Gạo thế giới tiếp tục neo cao, doanh nghiệp Việt đẩy mạnh gom hàng
Giá gạo Ấn Độ tăng lên mức cao nhất, Việt Nam kỳ vọng thu về hơn 3 tỷ USD từ xuất khẩu gạo
Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, được báo giá ở mức 393 - 398 USD/tấn trong tuần này, tăng so với mức 387 - 395 USD của tuần trước.
Chính phủ Ấn Độ đã mua lượng lúa chưa xay xát kỷ lục từ nông dân trong năm nay. Một lượng hạn chế nguồn cung dành cho các doanh nghiệp tư nhân để xuất khẩu.
Theo các quan chức Chính phủ Ấn Độ và ngành, xuất khẩu gạo của Ấn Độ trong năm 2022 đã tăng lên mức cao kỷ lục, dù chính phủ hạn chế bán ra nước ngoài, do nhu cầu với gạo của nước này vẫn lớn khi giá cả cạnh tranh.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm nhẹ xuống 495 USD/tấn, từ mức 500 USD/tấn. Giá gạo Thái giảm nhẹ là do nhu cầu giảm, nhưng vẫn ở mức cao khi thiếu nguồn cung và đồng nội tệ mạnh. Giá gạo Thái có thể thay đổi khi có nguồn cung mới vào đầu tháng 3.
Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất khẩu của Việt Nam hôm nay đi ngang sau phiên điều chỉnh giảm. Hiện giá gạo 5% tấm đang ở mức 468 USD/tấn; gạo 25% tấm duy trì ở mức 448 USD/tấn. Các thương lái đang nối lại hoạt động mua gạo từ nông dân để chuẩn bị cho các hợp đồng mới sau kỳ nghỉ lễ.
Tháng 1/ 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam ước đạt khoảng 400.000 tấn với trị giá khoảng 203 triệu USD, giảm gần 21% về lượng và khoảng 17,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá lúa gạo hôm nay 9/2 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long duy trì ổn định. Hiện giá gạo nguyên liệu, thành phẩm ở mức 9.600 – 9.700 đồng/kg; gạo thành phẩm 10.600 – 10.70 đồng/kg. Với mặt hàng phụ phẩm, giá phụ phẩm đi ngang. Hiện giá cám khô ở mức 8.650 đồng/kg; giá tấm ở mức 9.600 đồng/kg.
Với mặt hàng lúa, giá giảm nhẹ ở một số chủng loại. Cụ thể, tại An Giang, hiện lúa OM 5451 6.400 – 6.600 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg; Đài thơm 8 6.700 – 6.900 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; nàng hoa 9 6.800 – 7.100 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg.
Với các chủng loại khác, giá đi ngang. Cụ thể, OM 18 đang được thương lái thu mua tại ruộng với mức 6.700 – 6.800 đồng/kg; nếp khô Long An 9.000 – 9.200 đồng/kg, nếp khô An Giang giá dao động 8.400 – 8.600 đồng/kg; lúa Nhật 7.800 – 7.900 đồng/kg; lúa IR 504 ở mức 6.400 – 6.600 đồng/kg; lúa IR 504 khô duy trì ở mức 6.500 đồng/kg; nếp tươi An Giang đang được thương lái thu mua ở mức 7.000 – 7.200 đồng/kg; nếp Long An tươi 7.850 – 8.000 đồng/kg.
Tại chợ lẻ, giá gạo thường 11.500 đồng/kg – 12.500 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 15.000 – 16.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 14.000 đồng/kg; nếp ruột 14.000 – 15.000 đồng/kg; Gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg; Gạo thơm thái hạt dài 18.000 – 19.000 đồng/kg; Gạo Hương Lài 19.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg; Nàng Hoa 17.500 đồng/kg; Sóc Thái 18.000 đồng/kg; Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 20.000 đồng/kg; Cám 7.000 – 8.000 đồng/kg.
Theo các thương lái, hôm nay nguồn gạo về nhiều, các doanh nghiệp mua nhiều hơn. Mặc dù xuất khẩu giảm, song thị trường lúa gạo nội địa vẫn khá sôi động. Nếu so với thời điểm trước Tết Nguyên đán, lúa gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện có giá bán cao hơn khoảng 300-500 đồng/kg, nhưng thấp hơn khoảng 50-100 đồng/kg so với thời điểm cách nay khoảng 2 ngày.
Các doanh nghiệp đánh giá nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh mua vào để thực hiện các đơn hàng đã ký kết. Trong khi đó, vụ lúa đông xuân 2022-2023 vẫn chưa vào thu hoạch rộ, lượng hàng cung cấp ra thị trường còn hạn chế cũng là yếu tố tác động cộng hưởng khiến giá lúa gạo thị trường nội địa tăng.
