Dự báo nước nghèo càng nghèo, nước giàu càng giàu do 'mặt tối' trong phân phối vắc xin

28/07/2021 15:22 GMT+7
Dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF cho thấy các quốc gia phát triển đang đứng trước triển vọng kinh tế sáng sủa hơn do tỷ lệ tiêm chủng lớn hơn, trong khi các quốc gia đang phát triển bị tụt lại phía sau.

Báo cáo mới được công bố bởi IMF hôm 27/7 đã nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2021 lên 6%.

Theo đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế nâng dự báo tăng trưởng GDP của nhóm một số các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh và Canada; nhưng lại hạ dự báo tăng trưởng với Ấn Độ và một số quốc gia Đông Nam Á trong bối cảnh làn sóng dịch Covid-19 tiếp theo càn quét các khu vực này.

Theo các quan chức IMF, dự thay đổi dự báo chủ yếu đến từ chênh lệch về tỷ lệ tiêm chủng. “Khả năng tiếp cận vắc xin đã nổi lên như một đường phân chia chính chia sự phục hồi kinh tế toàn cầu thành hai khối rõ rệt: một bên là nhóm các nước có thể kỳ vọng bình thường hóa vào cuối năm nay (bao gồm hầu hết các nền kinh tế tiền tiến) và một bên là nhóm các quốc gia vẫn đang phải đối diện với làn sóng dịch bệnh tiếp theo cũng như sự tăng trở lại các ca nhiễm mới Covid-19”.

Dự báo nước nghèo càng nghèo, nước giàu càng giàu do 'mặt tối' trong phân phối vắc xin - Ảnh 1.

Dự báo nước nghèo càng nghèo, nước giàu càng giàu do 'mặt tối' trong phân phối vắc xin (Ảnh: Getty Images)

Theo IMF, gần 40% dân số ở các nền kinh tế tiên tiến được tiêm phòng đầy đủ hai liều vắc xin. Để so sánh tỷ lệ này ở các nền kinh tế mới nổi chỉ là 11% và thậm chí còn thấp hơn nữa với các quốc gia có thu nhập thấp.

IMF dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ đạt mức tăng trưởng kỷ lục 7% trong năm 2021, tăng 0,6% so với dự báo được đưa ra trước đó.

Tương tự như Mỹ, Vương quốc Anh cũng được dự báo ghi nhận tăng trưởng GDP 7%, tăng mạnh 1,7% so với dự báo trước đó do đã sớm mở cửa trở lại, bình thường hóa hoạt động kinh tế.

Dự báo tăng trưởng chung cho 19 quốc gia trong khối đồng tiền chung châu Âu là 4,6%, tăng 0,2% so với dự báo gần nhất.

Trong khi đó, Canada đang trên đà hướng tới tăng trưởng kinh tế 6,3%, tăng hơn 1,3% so với dự báo ban đầu mà các chuyên gia IMF đưa ra. 

Riêng với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc, IMF đã điều chỉnh giảm nhẹ mức tăng trưởng GDP dự báo cho toàn năm 2021 xuống 8,1% trong bối cảnh quan ngại đà phục hồi kinh tế chậm lại.

Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai thế giới bị hạ dự báo tăng trưởng mạnh mẽ khi nước này gần đây chứng kiến sự bùng phát làn sóng dịch Covid-19 tiếp theo và trở thành ổ dịch lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ. Nền kinh tế Ấn Độ được dự báo tăng trưởng 9,5% trong năm nay, giảm tới 3% so với mức dự báo 12,5% mà IMF đưa ra trong báo cáo hồi tháng 4. 

Nhà kinh tế trưởng Gita Gopinath của IMF chỉ ra rằng: “Tốc độ tiêm chủng nhanh hơn dự kiến và sự bình thường hóa hoạt động kinh tế đã dẫn tới việc nâng triển vọng tăng trưởng ở một số quốc gia. Trong khi đó, các quốc gia chẳng hạn như Ấn Độ lại bị hạ cấp tăng trưởng do thiếu khả năng tiếp cận vắc xin cũng như tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp”.

Chuyên gia đến từ IMF cảnh báo rằng các gói hỗ trợ chính sách khác nhau từ các chính phủ cũng có nguy cơ làm trầm trọng thêm sự chia rẽ về tốc độ phục hồi. “Chúng tôi đang nhận thấy các gói cứu trợ tài khóa đáng kể tiếp tục được tung ra ở các nền kinh tế phát triển, với các biện pháp hỗ trợ trị giá tổng cộng 4,6 nghìn tỷ USD đã được đưa ra kể từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, hầu hết các gói cứu trợ đã hết hạn vào năm 2020... Một số thị trường mới nổi như Brazil, Hungary, Mexico, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí đang bắt đầu nâng lãi suất cơ bản để siết chặt chính sách tiền tệ nới lỏng trước đây”.

Dù nâng dự báo tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia tiên tiến, IMF vẫn cảnh báo về nhiều nguy cơ có thể tác động đến đà tăng trưởng này. Chẳng hạn như khả năng dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát do các biến thể virus mới có khả năng lây nhiễm cao hơn, hay một cú sốc với thị trường tài chính trong trường hợp các Ngân hàng Trung ương thu hồi các công cụ hỗ trợ kinh tế sớm hơn dự kiến.


NTTD
Cùng chuyên mục