Gạo thơm Việt Nam thênh thang cơ hội vào EU
Ông đánh giá như thế nào về động thái cả từ cấp Chính phủ, bộ, ngành nhằm tháo gỡ các vấn đề cho XK gạo thơm của Việt Nam sang EU để hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA?
- Trong thời gian rất ngắn, chỉ sau 2 tháng được Chính phủ giao soạn thảo Nghị định quy định chứng nhận chủng loại gạo thơm XK sang EU, Bộ NN&PTNT đã chủ trì soạn thảo, trình Thủ tướng ký vào ngày 4/9. Phải nói rằng, văn bản này có ý nghĩa vô cùng quan trọng với các DN XK gạo thơm sang EU, nêu rõ quy định để các DN đăng ký chủng loại gạo khi XK sang EU.
gay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 103, Bộ NN&PTNT đã nhanh chóng ban hành Quyết định về việc chứng nhận cho DN XK gạo sang thị trường này. Hiện nay đã có 3 đơn vị nộp hồ sơ về Bộ NN&PTTN, thời gian hoàn thành việc chứng nhận trong vòng 5 ngày. Các DN có thể gửi hồ sơ đăng ký qua Cổng dịch vụ hành chính công của Bộ NN&PTNT hoặc gửi qua bưu điện. Việc chứng nhận DN sẽ được hoàn toàn miễn phí.
Nghị định 103 có hiệu lực ngay từ ngày ký, Bộ NN&PTNT đề nghị các DN có gạo thơm trong danh sách trong Hiệp định EVFTA và có đơn hàng XK gạo thơm cần khẩn trưởng gửi hồ sơ ra Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) để nhanh chóng hoàn thiện thủ tục cho DN, sớm XK sang EU.
Ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm).
Hiện nay, diện tích gieo cấy lúa thơm tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long hàng năm đạt khoảng 25% tổng diện tích gieo cấy, tương đương khoảng 1 triệu ha, sản lượng lúa thơm ước đạt 5,5 triệu tấn, tương đương khoảng 3,5 triệu tấn gạo thơm. Trong khi đó theo EVFTA, lượng gạo thơm xuất sang EU được hưởng hạn ngạch ưu đãi về thuế quan là 30.000 tấn, tương đương với 1,2% lượng gạo thơm sản xuất trong vùng. Vì vậy, tiềm năng XK gạo thơm còn rất lớn. Nếu thực hiện tốt các quy định của EU và XK được 30.000 tấn gạo thơm nói riêng và 80.000 tấn gạo nói chung theo hạn ngạch sang EU với giá bán cao sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo của Việt Nam.
Theo quy định tại Hiệp định EVFTA, hiện có 9 loại gạo thơm XK sang EU được hưởng hạn ngạch về thuế quan gồm: Jasmine 85, ST5, ST20, Nàng Hoa 9, VĐ 20, RVT, OM 4900, OM 5451, Tài nguyên Chợ Đào. Xin Thứ trưởng cho biết, tại sao lại chỉ có 9 loại gạo thơm được hưởng hạn ngạch thuế quan? Với những loại gạo đặc sản của Việt Nam như ST24, ST25 thì cơ hội ra sao?
- Việc đàm phán Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU đã diễn ra nhiều năm nay. Trong quá trình đàm phán hai bên thống nhất 9 loại gạo thơm được hưởng hạn ngạch về thuế quan.
Tuy nhiên, theo quy định của Hiệp định EVFTA, từng năm hai bên sẽ rà soát lại, thống nhất, bổ sung những loại gạo thơm mới vào danh sách. Với những loại gạo đặc sản, đã có uy tín, được danh hiệu gạo ngon nhất thế giới như: ST24, ST25, chúng tôi sẽ sớm làm việc với EU để bổ sung hai loại gạo này vào danh sách. Tôi tin, với chất lượng, uy tín của sản phẩm, phía “bạn” sẽ chấp nhận.
Những năm qua, ngành lúa gạo có chủ trương tái cơ cấu mở rộng diện tích lúa thơm, lúa đặc sản. Việc EU mở hạn ngạch XK gạo thơm cho Việt Nam với khối lượng 30.000 tấn có phải là bước khởi đầu cho ngành gạo tiếp cận các thị trường “khó tính” không, thưa ông?
- Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, lúa gạo là một trong những ngành hàng được đánh giá đạt nhiều thành công. Nếu như 5 - 6 năm trước, Việt Nam chỉ có 35 - 40% diện tích là lúa chất lượng, hiện giờ đã chiếm 80% diện tích, nhiều địa phương chiếm tới 90%. Giá gạo XK trong 8 tháng năm 2020 tăng cao, có lúc giá gạo Việt Nam vượt Thái Lan. Việt Nam cũng có bộ giống lúa tốt, đáp ứng cho nhiều phân khúc thị trường.
Việc EU cấp hạn ngạch 30.000 tấn gạo thơm được hưởng ưu đãi thuế là tín hiệu đáng mừng. 27 nước EU là thị trường “khó tính”, có yêu cầu rất cao về an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ. Bởi vậy, việc được thị trường EU chấp nhận sẽ góp phần thể hiện giá trị, chất lượng, uy tín của gạo Việt.
Phải khẳng định rằng, khối lượng 30.000 tấn chưa phải là lớn nhưng là tín hiệu đáng mừng. Nếu người dân, DN làm tốt, kiểm soát tốt chất lượng đáp ứng các yêu cầu của đối tác, được người dân EU chấp nhận thì tôi tin chắc chắn hạn ngạch sẽ tăng.
Theo ông, thời gian tới ngành lúa gạo Việt Nam cần phải làm những gì để tận dụng tốt các cơ hội, ưu đãi mở ra từ Hiệp định EVFTA, khai thác tốt hơn thị trường EU?
- Theo tôi, ngành hàng lúa gạo phải làm tốt hai vấn đề. Thứ nhất, đảm bảo an ninh lương thực cho 100 triệu dân, dành một phần cho XK, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu gay gắt, đất lúa thu hẹp thì cần có chiến lược cho ngành hàng lúa gạo. Hiện, diện tích canh tác lúa bình quân cả nước khoảng 7,7 - 7,8 triệu ha, năng suất khoảng 6 tấn/ha. Việt Nam vẫn phải giữ được năng suất này để đảm bảo đủ sản lượng.
Thứ hai, toàn ngành cần nâng cao giá trị hạt gạo để giá bán cao, giảm chi phí sản xuất để nâng cao thu nhập cho nông dân. Hiện, tái cơ cấu ngành lúa gạo đang đi theo hướng đó.
Xin cảm ơn ông!