Gang thép Thái Nguyên (TIS): Lợi nhuận lao dốc 90%, nợ phải trả gấp gần 5 lần vốn chủ sỡ hữu
Lợi nhuận quý II Gang Thép Thái Nguyên lao dốc
Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên (UPCoM: TIS) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý II/2022 với doanh thu thuần giảm 10% về 3.189 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính tăng 92,4% lên 10,4 tỷ đồng, trong khi đó chi phí tài chính giảm mạnh 65% xuống 35,2 tỷ đồng (lãi vạy 31,2 tỷ đồng).
Chi phí bán hàng 14 tỷ đồng, tăng 2,8%, chi phí quản lý doanh nghiệp 11.5 tỷ đồng, giảm 96% so với cùng kỳ. Lợi nhuận khác âm 8,5 tỷ, cùng kỳ âm 2 tỷ đồng.
Kết thúc quý II, TIS báo lãi sau thuế 5,8 tỷ đồng, giảm tới 90%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.922 tỷ đồng, tăng 5,7%, lợi nhuận sau thuế đạt 35 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ.
Ngoài kết quả kinh doanh thụt lùi thì gánh nặng nợ nần vẫn là bài toán lớn nhất của doanh nghiệp này.
Tổng tài sản tính đến cuối tháng 6/2022 tăng 5% so với đầu năm lên 10.855 tỷ đồng. Tài sản dài hạn chiếm 71% đạt 7.704 tỷ đồng, trong đó tài sản dở dang dài hạn: 6.192 tỷ đồng. Khoản tài sản dở dang này liên quan đến dự án "Cải tạo và mở rộng sản xuất Công ty Gang thép Thái Nguyên - giai đoạn II". Được biết, tổng chi phí ban đầu là 3.843,7 tỷ đồng và theo dự toán điều chỉnh phê duyệt tổng mức đầu tư mới là 8.104,9 tỷ đồng (theo hợp đồng đã ký kết với nhà thầu chính Công ty China Metallurgical Group Corporatime (MCC).
Tại thời điểm 30/6/2022, tổng giá trị đầu tư của dự án đã thực hiện: 6.163,09 tỷ đồng. Trong đó lãi vay vốn hóa là 2.951,7 tỷ đồng, chi phí phát sinh chủ yếu trong 6 tháng năm 2022 là chi phí lãi vay vốn hóa.
Tài sản ngắn hạn đạt 3.150 tỷ đồng, tăng 16%, hàng tồn kho kỳ này đạt 2.048 tỷ đồng, tăng 43% so với đầu năm.
Về nguồn vốn, nợ phải trả cuối tháng 6 tăng 6,6% lên 8.830 tỷ đồng, trong đó chủ yếu nợ ngắn hạn 6.542 tỷ đồng, trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng 9,3% lên 2.769 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu của TISCO là 1.840 tỷ đồng, vậy, nợ phải trả gấp 4,8 lần vốn chủ sở hữu.
Gang thép Thái Nguyên tiếp tục không chia cổ tức, dự kiến giảm 42% lợi nhuận năm 2022
Trong năm 2022, Tisco lên kế hoạch kinh doanh đạt 20.105 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế mục tiêu trong năm 2022 của Tisco giảm 42%, dự kiến ở mức 90 tỷ đồng.
Đồng thời, Tisco dự kiến giá trị sản xuất công nghiệp năm 2022 tăng nhẹ 6,5% đạt 13.811 tỷ đồng. Theo đó, sản xuất gang lò cao đạt 225 nghìn tấn, sản xuất phôi thép 415 nghìn tấn, sản xuất thép cán 835 nghìn tấn và lượng tiêu thụ thép cán đạt 835 nghìn tấn.
Cũng trong năm nay, Tisco dự kiến đầu tư 836 tỷ đồng để thực hiện 3 dự án liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản. Cụ thể, dự án cải tạo mở rộng khai thác than mỡ hầm lò Nam Làng Cẩm với tổng mức đầu tư 330 tỷ đồng, dự án khai thác than mỡ hầm lò khu Bắc Làng Cẩm (khu Âm Hồn) với tổng mức đầu tư 450 tỷ đồng và Dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác quặng sắt khu Hòa Bình (Đồng Hỷ, Thái Nguyên) là 56 tỷ đồng.
Đặc biệt, Tisco cho biết công ty không đủ điều kiện để chia cổ tức. Theo đó, lý do được đưa ra là do quá hạn cho khoản cho vay của dự án tính đến ngày 31/12/2021 (2.199 tỷ đồng) đến nay vẫn chưa có nguồn để trả. Trong khi đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính tới cuối năm 2021 là hơn 281 tỷ đồng. Như vậy, đây là năm thứ 10 Tisco không tiến hành phân phối lợi nhuận cho cổ đông.
Về dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2, Tisco sẽ tiếp tục triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, các ban, bộ ngành của Tổng Công ty Thép Việt Nam.