Đường sắt tái cơ cấu, đề xuất thành lập Trung tâm Công nghệ thông tin và dịch vụ

23/04/2023 20:23 GMT+7
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, đơn vị đang trình Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021 - 2025, đề xuất thành lập Trung tâm Công nghệ thông tin và dịch vụ.

Thông tin về vấn đề này, ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, Trung tâm được thành lập nhằm đáp ứng các nhiệm vụ về chuyển đổi số, áp dụng công nghệ thông tin trong VNR như quản lý phần mềm cơ báo điện tử, hệ thống bán vé tàu, hệ thống quản trị hàng hóa... thay vì phải thuê vận hành.

Theo đó, khi thành lập xong, Trung tâm này cũng có tư cách pháp nhân cung cấp và thực hiện dịch vụ với các đối tác, khách hàng như hợp tác đầu tư nâng cấp bãi hàng, hợp tác kinh doanh tại các khu ga..., nhằm kinh doanh hệ thống KCHT đường sắt hiện tại, cung cấp các dịch vụ phi đường sắt, giúp tăng thu, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

Đường sắt tái cơ cấu, đề xuất thành lập Trung tâm Công nghệ thông tin và dịch vụ - Ảnh 1.

Hành khách mua vé tàu tại ga Hà Nội. Ảnh: TA

VNR đề xuất 2 phương án thành lập như sau: Phương án 1 giao tài sản và không tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Khi đó có thể cung cấp dịch vụ phi đường sắt như dịch vụ cho thuê mặt bằng tại ga; treo, kéo cáp, lắp đặt thiết bị viễn thông... theo phương thức trực tiếp khai thác tài sản.

Phương án 2, giao tài sản theo hình thức đầu tư vốn tại doanh nghiệp, sau đó giao thí điểm một số ga đầu mối về hàng hóa, hành khách.

Các phương án này đã được đưa vào Đề án "Quản lý, sử dụng tài sản KCHT đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư theo Nghị định 46/2018/NĐ-CP" (Đề án 46) trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

Trường hợp được phê duyệt, VNR sẽ lựa chọn 15 ga thí điểm. Trong đó có ga đầu mối về vận chuyển hàng hóa (Đông Anh, Giáp Bát, Kim Liên, Trảng Bom, Sóng Thần, Phan Thiết); Ga đầu mối kết nối liên vận quốc tế (Lào Cai, Đồng Đăng, Yên Viên); Ga đầu mối kết nối cảng biển (Cái Lân) và ga đầu mối về hành khách, nằm ở trung tâm các thành phố lớn và gắn liền với lợi thế về du lịch, thương mại (Hà Nội, Huế, Đà Lạt, Nha Trang, Sài Gòn).

Hiện, VNR cần gần 6.600 tỷ đồng để xây dựng tổ hợp thương mại dịch vụ tại các ga đầu mối hành khách và trung tâm logistics tại ga hàng hoá trước khi kinh doanh khai thác thương mại dịch vụ để tăng doanh thu ngoài vận tải.

Trước đó, báo cáo của VNR cho biết, năm 2022, hoạt động sản xuất kinh doanh của tổng công ty bắt đầu phục hồi sau đại dịch Covid-19. Doanh thu hợp nhất của tổng công ty đạt hơn 7.700 tỷ đồng, bằng 113,8% so với cùng kỳ và đạt 115,8% kế hoạch năm; giảm lỗ 407 tỷ đồng so với năm 2021, tuy nhiên vẫn còn lỗ khoảng 130 tỷ đồng.

Trong đó, doanh thu của công ty mẹ đạt 5.368 tỷ đồng, vượt 33,8% so với cùng kỳ và vượt 23% chỉ tiêu kế hoạch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước giao.

Đặc biệt, sản lượng vận tải hàng hóa, vận tải hành khách đạt nhiều kết quả nổi bật, đem đến tốc độ tăng trưởng đầy ấn tượng. Trong đó, vận tải hành khách bằng đường sắt tăng mạnh do bố trí biểu đồ, lịch trình và lựa chọn tuyến vận tải hợp lý, khoa học phù hợp với nhu cầu của hành khách và năng lực phục vụ.

Thế Anh
Cùng chuyên mục