EVFTA: “Cơ hội vàng” cho thị trường bất động sản công nghiệp
Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và EU gồm Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) được ký kết sau 9 năm đàm phán. Đây được coi là một dấu mốc quan trọng đánh dấu sự lớn mạnh trong quan hệ giữa Việt Nam và EU. Đặc biệt, EVFTA đã mở ra cho Việt Nam những cơ hội mới để đẩy mạnh hơn nữa hàng hóa, thu hút đầu tư trong nhiều lĩnh vực đặc biệt là khi thị trường bất động sản Việt Nam đang được đánh giá cao ở khu vực.
BĐS công nghiệp đang là phân khúc hấp dẫn, lôi cuốn đầu tư nhất trong năm 2019 và có nhiều dự báo cho rằng đây sẽ là thị trường còn có nhiều bước đi mới mạnh mẽ hơn trong tương lai. Với mức tăng trưởng mạnh của các phân khúc, lĩnh vực kinh doanh BĐS những năm gần đây luôn đúng thứ 2 trong 19 lĩnh vực thu hút nguồn vốn FDI của cả nước.
BĐS công nghiệp đang ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư
Trong 6 tháng đầu năm 2019, ước tính các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút được khoảng 340 dự án có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) với số vốn đăng ký mới đạt khoảng 8,7 tỷ USD.
Theo số liệu thống kê, cuối tháng 6/2019, cả nước hiện có 326 khu công nghiệp và với diện tích đất tự nhiên đạt xấp xỉ 95.500 ha; trong đó, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 65.600 ha, chiếm khoảng 68,7%.
Báo cáo của Vụ Quản lý khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong 326 khu công nghiệp được thành lập, có 251 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 66.200ha.
Các chuyên gia từ Savills Việt Nam cho rằng, EVFTA là một hiệp định có tính cột mốc, thúc đẩy mạnh mẽ các lĩnh vực công nghiệp và xuất khẩu Việt Nam. Điều này được thể hiện rõ qua việc gỡ bỏ 99% thuế quan với hàng hóa. Các cụm và khu công nghiệp của Việt Nam, từ đó đang ngày càng thu hút sự quan tâm của giới đầu tư.
Ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam nhận định: "Thêm một tin vui nữa cho thị trường bất động sản Việt Nam. Hiệp định này cho thấy cam kết của Chính phủ trong việc đưa Việt Nam trở thành một điểm đến hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo tại châu Á. Hoạt động thương mại song phương chắc chắn sẽ tăng, kéo theo đó là tăng luồng vốn FDI, tăng số lượng việc làm, và nhiều cơ hội hơn trên tất cả các phân khúc bất động sản.”
Ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam
Theo ông John Campbell, Trưởng bộ phận BĐS Công nghiệp xác nhận, số lượng yêu cầu từ khách hàng ở EU đã tăng lên trong quá trình đợi hiệp định được ký kết. Ông cho rằng, đây là hiệp định sẽ thu hút sự quan tâm của thị trường đến BĐS công nghiệp Việt Nam.
“Bằng cách tạo điều kiện cho việc ứng dụng những công nghệ sản xuất mới nhất và tăng cường đào tạo nhân lực, chính phủ Việt Nam đang dần xóa bỏ mối e sợ của các doanh nghiệp về tính khả thi, hay tình trạng thiếu nguồn nhân lực và gia tăng chi phí.”, ông John Campbell nói.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đưa ra lời khuyên, cần tập trung đổi mới tư duy và đổi mới phương thức quản lý để BĐS công nghiệp bứt phá và phát triển bền vững. Yêu cầu đầu tiên là nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với thị trường bất động sản nói chung và công nghiệp nói riêng.
Như vậy, có thể thấy các chuyên gia đều đánh giá rất cao hiệp định này đối với kinh tế Việt Nam đặc biệt là đối với linh vực BĐS công nghiệ. Tuy nhiên, bên cạnh đó những thách thức, yêu cầu cao đặt ra từ phía các nhà đầu tư, các đối tác sẽ khiến các doanh nghiệp phải thay đổi để phù hợp hơn và tạo ra những bước chuyển mình mới.