Tuy xuất khẩu gạo ghi nhận sụt giảm trong tháng đầu năm, nhưng thị trường lúa gạo nội địa vẫn khá sôi động. Doanh nghiệp cho rằng, do lãi suất của các ngân hàng được điều chỉnh tăng mạnh nên cuối năm ngoái tất cả các doanh nghiệp đều “rút gọn” tồn kho để trả nợ.
Mặt khác, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp phải tập trung trả đơn hàng đã ký kết với đối tác từ năm cũ chuyển sang, nhất là hợp đồng với Philippines và Indonesia, cho nên, đã đẩy mạnh việc mua vào khiến giá lúa gạo thị trường nội địa sôi động ngay từ đầu năm.
Báo cáo của Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, tính đến cuối tháng 1/2023, vụ đông xuân 2022-2023, vùng ĐBSCL đã xuống giống được 1,47 triệu ha trên tổng số 1,51 triệu ha kế hoạch. Trong đó, diện tích đã thu hoạch được khoảng 202.000 ha, tức chỉ mới thu hoạch được khoảng 14% diện tích đã gieo sạ.
Nếu giá lúa gạo giữ được như hiện nay đến cuối vụ, nông dân vùng ĐBSCL sẽ có một vụ mùa thắng lợi. Tuy nhiên, theo dự báo của những người trong cuộc, khả năng giá lúa sẽ quay đầu sụt giảm đáng kể khi vụ đông xuân 2022-2023 bước vào giai đoạn thu hoạch rộ.
Trong năm 2022, theo số liệu từ các tổ chức thế giới cho thấy sản lượng sản xuất gạo toàn cầu đều giảm nhẹ so với năm trước. Trong khi đó, chỉ số giá gạo FAO đạt 114,6 điểm, tăng 2,3% so với tháng 10/2022 và tăng 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy nhu cầu gạo vẫn tiếp tục tăng.
Đối mặt với nhiều biến cố của thị trường lương thực thế giới năm 2022 nhưng xuất khẩu gạo Việt Nam đã đạt gần 7,2 triệu tấn với giá trị 3,49 tỷ USD. Điều đặc biệt là gạo Việt Nam đã vươn sâu vào các thị trường có những yêu cầu rất khắt khe về chất lượng như Nhật Bản, EU… và gạo thơm ST24, ST25 xuất khẩu đã có giá trên 1.000 USD/tấn, gấp hơn 2 lần giá xuất khẩu gạo trắng thông thường. Đây cũng là một năm khá thành công cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo khi có nhiều đơn hàng xuất khẩu từ các thị trường lớn.
Dự báo về thị trường 2023, theo các chuyên gia, xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục thuận lợi nhờ giá gạo trong ngắn hạn vẫn duy trì ở mức cao do những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nhu cầu dự trữ lương thực tăng lên. Những tín hiệu tích cực từ thị trường, giá ở mức cao nên hợp đồng xuất khẩu gạo trong niên vụ sản xuất mới sẽ tốt. Nông dân cũng sẽ có lợi nhuận tốt hơn.
Theo đánh giá của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), năm 2023 cùng với nền tảng là giá tốt thì xuất khẩu gạo Việt Nam đang có nhiều triển vọng do các thị trường có nhu cầu cao.
Cụ thể, đối với thị trường Trung Quốc, gần đây nước này thông báo sẽ mở cửa trở lại cũng được cho là một tín hiệu tích cực cho những nhà xuất khẩu gạo. Như vậy, năm 2003 xuất khẩu gạo qua Trung Quốc có thể đạt 1 triệu tấn.
Đối với thị trường Bangladesh, sản lượng lúa gạo của nước này chưa đủ để cung cấp cho 170 triệu dân và vẫn cần phải nhập khẩu gạo với những nguồn cung chính là Ấn Độ, Việt Nam và Myanmar. Do đó, Bangladesh đã đồng ý gia hạn MOU (biên bản ghi nhớ) về thương mại gạo với Việt Nam thêm 5 năm. Việc tiếp tục được gia hạn MOU sẽ tạo thêm cơ hội để gạo Việt thâm nhập thị trường Bangladesh ổn định trong thời gian tới.
Với thị trường Philippines - quốc gia tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam, mới đây Chính phủ nước này quyết định duy trì thuế nhập khẩu gạo ở mức 35%. Việc duy trì chính sách giảm thuế nhập khẩu của Philippines sẽ là thông tin tốt cho xuất khẩu gạo Việt Nam vì sẽ đảm bảo cho tính ổn định của thị trường...
Dự báo của VFA, năm 2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn gạo, giảm hơn so với năm 2022 vì lượng hàng năm cũ hầu như đã xuất khẩu hết, không còn chuyển giao cho năm mới như trước đây nhưng kỳ vọng giá trị thu về vẫn vượt 3 tỷ USD.