Dừng thành lập Tổ công tác liên ngành: Cao tốc Bắc - Nam triển khai ra sao?
Dừng thành lập Tổ công tác liên ngành cao tốc Bắc - Nam
Dự kiến từ năm 2021 - 2025, cả 3 đại dự án giao thông gồm: Dự án cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn tới Cà Mau; Tuyến đường Hồ Chí Minh và giai đoạn 1 Cảng hàng không quốc tế Long Thành hoàn thành được kỳ vọng sẽ tạo đột phá về hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Đến nay, dự án cao tốc Bắc - Nam đã được chia thành 11 dự án thành phần và có 8/11 dự án cao tốc Bắc - Nam thành phần được đầu tư theo hình thức đầu tư công. Việc chuyển đổi sang vốn đầu tư công có thể xem như "cứu cánh" cho các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020.
Theo quy hoạch phát triển mạng cao tốc Việt Nam, toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông từ Hà Nội đến Cần Thơ có tổng chiều dài 1.799 km, đặc biệt đã có 356 km cao tốc được đưa vào khai thác. Hiện đang triển khai đầu tư 784 km (bao gồm 654 km cao tốc giai đoạn 2017 - 2020).
Để nối thông toàn tuyến cao tốc, cần đầu tư 659 km còn lại, Bộ Giao thông vận tải đã giao các đơn vị nghiên cứu tiền khả thi cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2 với 10 dự án thành phần, nhu cầu vốn khoảng 113.000 tỉ đồng, xem xét đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025.
Tại Nghị quyết số 18/NQ-CP, Chính phủ đã thống nhất với đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc dừng thực hiện thành lập Tổ Công tác liên ngành tại khoản 9 Điều 1 Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 28/3/2018 của Chính phủ về Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Do dự án cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông là dự án trọng điểm Quốc gia có quy mô lớn, tính chất phức tạp, triển khai gấp và tổ chức đấu thầu quốc tế lựa chọn nhà đầu tư nên Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất thành lập Tổ công tác liên ngành và được Chính phủ thông qua tại khoản 9 Điều 1 Nghị quyết số 20/NQ-CP.
Theo đó, chức năng nhiệm vụ của Tổ công tác liên ngành là để hỗ trợ cơ quan nhà nước có thẩm quyền đàm phán, thực hiện dự án gồm đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp và địa phương nơi có dự án đi qua, có mời thêm một số chuyên gia (nếu cần thiết).
Hiện đã có các ý kiến của các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, việc thành lập Tổ công tác liên ngành là không đủ cơ sở pháp lý và các Bộ đề nghị thực hiện theo quy định tại Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 4/5/2018.
Vì thế, để đảm bảo tiến độ thực hiện, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Chính phủ xem xét dừng thực hiện khoản 9 Điều 1 Nghị quyết số 20/NQ-CP về việc thành lập Tổ công tác liên ngành. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Giao thông vận tải sẽ lấy ý kiến các Bộ đối với các nội dung liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của các Bộ.
Kết thúc 3 dự án cao tốc Bắc - Nam
Trao đổi với PV Etime, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, tháng 11/2017 Quốc hội mới có Nghị quyết cho phép triển khai 11 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam, trong đó, mỗi một dự án là 1 báo cáo đầu tư riêng biệt.
Đến năm 2021, Bộ sẽ kết thúc 3/11 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam. Đối với 8 dự án còn lại Quốc hội cũng đã đồng ý cho chuyển 3/8 dự án sang đầu tư công, còn 5 dự án làm theo hình thức PPP.
Hiện, 3 dự án đầu tư công này đã khởi công từ 30/9/2020, đến thời điểm này 13 gói thầu của dự án này đều đã khởi công. Do năm 2020, gặp nhiều khó khăn, Quốc hội cũng đã đồng ý cho kéo dài thời gian 3 dự án đầu tư công này hoàn thành 2022, "chúng tôi tin là sẽ hoàn thành đúng tiến độ", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đặt niềm tin vào dự án.
Hiện có 2 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 và Quốc lộ 45 – Diễn Châu đã được Bộ GTVT báo cáo tới Uỷ ban Kinh tế Quốc hội để Uỷ ban tham mưu cho Quốc hội xem xét quyết tổ chức đấu thầu lại hoặc Quốc hội quyết định hình thức đầu tư với 2 dự án này.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, năm 2020, Bộ GTVT có những dấu mốc quan trọng đối với cao tốc Bắc - Nam đó là giữ đúng tiến độ 3 dự án đã khởi công trước đó và khởi công 3 dự án thành phần chuyển sang đầu tư công, còn 5 dự án còn lại đã cơ bản hoàn thành sẵn sàng khởi công 3 dự án và 2 dự án đang được báo cáo Quốc hội chuyển sang đầu tư công.