FED tiếp tục cắt giảm lãi suất cũng không "cứu" được chứng khoán phố Wall

02/10/2019 13:53 GMT+7
"Chiến lược cắt giảm lãi suất của FED giờ đây không có khả năng thúc đẩy thị trường chứng khoán tăng trưởng như những năm 1990" - chiến lược gia thị trường Francois Trahan từ UBS nhận định.
FED tiếp tục cắt giảm lãi suất cũng không "cứu" được chứng khoán phố Wall - Ảnh 1.

FED tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ cũng không cứu được phố Wall thêm lần nào nữa - nhận định của UBS.

Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Thụy Điển UBS hôm 1/10 cảnh báo: "Nếu bạn nghĩ rằng hành động cắt giảm lãi suất của FED có thể "cứu" thị trường chứng khoán lần này, hãy nghĩ lại".

Thực tế, chỉ số S&P 500 đã giảm nhẹ khi FED tiến hành cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau 11 năm hồi tháng 7. Trong lần FED cắt giảm lãi suất tháng 9 vừa qua, chứng khoán phố Wall cũng đồng loạt giảm do chủ tịch Jerome Powell không mở ra kỳ vọng về một đợt hạ lãi suất tiếp theo trong năm 2020.

"Chiến lược giảm lãi suất của FED giờ đây không có khả năng thúc đẩy thị trường chứng khoán tăng trưởng như những năm 1990" - chiến lược gia thị trường Francois Trahan từ UBS nhận định. Nguyên nhân là mối tương quan nghịch đảo mạnh mẽ giữa lãi suất và tỷ suất lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu hiện nay đã không còn.

Nhưng FED dường như không có quyền lựa chọn. Chỉ số PMI sản xuất của Mỹ trong tháng 9 chỉ đạt 47,8, mức thấp nhất kể từng tháng 6/2019. Vào tháng 8, PMI ngành sản xuất của Mỹ lần đầu tiên kể từ năm 2016 nằm dưới mức trung lập 50, xuống mức thu hẹp. Thời điểm đó, cùng với việc Tổng thống Trump tuyên bố tăng thuế thêm 5% với 550 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, nỗi quan ngại suy thoái đã trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết. Dù những tuần qua, căng thẳng thương mại Mỹ Trung đã dần hạ nhiệt nhờ những cử chỉ thiện chí từ cả hai bên, thì dữ liệu kinh tế vẫn cho thấy những dấu hiệu đáng lo ngại. 

Không khó hiểu khi thị trường dồn kỳ vọng vào việc FED cắt giảm lãi suất thêm một đợt nữa từ nay đến cuối năm. Theo công cụ đo lường FedWatch, định giá thị trường về khả năng FED tiếp tục cắt giảm lãi suất trong tháng 10 đã tăng lên 40%, khả năng cắt giảm lãi suất ít nhất 1 lần từ nay đến hết tháng 12 tăng lên 67%.

"Sự lạc quan thị trường về khả năng cắt giảm lãi suất nên giảm bớt trong bối cảnh bất ổn chính trị leo thang" - theo ông Francois Trahan. "Cùng với đó, vụ điều tra luận tội Tổng thống Trump nhiều khả năng sẽ làm trầm trọng thêm sự giảm giá cổ phiếu". 

FED tiếp tục cắt giảm lãi suất cũng không "cứu" được chứng khoán phố Wall - Ảnh 3.

Cựu chủ tịch FED Janet Yellen

Hồi cuối tuần trước, Cựu chủ tịch FED Janet Yellen nhận định dự báo của FED về tăng trưởng kinh tế trong dài hạn có thể là quá lạc quan, dựa trên 3 yếu tố như nhân khẩu học, năng suất lao động và giáo dục. Bà Yellen đang nhắc đến dự báo của Ngân hàng Trung ương hồi đầu tháng 9 rằng tăng trưởng GDP dài hạn của Mỹ sẽ dao động quanh mức 1,9%.

Xét trên khía cạnh nhân khẩu học, bà Yellen lưu ý rằng tăng trưởng lực lượng lao động của Mỹ hiện tại rơi vào khoảng xấp xỉ 0,5% trong khi tăng trưởng dân số đang có xu hướng chậm lại trong những năm gần đây. Về khía cạnh giáo dục, bà nhận định cải thiện trình độ lực lượng lao động sẽ giúp thúc đẩy năng suất lao động tăng lên, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Theo vị Cựu Chủ tịch FED, trong những năm qua, năng suất lao động của Mỹ vẫn giữ ở mức thấp. Hồi quý II, tăng trưởng GDP Mỹ đạt 2% nhưng động lực tạo nên tăng trưởng chủ yếu nằm ở chi tiêu tiêu dùng, còn đầu tư kinh doanh gần như ngày càng thận trọng trong bối cảnh thương mại bất ổn. "Nền kinh tế đang trở nên ngày càng kém năng động".

Nhận định của bà Yellen về cơ bản là đúng trên nhiều khía cạnh. Dễ thấy rằng, dù Tổng thống Donald Trump nhiều lần nhấn mạnh thương chiến Mỹ Trung hầu như không làm tổn hại nền kinh tế Mỹ, nhưng việc Trump lùi thời hạn áp thuế 160 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc đến 15/12, khi hàng hóa dịp nghỉ lễ mùa đông lên kệ xong xuôi, đã phần nào thừa nhận ảnh hưởng của mức thuế với người tiêu dùng Mỹ. Một khi đàm phán Mỹ Trung vào 10/10 tới không mang đến diễn biến tích cực và những mức thuế vẫn được áp đặt theo đúng lộ trình, nền kinh tế Mỹ nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.

Dù muốn dù không, FED nhiều khả năng vẫn cần cân nhắc tiếp tục cắt giảm lãi suất ít nhất một đợt từ nay đến cuối năm.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục