Dược Hậu Giang (DHG) đề xuất tăng cổ tức năm 2022 lên 35%
Phương án chi trả cổ tức sẽ được trình cổ đông thông qua tại cuộc họp thường niên dự kiến tổ chức vào ngày 19/4/2023. Công ty dự kiến tăng tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt cho năm 2022 từ 30% so với kế hoạch đã đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên năm trước lên mức 35%. Tương ứng với mỗi cổ phiếu, cổ đông sở hữu sẽ nhận về 3.500 đồng.
Ngày đăng ký cuối cùng là 17/3. Với 130,75 triệu cổ phiếu DHG đang lưu hành, Dược Hậu Giang sẽ cần chi khoảng 458 tỷ đồng cho cổ đông.
Taisho Pharmaceutical - công ty mẹ sở hữu 51,01% vốn Dược Hậu Giang dự kiến sẽ nhận được gần 234 tỷ đồng. SCIC - cổ đông lớn thứ hai của công ty nhận về 198 tỷ đồng.
Trong quý IV/2022, Dược Hậu Giang ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.330 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu bán thành phẩm đạt 1.196 tỷ đồng, tăng 18%; doanh thu bán hàng hóa đạt 133 tỷ đồng, tăng 70%.
Giá vốn hàng bán tăng ít hơn mức tăng của doanh thu nên lãi gộp đạt 709 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ 2021. Kết quả, Dược Hậu Giang lãi sau thuế 236 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần của Dược Hậu Giang đạt 4.674 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. lãi sau thuế đạt 988 tỷ đồng, tăng 27% so với năm trước đó và vượt 29% kế hoạch đề ra.
Theo Dược Hậu Giang, doanh thu tăng do sự gia tăng nhu cầu tiêu thụ thuốc, đặc biệt là các sản phẩm kháng sinh và các sản phẩm phòng bệnh, tăng cường hệ miễn dịch. Bên cạnh đó, công ty đã chủ động tăng dự trữ nguyên liệu, thành phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường và tổ chức chặt chẽ hệ thống phân phối và kết nối tốt với khách hàng.
Trên thị trường, tạm đóng cửa phiên giao dịch sáng 3/3, cổ phiếu DHG tăng 07,2% lên 97.900 đồng/cp.
Theo SSI Research, cuộc đua về nâng cấp chất lượng đang diễn ra tại các công ty dược phẩm lớn. Nhiều công ty đang đặt mục tiêu đạt tiêu chuẩn EU GMP cho các cơ sở sản xuất. Các sản phẩm được sản xuất tại nhà máy đạt tiêu chuẩn EU GMP sẽ được xét vào nhóm thuốc chất lượng cao nhất trong đấu thầu ở bệnh viện công.
Ngoài ra, việc nâng cấp EU GMP sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, với chi phí đầu tư ban đầu và chi phí duy trì cao, các yêu cầu khắt khe và thời gian phê duyệt kéo dài, các công ty sẽ phải cân nhắc việc theo đuổi cuộc đua này hoặc đầu tư vào các mảng khác để có thể mang lại lợi nhuận tốt hơn.