FECON (FCN): Loạt yếu tố kéo lợi nhuận quý II giảm mạnh, khó chạm mục tiêu năm 2022

03/08/2022 12:22 GMT+7
FECON cho biết, trong kỳ cơn bão giá chi phí nguyên liệu (Thép, xi măng, bê tông...), nhiên liệu (xăng, dầu), chi phí nhân công trực tiếp tăng (do ảnh hưởng gián tiếp từ tăng giá nhiên liệu). Ngược lại, các dự án FECON đã ký kết từ năm 2020 và đầu năm 2022 với đơn giá cố định....

Công ty CP FECON (HoSE: FCN) công bố báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2022 ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý II/2022 đạt 7,9 tỷ đồng, giảm 76% so với cùng kỳ năm 2021.

Bão giá nguyên vật liệu khiến lợi nhuận của FECON giảm mạnh

Báo cáo tài chính của FECON cho thấy, quý II/2022, doanh thu bán hàng đạt 1.039 tỷ đồng tăng 36% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp bán hàng của FECON chỉ đạt 106 tỷ, giảm 28 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021.

Mặc dù, trong quý II/2022 ghi nhận doanh thu bán hàng tăng nhưng không thể giúp FEOCON có lợi nhuận tăng trưởng hơn năm trước. Theo đó, FECON ghi nhận lợi nhuận sau thuế 7,9 tỷ đồng, giảm 76% so với cùng kỳ năm 2021 là 33,5 tỷ đồng.

Lợi nhuận của FECON giảm mạnh khó đạt mục tiêu năm 2022 - Ảnh 1.

Báo cáo tài chính hợp nhất của FECON. Ảnh: Thế Anh

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2022 cho thấy, doanh thu bán hàng của FECON đạt 1.540 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021 chỉ đạt 1.340 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của FECON chỉ đạt 1,2 tỷ đồng, giảm 49,6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021.

Tính đến ngày 30/6/2022, nợ phải trả của FECON là 4361 tỷ đồng. 

Trong năm 2022, FECON đặt mục tiêu kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 44% so với thực hiện năm 2021 và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 280 tỷ đồng, tăng 296%.

Về phía Công ty mẹ, FECON kế hoạch doanh thu đạt 3.080 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 80 tỷ đồng, lần lượt tăng 27% và 67% so vói thực hiện 2021. Tuy nhiên, với tình hình biên lợi nhuận gộp sụt giảm mạnh và chi phí tài chính tăng mạnh như trên sẽ khiến cho mục tiêu của FECON khó có thể đạt được.

Giải trình về sự sụt giảm lợi nhuận nói trên, FECON cho biết, trong kỳ lợi nhuận gộp của Công ty mẹ và Hợp nhất giảm lần lượt là 101,7 tỷ đồng và 45,2 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ giảm 60,0% và 18,9%. Nguyên nhân chủ yếu do trong 6 tháng đầu năm chi phí đầu vào tăng đột biến. Với cơn bão giá chi phí nguyên liệu (Thép, xi măng, bê tông...), nhiên liệu (xăng, dầu), chi phí nhân công trực tiếp tăng (do ảnh hưởng gián tiếp từ tăng giá nhiên liệu) trong khi các dự án Công ty đã ký kết từ năm 2020 và đầu năm 2022 với đơn giá cố định dẫn đến giá vốn bị tăng cao so với kế hoạch triển khai ban đầu.

Do đó, tỷ suất lợi nhuận gộp đã bị suy giảm trầm trọng so với cùng kỳ. Mặc dù Công ty đạt tăng trưởng 14,9% doanh thu hợp nhất nhưng lợi nhuận gộp vẫn bị giảm khá mạnh so với kỳ trước.

Chi phí lãi vay hợp nhất Quý II/2022 tăng 35,6 tỷ đồng tương ứng mức tăng 56,35% so với cùng kỳ, chủ yếu do phát sinh tăng chi phí lãi vay của Công ty con là Công ty Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng. Giai đoạn 6 tháng đầu năm 2021, chi phí lãi vay này được vốn hóa vào chi phí đầu tư của dự án, nhưng 6 tháng năm đầu năm nay là chi phí trong kỳ khi dự án điện gió đi vào vận hành thương mại cuối tháng 10/2021.

Như vậy, với kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2022, sẽ khó có thể giúp cho FECON đạt được mục tiêu kế hoạch của năm 2022 khi ghi nhận lỗ trong quý I và lơi nhuận sau thuế quý II chỉ đạt 7,9 tỷ đồng.

Thế Anh
Cùng chuyên mục