vốn được quan tâm rộng rãi tại quốc gia này. Neha Narula, giám đốc Sáng kiến tiền tệ kỹ thuật số tại Phòng thí nghiệm truyền thông MIT của Mỹ cho hay: “Tôi nghĩ trong trường hợp áp dụng đồng USD kỹ thuật số, quyền riêng tư sẽ là một yếu tố rất quan trọng. Đó là sự khác biệt cốt lõi so với Trung Quốc”.
Nhìn chung việc các quan chức Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung cần phải đảm bảo những lo ngại về quyền riêng tư sẽ làm phức tạp thêm sự phát triển của đồng tiền kỹ thuật số CBDC. Trong khi đó tại Trung Quốc, cách tiếp cận của Bắc Kinh trong vấn đề quyền riêng tư mang đến cho nước này lợi thế cạnh tranh lớn về thời gian.
Có thể hiểu rằng FED lo lắng về những thách thức lớn nếu quá vội vàng triển khai đồng USD kỹ thuật số với tư cách là đồng tiền dự trữ của thế giới. Tuy nhiên, mối nguy lớn hơn về địa chính trị là Mỹ đang tụt hậu nhanh so với Trung Quốc.
Một mối quan tâm khác của các quan chức tài chính Mỹ là quyền truy cập ví tiền điện tử. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, 7% người Mỹ không sử dụng Internet, tập trung chủ yếu ở người trên 65 tuổi và người Mỹ da đen. “Hầu hết những nghiên cứu mà chúng tôi thực hiện dựa trên giả định CBDC sẽ cùng tồn tại song song với tiền vật lý, người dân vẫn có thể tiêu tiền vật lý nếu họ muốn”.
Nghiên cứu về đồng USD kỹ thuật số tại Trung Quốc là một phần nỗ lực nhằm đảm bảo vị thế thống trị của đồng USD trong hệ thống tài chính quốc tế. “Mỹ không nên quá tự tin vào vai trò thống trị hiện nay trong lĩnh vực này, mà nên thúc đẩy một chiến lược rõ ràng để duy trì và tận dụng sức mạnh đồng USD” - nhận định của ông Darrell Duffie, giáo sư tài chính tại Trường Kinh doanh trực thuộc đại học Stanford.
“Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số là mối đe dọa lớn nhất đối với phương Tây mà chúng ta phải đối mặt trong 3-4 thập kỷ qua” - chuyên gia phân tích Kyle Bass của Hayman Capital Management cảnh báo.