Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành cần 25.540 tỷ đồng đầu tư xây dựng

31/07/2024 12:01 GMT+7
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Bình Phước và các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Nghị quyết đầu tư xây dựng cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành.

Văn phòng Chính phủ có văn bản số 5390/VPCP-CN truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về việc triển khai Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Bình Phước và các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 138/2024/QH15 ngày 28/6/2024 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), trình Chính phủ trước ngày 5/8/2024.

Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành cần 25.540 tỷ đồng đầu tư xây dựng- Ảnh 1.

Dự án cao tốc Bắc - Nam.

Theo Nghị quyết số 138/2024/QH15, Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) có phạm vi đầu tư khoảng 128,8 km, chia thành 05 dự án thành phần. Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 25.540 tỷ đồng, bao gồm: Vốn ngân sách trung ương là 10.536,5 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương là 2.233,5 tỷ đồng; vốn do nhà đầu tư thu xếp là 12.770 tỷ đồng.

Dự án được thực hiện từ năm 2024, cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác, vận hành năm 2027.

Mục tiêu dự án nhằm xây dựng tuyến cao tốc trọng điểm kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, kết nối các tỉnh Bình Phước, Đắk Nông và các địa phương khác trong vùng với thành phố Hồ Chí Minh, tạo không gian, động lực phát triển mới cho vùng Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ.

Đồng thời, khai thác tiềm năng sử dụng đất, phát triển du lịch, công nghiệp chế biến, công nghiệp khai thác khoáng sản, từng bước cơ cấu lại kinh tế vùng Tây Nguyên

Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và quốc gia theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Được biết, Liên danh Vingroup – Techcombank đề nghị UBND tỉnh Bình Phước thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc Bắc – Nam phía Tây, đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước) theo phương thức PPP.

Liên danh Vingroup – Techcombank đề xuất phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe cao tốc theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật với chiều rộng mặt đường 24,75m, riêng đoạn qua địa phận thị xã Đồng Xoài, Bình Phước có chiều rộng mặt đường 25m.

Trong giai đoạn phân kỳ, liên danh Vingroup – Techcombank đề nghị thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch với 6 làn xe, chiều rộng mặt đường từ 32,25m đến 33m.

Đối với 2km tuyến kết nối liên danh Vingroup – Techcombank kiến nghị đầu tư theo tiêu chuẩn đường cấp III, 2 làn xe, bề rộng mặt đường là 11.25m. Trên tuyến dự kiến bố trí 2 trạm dừng nghỉ.

Trong đó, trạm dừng nghỉ số 1 tại xã Đăk Sin (huyện Đắk R'Lấp, tỉnh Đắk Nông) được bố trí hai bên đường, quy mô mỗi bên khoảng 1ha; trạm dừng nghỉ số 2 tại vị trí khoảng Km1881+200, gần nút giao ĐT741B (thuộc huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) được bố trí hai bên đường, quy mô mỗi bên khoảng 10ha.

Chi phí giải phóng mặt bằng các trạm dừng nghỉ được tính vào chi phí giải phóng mặt bằng của dự án xây dựng đường cao tốc.

Việc đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ, phương án và chi phí vận hành khai thác trạm dừng nghỉ sẽ được đầu tư bằng hình thức xã hội hóa, tương tự như các dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đang được đầu tư xây dựng.


Thế Anh
Cùng chuyên mục