Dow Jones và S&P 500 giảm hơn 11%, chứng khoán Mỹ lại ngừng giao dịch
Tuần trước, sự hoảng loạn của nhà đầu tư khiến chứng khoán Mỹ chìm trong sự bán tháo và sắc đỏ. Hai lần liên tiếp hệ thống ngừng giao dịch tự động lại được kích hoạt. Thị trường ngừng giao dịch trong 15 phút.
Tới phiên đầu tuần này, bất chấp Dow Jones đã phục hồi ngoạn mục trong phiên cuối cùng của tuần trước, nhà đầu tư vẫn ồ ạt bán tháo. Ngay từ đầu phiên, các chỉ số đồng loạt giảm sâu. Tới khi S&P 500 giảm 11,4%, Dow Jones giảm 11,7%, Nasdaq Composite mất 11,2%, hệ thống ngừng giao dịch tự động một lần nữa được kích hoạt.
Tới khi giao dịch trở lại, đà "rơi tự do" vẫn được duy trì. Dow Jones giảm 2.347,4 điểm, tương đương 10,12% xuống 20.838,22 điểm. S&P 500 giảm 268,24 điểm, tương đương 9,89% xuống 2.442,78 điểm. Nasdaq giảm 776,04 điểm, tương đương 9,85% xuống 7.098,83.
Có một nghịch lý đang xảy ra. Đó là cùng với chứng khoán toàn cầu, thị trường Mỹ lao dốc ngay sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Đây là nỗ lực rất lớn nhưng có vẻ như không đủ để trấn an nhà đầu tư khi mà tình hình dịch bệnh ngày càng leo thang tại châu Âu, đặc biệt là ở Italy.
Hiện tại, nhà đầu tư không sẵn sàng bỏ tiền vào các tài sản rủi ro. Một nguyên nhân khác có thể "nhấn chìm" thị trường chứng khoán đó là giải chấp. Sau khi các chỉ số lao dốc, những người mua vào chứng khoán bằng đòn bẩy đã phải trả giá.
Trước khi thị trường bị "rút phích", các cổ phiếu lớn đua nhau lao dốc. Cổ phiếu Apple đã giảm gần 13%. Cổ phiếu ngành ngân hàng, hàng không giảm rất sâu. Citigroup giảm tới 20,7%. Đứng sau là Bank of America và JPMorgan Chase với mức giảm 17,6 %và 18,3%.
"Sự lây lan quá nhanh của dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu đã gây áp lực lên nhà đầu tư và làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu", các chiến lược gia tại MRB Partners phân tích trong một báo cáo. Họ còn khẳng định thêm rằng tình hình sẽ "tồi tệ hơn trước khi tốt hơn".