Đến lượt gạo Ấn Độ tăng vọt, giá gạo Việt chờ bứt phá

29/01/2023 14:46 GMT+7
Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ tuần qua đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2021 do nguồn cung hạn chế và đồng rupee mạnh lên, trong khi đồng nội tệ vững chắc và nhu cầu cao cũng đẩy giá gạo Thái Lan tăng.

Giá gạo Ấn Độ cao nhất gần 2 năm, gạo Thái Lan cũng tăng 

Theo đó, gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được báo giá ở mức 387-395 USD/tấn trong tuần này, tăng so với mức 375-382 USD/tấn của tuần trước.

Giá gạo trắng của Ấn Độ tăng lên 435-440 USD/tấn từ 398-405 USD/tấn một tuần trước.

Đồng rupee Ấn Độ đã tăng lên mức cao nhất trong một tháng trong tuần này, làm giảm lợi nhuận của các nhà xuất khẩu từ việc xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài.

Một nhà xuất khẩu tại Mumbai cho biết các khách hàng nhận thấy giá gạo Ấn Độ rẻ hơn so với các nước khác dù giá đã tăng gần đây. Nguồn cung ở Ấn Độ cũng đang thắt chặt sau khi New Delhi quyết định chấm dứt chương trình thực phẩm miễn phí trong thời gian dịch bệnh Covid-19 và thay thế bằng một chương trình rẻ hơn.

Gạo 5% tấm của Thái Lan được báo giá ở mức 500-502 USD/tấn - cao nhất kể từ tháng 3 năm 2021 - tăng từ 495 USD/tấn vào tuần trước, lý do được các thương nhân cho là do đồng baht mạnh lên và nhu cầu trong nước mạnh mẽ.

Đồng baht mạnh lên dẫn đến giá xuất khẩu cao hơn khi tính bằng đô la Mỹ.

Một thương nhân ở Bangkok cho biết: “Nhiều thương nhân và người mua gạo hiện đang áp dụng cách tiếp cận thị trường là chờ đợi do đồng baht mạnh”.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết, Thái Lan đã cắt giảm mục tiêu xuất khẩu gạo năm 2023 xuống 7,5 triệu tấn từ 8 triệu tấn, chủ yếu là do giá gạo cao tiếp tục đạt mức kỷ lục trong gần hai năm trong tuần này.

Các thương nhân cho biết nguồn cung gạo đang giảm và thị trường đang kỳ vọng nguồn cung mới sẽ gia nhập thị trường từ vụ trái vụ vào cuối tháng tới và tháng 3.

Gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 445-450 USD/tấn, không đổi so với một tuần trước.

“Giao dịch gạo vẫn trầm lắng cho đến ít nhất là sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán”, một thương nhân có trụ sở tại TP.HCM cho biết, và thêm rằng “nguồn cung thấp và sẽ không cải thiện cho đến tháng sau khi vụ thu hoạch đông xuân bắt đầu”.

Việt Nam đã xuất khẩu 226.000 tấn gạo trị giá 114,7 triệu USD trong nửa đầu tháng 1, theo dữ liệu hải quan.

Đến lượt gạo Ấn Độ tăng vọt, giá gạo Việt chờ bứt phá - Ảnh 1.

Gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 445-450 USD/tấn, không đổi so với một tuần trước.

Trong tuần qua, các thị trường tại Việt Nam vẫn đóng cửa trong tuần này để nghỉ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên trong 2 ngày cuối tuần, nhiều nhà máy và doanh nghiệp đã mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ Tết. Thị trường lúa Đông Xuân giao dịch lai rai, giá lúa giữ ở mức cao.

Trong 2 phiên giao dịch đầu năm mới, giá gạo đã điều chỉnh tăng 100 đồng/kg, trong khi giá lúa tăng 200 đồng/kg.

