Dòng vaccine Covid-19 thứ 2 được Trung Quốc phê duyệt sử dụng rộng rãi

06/02/2021 18:39 GMT+7
Sinovac Biotech hôm 5/2 tuyên bố vaccine Covid-19 do tập đoàn này phát triển đã được cơ quan quản lý sản phẩm y tế Trung Quốc chấp thuận sử dụng rộng rãi trong công chúng.

Như vậy, vaccine của Sinovac là dòng vaccine Covid-19 thứ hai được Trung Quốc phê duyệt sử dụng rộng rãi ở quốc gia tỷ dân, sau khi dòng vaccine do Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) được phê duyệt hồi tháng 12/2020.

Việc phê duyệt phác đồ 2 liều vaccine CoronaVac được Cơ quan Quản lý Sản phẩm Y tế Quốc gia Trung Quốc thực hiện dựa trên kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối khả quan của dòng vaccine này.

Cả hai dòng vaccine của Sinovac và Sinopharm đều được sử dụng trong chương trình tiêm chủng khẩn cấp của Trung Quốc, nhắm vào các nhóm các đối tượng có nguy cơ phơi nhiễm virus cao hơn như nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch, người cao tuổi...

Dòng vaccine Covid-19 thứ 2 được Trung Quốc phê duyệt sử dụng rộng rãi - Ảnh 1.

Dòng vaccine Covid-19 thứ 2 được Trung Quốc phê duyệt sử dụng rộng rãi

Cho đến nay, một số quốc gia như Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Chile, Colombia, Uruguay và Lào cũng đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine CoronaVac do Sinovac Life Sciences nghiên cứu và phát triển. Sinovac Life Sciences dự kiến đáp ứng công suất sản xuất hơn 1 tỷ liều mỗi năm, theo tuyên bố gần nhất của tập đoàn này. Hiện Sinovac vẫn tiếp tục hoàn tất các thứ nghiệm lâm sàng vaccine giai đoạn 3 ở nhiều quốc gia khác nhau như  Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia, nơi đã bắt đầu công bố các chỉ số hiệu quả độc lập.

Tại Brazil, dòng vaccine này đã ghi nhận hiệu quả 50,65% trong cuộc thử nghiệm trên 12.396 nhân viên y tế trên 18 tuổi. Trong khi đó, tạị Thổ Nhĩ Kỳ, các nhà nghiên cứu địa phương báo cáo tỷ lệ hiệu quả lên tới 91,25% và ở Indonesia là 65,3%.

Một nguồn tin quen thuộc của Reuters cho hay ổ dịch lớn ở Brazil và việc thử nghiệm tập trung vào nhân viên y tế - nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao - là yếu tố mà Sinovac tin rằng đã làm giảm hiệu quả vaccine trong dữ liệu được công bố. 

Hồi đầu tháng 1, Ukraine đã ký hợp đồng mua 1,8 triệu liều vaccine Covid-19 từ Sinovac dù tạo thời điểm đó, công ty này chưa công bố kết quả thử nghiệm vaccine trên toàn cầu. Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), tính đến đầu tháng 1/2021, có ít nhất 10 quốc gia Mỹ Latinh, Trung Đông và châu Á cũng đăng ký đặt mua vaccine Covid-19 từ 3 nhà phát triển vaccine Trung Quốc là Sinpharm, Sinovac Biotech và CanSino Biologics.

Các nhà quan sát cho rằng bằng cách cung cấp vaccine Covid-19 rộng rãi trên thế giới, Trung Quốc đang có cơ hội củng cố danh tiếng và thắt chặt quan hệ đối tác quốc tế. Các nhà sản xuất dược phẩm Trung Quốc đang đặt mục tiêu xuất khẩu 400 triệu liều vaccine Covid-19 đến các quốc gia khác trong bối cảnh chính phủ nhiều nước tranh giành quyền tiếp cận vaccine.

Drew Thompson, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore) nhận định: :Chắc chắn uy tín của Trung Quốc trên trường quốc tế sẽ được nâng cao khi nước này không chỉ cung cấp vaccine Covid-19 phục vụ nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài, tương tự như các công ty dược phẩm lớn của Nga hay Mỹ”.

Dominic Meagher, một nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Úc cũng đồng tình rằng nếu Trung Quốc triển khai thành công việc xuất khẩu vaccine Covid-19 rộng rãi trên toàn cầu, đó sẽ là “một chiến thắng lớn” cho Bắc Kinh.


NTTD
Cùng chuyên mục