Dự báo giảm sốc doanh số bán xe tại Mỹ, doanh nghiệp ô tô Nhật Bản lao đao
Tính đến cuối tuần trước, Mỹ đã vượt qua Italy và Trung Quốc để trở thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới. Đến sáng 1/4 (giờ Châu Á), đã có 188.000 ca nhiễm Covid-19 được báo cáo tại Mỹ và 3.900 ca tử vong, theo dữ liệu mới nhất từ Đại học Johns Hopkins. Trong đó tại New York, số ca nhiễm mới tăng 14% trong 24 giờ lên 75.000 và số ca tử vong lên tới 1.000 người. Các doanh nghiệp hầu như đã ngừng hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Khi nhu cầu tại Mỹ giảm mạnh, ngân hàng Goldman Sachs đã hạ 22% lợi nhuận dự kiến với 7 nhà sản xuất ô tô Nhật Bản hoạt động tại thị trường Mỹ. Các dự báo dựa trên giả định doanh số bán ô tô tại thị trường Mỹ năm 2020 của 7 nhà sản xuất này giảm mạnh 30% xuống khoảng 12 triệu chiếc, do triển vọng suy thoái kinh tế vì hệ lụy của đại dịch Covid-19.
Mặc dù doanh số bán ô tô dự kiến sẽ giảm trên toàn cầu năm 2020, nhưng các nhà sản xuất Nhật Bản có thể sẽ chứng kiến các lô hàng giảm mạnh nhất, khoảng 18,9% tại Mỹ. Tại thị trường Châu Âu, mức giảm được dự kiến khoảng 9,6% và 3% là mức giảm dự đoán tại thị trường nội địa Nhật Bản.
Các nhà sản xuất ô tô dự kiến sẽ báo cáo doanh số bán hàng tại Mỹ quý I trong tuần này, giúp giới đầu tư định hình rõ hơn về bức tranh thiệt hại từ dịch Covid-19 gây ra các biện pháp phong tỏa, đóng cửa doanh nghiệp trên toàn đất nước.
Tuy nhiên, thiệt hại có thể sẽ không được phản ánh đầy đủ cho đến khi các doanh nghiệp ô tô công bố báo cáo tài chính quý II, do giới chức y tế dự kiến dịch Covid-19 tại Mỹ hiện vẫn chưa đạt đỉnh.
Trước đó, công ty nghiên cứu thị trường J.D. Power dự báo rằng doanh số bán ô tô tại Mỹ trong tháng 3 có thể giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lạc quan hơn, Goldman Sachs dự báo nhu cầu bị dồn nén có thể sẽ thúc đẩy doanh số ô tô tăng mạnh 25% trong năm 2021 và 13% trong năm 2022.
Các nhà phân tích cũng theo dõi mảng tài chính bán hàng của doanh nghiệp - lĩnh vực tạo ra khoảng 25% lợi nhuận cho 3 nhà sản xuất ô tô lớn nhất Nhật Bản gồm Toyota, Nissan và Honda. “Chúng tôi thấy rủi ro sụt giá chứng khoán tiềm ẩn nếu rủi ro tín dụng tăng lên và giá các phương tiện đã qua sử dụng giảm mạnh do sự suy thoái nghiêm trọng kinh tế vĩ mô”.
Mặc dù các khoản trả góp cho vay mua xe tại Mỹ đã ổn định từ năm 2020 nhưng Goldman Sachs vẫn cảnh báo rủi ro tín dụng tăng lên khi tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến. Trong trung tuần tháng 3, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ đã đạt mức kỷ lục 3,28 triệu đơn, cao gấp 4 lần mức kỷ lục thời đại trước đó.
Trong bối cảnh tồi tệ như vậy, Goldman Sachs đã cắt giảm 92% lợi nhuận hoạt động của Nissan trong năm 2021. Tổ chức xếp hạng tín dụng Moody của Nhật Bản cũng chỉ ra tín dụng là mắt xích yếu nhất của Nissan.
Moody cũng dự kiến doanh số bán hàng của Toyota giảm, qua đó gây áp lực lên dòng tiền và lợi nhuận trong tương lai.