Hiện các tỉnh Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang nông dân chưa thu hoạch lúa Đông Xuân trong khi đó vụ Thu Đông ở Bạc Liêu nông dân chỉ mới thu hoạch rộ và trễ vụ Đông Xuân so với các tỉnh khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại An Giang, hiện lúa OM 18 đang được thương lái thu mua tại ruộng với mức 6.800 – 6.900 đồng/kg; OM 5451 6.800 – 7.000 đồng/kg; Đài thơm 8 7.000 – 7.300 đồng/kg; nàng hoa 9 6.900 – 7.200 đồng/kg; nếp khô Long An 9.000 – 9.200 đồng/kg, nếp khô An Giang giá dao động 8.400 – 8.600 đồng/kg; lúa Nhật 7.800 – 7.900 đồng/kg; lúa IR 504 ở mức 6.200 – 6.300 đồng/kg; nàng hoa 9 6.600 – 6.800 đồng/kg; lúa IR 504 khô duy trì ở mức 6.500 đồng/kg; nếp tươi An Giang đang được thương lái thu mua ở mức 7.000 – 7.200 đồng/kg; nếp Long An tươi 7.850 – 8.000 đồng/kg.

Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm duy trì ổn định. Hiện giá gạo nguyên liệu ở mức 9.300 – 9.400 đồng/kg; gạo thành phẩm 10.000 – 10.100 đồng/kg. Tương tự, với mặt hàng phụ phẩm, giá phụ phẩm cũng có xu hướng đi ngang. Hiện giá tấm ở mức 9.300 đồng/kg; cám khô ở mức 8.100 – 8.200 đồng/kg.

Tại chợ lẻ, giá gạo thường 11.500 đồng/kg – 12.500 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 15.000 – 16.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 14.000 đồng/kg; nếp ruột 14.000 – 15.000 đồng/kg; Gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg; Gạo thơm thái hạt dài 18.000 – 19.000 đồng/kg; Gạo Hương Lài 19.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg; Nàng Hoa 17.500 đồng/kg; Sóc Thái 18.000 đồng/kg; Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 20.000 đồng/kg; Cám 7.000 – 8.000 đồng/kg.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, thường cuối vụ giá gạo rất thấp, nên đối tác nhập khẩu căn cứ vào giá đó để đàm phán mua vụ Đông Xuân. Tuy nhiên, năm nay, cuối vụ chúng ta lại bán được giá khá cao nên các hợp đồng ký cho vụ Đông Xuân trong năm 2023 sẽ có giá tốt hơn. Quan trọng hơn, khi giá gạo tăng thì người nông dân có thêm động lực mở rộng diện tích, nâng cao năng suất và chất lượng.

Trong khi các ngành hàng tươi sống tận dụng lợi thế địa lý để tăng mạnh đơn hàng xuất sang Trung Quốc thì nhiều ngành hàng nông sản có giá trị kinh tế cao tiếp tục vươn ra những thị trường khó tính, điển hình là hạt gạo.

Năm vừa qua, việc gạo ST25 được nhập khẩu chính ngạch, bày bán tại các siêu thị ở Nhật Bản, Trung Đông và châu Âu, thậm chí loại gạo có thương hiệu từ Việt Nam được chọn đưa vào bếp ăn nội các Nhật Bản là minh chứng cho thấy sự dịch chuyển từ tư duy sản lượng sang chất lượng của ngành nông nghiệp.

Không chỉ được cấp phép nhập khẩu chính ngạch mà gạo thương hiệu Việt bán với giá rất cao. Theo Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, năm vừa qua, giá gạo thơm xuất khẩu sang Trung Đông, châu Âu đạt mức bình quân 650 USD/tấn, riêng loại gạo ST24, ST25 có giá trên 1.000 USD/tấn. Đây là giá xuất khẩu cao đối với mặt hàng lúa gạo trong nhiều năm nay.

Khẳng định được thương hiệu ở các thị trường khó tính đã tạo đà cho gạo Việt ngay những ngày đầu năm 2023. Đơn cử như Công ty Trung An đã ký nhiều hợp đồng cung cấp gạo giao từ nay đến đầu quý II/2023 cho các thị trường Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, châu Âu, Australia và Mỹ, số lượng lên đến gần 1.500 container, tương đương khoảng 30.000 tấn, chủ yếu gạo chất lượng cao và gạo thơm.

Nhu cầu về gạo chất lượng cao, gạo an toàn của người tiêu dùng trong nước và thế giới hiện nay rất nhiều. Cho nên năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam tiếp tục phát triển kể cả về chất lượng và giá trị. Giá gạo xuất khẩu đầu năm 2023 đang rất cao, doanh nghiệp đang bán với giá từ 600-1.250 USD/tấn, ngay cả gạo 100% tấm cũng bán với giá lên đến 468 USD/tấn.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục