Gang Thép Thái Nguyên tăng chi cho lãnh đạo cấp cao, lợi nhuận tiếp tục “bốc hơi”
CTCP Gang thép Thái Nguyên (Tisco, UPCOM – Mã: TIS) vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 với sự sụt giảm cả về doanh thu và lợi nhuận so với cùng kỳ năm 2018.
Theo đó, doanh thu thuần trong 6 tháng đầu năm của Tisco giảm về 5.486 tỷ đồng, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương ứng, giá vốn hàng bán giảm 5,6%, xuống 5.198 tỷ đồng và chiếm gần 95% trong cơ cấu doanh thu của doanh nghiệp.
Lợi nhuận gộp của doanh nghiệp vì thế “bốc hơi” 2% xuống còn 288 tỷ đồng. Biên lãi gộp chỉ ở mức trên 5%.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính 1,8 tỷ, giảm 25% so với cùng kỳ, chủ yếu là do giảm khoản mục lãi tiền gửi, tiền cho vay từ 758 tỷ xuống còn 412 tỷ đồng. Lợi nhuận khác cũng giảm 2,5 tỷ đồng, tương ứng 71% so với nửa đầu năm 2018.
Về chi phí, chi phí hoạt động tài chính trong kỳ giảm nhẹ 1,7%, chủ yếu là chi phí lãi vay chiếm tỷ trọng 98% với 115,5 tỷ đồng. Bình quân mỗi ngày Tisco phải “gánh” 19 tỷ lãi vay/tháng, tương ứng 640 triệu đồng/ngày.
Đáng nói, trong chi phí tài chính nửa đầu năm 2019, lãi chậm trả của doanh nghiệp phát sinh lên tới hơn 2.300 tỷ, trong khi cùng kỳ chỉ 192 triệu đồng. Ngược lại, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 2,5% so với cùng kỳ.
Cộng hưởng các biến động, Tisco ghi nhận lợi nhuận trước thuế 47 tỷ đồng, lãi ròng 37,5 tỷ đồng nửa đầu năm, giảm 11% so với cùng kỳ.
So với đích lợi nhuận trước thuế 90 tỷ đồng cả năm, Tisco đã hoàn thành quá nửa mục tiêu kế hoạch tính tới hết tháng 6/2019.
Riêng trong quý II/2019, doanh thu của Tisco giảm từ 3.154 tỷ về 2.676 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đi ngang ở mức 163 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trong kỳ thu về 29 tỷ đồng, giảm khoảng 700 triệu so với cùng kỳ năm trước.
Lý giải về nguyên nhân sụt giảm lợi nhuận, phía doanh nghiệp này cho biết là do chi phí cho khoản thu nhập của Ban giám đốc, Hội đồng quản trị và Kế toán trưởng của Tisco nửa đầu năm nay đã lên tới gần 1,6 tỷ đồng, gấp gần 1,7 lần so với nửa đầu năm 2018.
Tuy vậy, lưu chuyển tiền thuần trong hoạt động kinh doanh của Tisco đã dương trở lại với 621 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái âm 180 tỷ.
Tính đến cuối quý II/2019, tình hình mất cân đối tài chính tại doanh nghiệp vẫn đáng báo động. Tổng tài sản giảm về 10.210 tỷ đồng (so với con số 10.573 tỷ đầu kỳ). Trong đó tài sản ngắn hạn đạt 3.018 tỷ đồng – tập trung phần lớn ở hàng tồn với gần 1.964 tỷ, phải thu hơn 697 tỷ đồng, tiền và các khoản tương đương tiền vỏn vẹn 233 triệu đồng. Tài sản dài hạn 7.192 tỷ đồng, riêng chi phí xây dựng dở dang chiếm hơn 5.234 tỷ đồng.
Tổng nợ Gang thép Thái Nguyên tính đến thời điểm 30/6 xấp xỉ 8.314 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần so với vốn chủ là 1.896 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay (ngắn và dài hạn) vào mức 5.268,5 tỷ đồng.
Tình trạng cực kỳ khó khăn, mất cân đối tài chính nghiêm trọng của Công ty Gang thép Thái Nguyên (Tisco) không chỉ diễn ra mới đây, mà tình trạng này đã kéo dài trong nhiều năm gần đây. Đặc biệt, tính đến cuối năm 2018, hệ số nợ của Gang thép Thái Nguyên gấp 4,65 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 82% tổng tài sản.
"Nợ phải trả quá nhiều, gấp 4,65 lần vốn chủ sở hữu cho thấy cơ cấu vốn của Tisco không an toàn. Ngoài ra, khả năng thanh toán của công ty hiện là 0,7 lần, doanh nghiệp đang trong tình trạng tài chính "đặc biệt khó khăn, có khả năng không trả được các khoản nợ đến hạn", Tài liệu họp ĐHCĐ 2019 của Tisco nêu rõ.
Khó khăn hiện hữu của Gang thép Thái Nguyên trên thực tế xuất phát từ Dự án Mở rộng giai đoạn II đang đầu tư dang dở.
Liên quan đến dự án này, gần cuối tháng 4 vừa qua, Bộ Công an quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 5 cựu lãnh đạo thuộc Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) và Tổng Công ty Gang thép Thái Nguyên (Tisco) do liên quan tới sai phạm trong dự án mở rộng giai đoạn II – Công ty Gang thép Thái Nguyên.
Những con nợ trăm tỷ của Tisco
Báo cáo tài chính quý II/2019, tính đến 30/6, Tisco vẫn tồn tại 651 tỷ nợ xấu là các khoản phải thu, cho vay quá hạn thanh toán hoặc chưa quá hạn thanh toán nhưng khó có khả năng thu hồi.
Một số cái tên nằm trong danh sách nợ xấu của Tisco là Công ty TNHH TM và DL Trung Dũng với số tiền lên tới 252 tỷ đồng. Đây cũng là con nợ có số nợ xấu lớn nhất của Tisco tính tới thời điểm hiện nay.
Ngoài ra, Công ty TNHH TM và DL Hà Nam (127,3 tỷ đồng), Công ty TNHH Lưỡng Thổ (102,2 tỷ đồng), Công ty TNHH Hồng Trang (74,6 tỷ đồng) và khoản tiền phạt, phải thu về lãi trả chậm phát sinh từ các khoản phải thu quá hạn nhưng không được ghi nhận doanh thu là hơn 201 tỷ đồng. Đây cũng là các khoản nợ mà trong nhiều năm qua Tisco vẫn chưa thể thu hồi.
Đáng chú ý, Trung Dũng từng là cổ đông lớn của Công ty Gang thép Thái Nguyên (Tisco) từ năm 2012 với tỷ lệ sở hữu 17,45%, chỉ sau Tổng công ty thép Việt Nam VNSteel (65%). Ngoài ra, Công ty Trung Dũng còn là cái tên liên quan tới ông Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch BIDV vừa tử vong ngày hôm qua 18/7 khi đang trong thời kỳ tạm giam
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) ra Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố bị can Trần Bắc Hà về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” quy định tại Điều 206, Bộ luật Hình sự năm 2015, với hành vi sai phạm liên quan đến việc phê duyệt cấp tín dụng cho Công ty TNHH Thương mại và du lịch Trung Dũng.
Ngoài ra, C03 còn ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét đối với: Đoàn Hồng Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và du lịch Trung Dũng về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 175, Bộ luật Hình sự năm 2015 và áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt bị can để tạm giam.