Được nhóm ngân hàng hỗ trợ, VN-Index vẫn chịu áp lực điều chỉnh cuối phiên
Toàn thị trường ghi nhận 42 mã tím trần, 325 mã tăng, 429 mã giảm và 784 mã đứng tham chiếu. Tính riêng nhóm VN30 có 11 mã tăng, 11 mã giảm và 8 mã nguyên giá.
Tại sàn HoSE, thanh khoản giảm nhẹ so với phiên hôm qua, ghi nhận 874,9 triệu đơn vị khớp lệnh, tương đương giá trị đạt 19.296,94 tỷ đồng.
Cổ phiếu nhóm ngân hàng nâng đỡ chỉ số chung khi phần lớn các mã CTG, STB, EIB, VPB, SHB, TCB.... tiếp tục tác động tích cực lên chỉ số chung với hơn 3,3 điểm tăng.
Trong đó, tính riêng 2 cổ phiếu CTG và BID là các nhà băng có vốn Nhà nước đã đóng góp 1,13 điểm cho chỉ số chung. Ở chiều ngược lại, VHM, GVR, GAS, MWG, PLX... cũng lấy đi 3,4 điểm của chỉ số chung.
Ngoài nhóm ngân hàng, tâm điểm còn đến từ các mã tím trần như AGM, SC5, VMS, GDW, L40, BPC...
Nhóm cổ phiếu bán lẻ thực phẩm và nhu yếu phẩm (+1,59%) vẫn tiếp tục dẫn dắt thị trường. Theo sau là nhóm cổ phiếu thực phẩm, đồ uống; chăm sóc sức khỏe; dược phẩm - sinh học... với biên độ tăng từ 0 - 0,5%.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu nhóm viễn thông (-1,84%) giảm mạnh nhất bảng với sắc đỏ phủ phần lớn ở ngành này, trong đó VGI -2,11%; FOX -1,11%; CTR -1,24%... Hay như truyền thông giải trí (-1,77%), trong đó VNZ -1,94%; CAB -5,41%; YEG -1,6%...
Phiên hôm nay, dù chỉ số duy trì sắc xanh đến gần cuối phiên chiều, tuy nhiên, trước nhịp rung lắc mạnh cuối phiên, VN-Index nhanh chóng hạ nhiệt và kết phiên giảm nhẹ 0,57 điểm, đứt chuỗi tăng liên tiếp.
Trên sàn HoSE, khối ngoại giảm mua ròng về 160 tỷ đồng, trong đó tập trung gom các mã FPT 102,8 tỷ đồng; TPB 95 tỷ đồng; VNM 79 tỷ đồng... Ngược chiều, khối này xả VPB 161 tỷ đồng, MWG 93,16 tỷ đồng...
Kết phiên giao dịch, độ rộng thị trường nghiêng về phe bán với 231 mã giảm và 148 mã tăng.
Theo nhóm phân tích từ CTCK Asean, thị trường chưa thể hoàn toàn vượt qua được mốc kháng cự tâm lý 1.300 điểm, tuy nhiên việc nhóm Ngân hàng thu hút dòng tiền mạnh thể hiện tương đối rõ ràng động lực vượt đỉnh trong thời gian tới.
Song, thị trường vẫn chứng kiến một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư còn nghi ngờ, thậm chí là phải chờ vượt hẳn 1.300 điểm thì mới tham gia nên trạng thái fomo của dòng tiền chưa được kích hoạt cực đại.
Đi cùng với xu hướng tích cực của thị trường trong nước, nhà đầu tư cũng cần theo dõi chặt chẽ diễn biến các thị trường quốc tế để xác nhận liệu xu hướng tăng có thể tiếp diễn trong bao lâu.
Do đó, nhà đầu tư nên thực hiện cẩn trọng đối với các giao dịch ngắn hạn, đảm bảo lợi nhuận tỷ lệ RR, và trong trung và dài hạn nên chủ động lượng tiền mặt để sẵn sàng giải ngân khi các cổ phiếu lớn điều chỉnh về vùng hấp dẫn.