Trump nổi khùng vì dữ liệu sản xuất tồi tệ, Dow Jones bay gần 350 điểm
Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones giảm 343,79 điểm, tương đương 1,3% xuống 26.573,04 điểm sau khi chứng kiến mức tăng hơn 100 điểm trong ngày. Chỉ số S & P 500 trượt 1,2% đóng cửa ở mức 2.940,25 điểm. Chỉ số tổng hợp Nasdaq thì giảm 1,1% xuống còn 7,908,68 điểm. Đây có thể xem là ngày tồi tệ nhất với Dow Jones và S&P 500 kể từ hôm 23/8, khi Tổng thống Mỹ tuyên bố tăng thêm 5% thuế với 550 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc khiến 2 chỉ số trên đây giảm hơn 2%.
Dữ liệu từ Viện quản lý nguồn cung chỉ ra chỉ số PMI thể hiện hoạt động sản xuất của Mỹ đang ở mức thấp nhất trong vòng hơn một thập kỷ, kể từ tháng 6/2019 đến nay. Hiện PMI đạt 47,8, thể hiện sự giảm tốc mạnh mẽ. Trong thước đo PMI, mức 50 thể hiện sự trung lập, mức trên 50 thể hiện sự mở rộng của nền kinh tế còn dưới 50 phản ánh triển vọng giảm tốc.
Ngay sau khi dữ liệu được công bố, cổ phiếu hàng loạt nhà sản xuất như Honeywell, 3M và Eaton đều giảm ít nhất 2,8%.
Cùng với sự giảm giá của cổ phiếu, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng giảm mạnh sau khi các nhà đầu tư đổ xô sang mua trái phiếu. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm hiện giảm từ 1,75% xuống 1,64%, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm giảm từ 1,68% xuống 1,54%.
Hồi tháng 9, cả 3 chỉ số chính đã gần tiệm cận mức cao nhất mọi thời đại. Nhưng sự tụt dốc mạnh mẽ hôm 1/10 vừa qua đã đẩy nó cách xa mức đó.
Tổng thống Donald Trump ngay sau đó lên tiếng, đổ lỗi cho đồng USD mạnh và mức lãi suất cao khiến sản xuất của Mỹ rơi vào giảm tốc. Ông Trump chỉ trích Cục Dự trữ Liên bang FED và Chủ tịch FED Jerome Powell về thất bại "thảm hại" trong việc ổn định nền kinh tế.
"Như tôi đã dự đoán từ lâu, việc FED và Jerome Powell để cho giá trị đồng USD tăng mạnh so với tất cả các loại tiền tệ khác đã khiến các nhà sản xuất Mỹ chịu ảnh hưởng tiêu cực. Lãi suất mà FED đưa ra quá cao. Không nghi ngờ gì, FED là kẻ thù tồi tệ nhất của nền kinh tế Mỹ. Thật thảm hại làm sao!" - ông Trump viết trên Twitter.
Còn chủ tịch ISM Timothy Fiore thì chỉ ra chiến tranh thương mại kéo dài là nguyên nhân khiến chỉ số PMI giảm mạnh cũng như nền sản xuất của Mỹ lao đao.
Dự kiến trong tuần tới, phái đoàn đàm phán Trung Quốc sẽ có mặt tại Washington để thảo luận các vấn đề thương mại trong nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột đầy cay đắng kéo dài hơn một năm nay giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Cả hai bên đã nỗ lực cải thiện không khí đàm phán trong những ngày gần đâu bằng hàng loạt hành động thiện chí. Nhưng thị trường vẫn quan ngại sâu sắc sau khi Tổng thống Trump tuyên bố không muốn một thỏa thuận tạm thời mà mong muốn đạt tới thỏa thuận thương mại toàn diện, điều khó có khả năng xảy ra trong ngắn hạn.