GDP quý 2 vượt kỳ vọng, FED vẫn có lý do để giảm lãi suất?
Dữ liệu kinh tế ổn định không tác động nhiều đến quyết định cắt giảm lãi suất của FED
Chủ tịch FED Jerome Powell đã gợi ý cắt giảm lãi suất từ cuối tháng 6
Tăng trưởng GDP Mỹ đạt 2,1% trong quý II/2019, theo công bố của Bộ Thương mại Mỹ. Con số này giảm mạnh so với mức tăng 3,1% hồi quý II, nhưng lại vượt mức dự đoán 1,9% của các nhà kinh tế từ MarketWatch.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy sự mạnh lên của nền kinh tế, nhưng sự suy giảm của đầu tư doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và sản xuất, đang mở ra một bức tranh tiêu cực về suy thoái kinh tế trong nửa cuối năm nay. Cục Dự trữ Liên Bang FED đã gợi ý một đợt cắt giảm lãi suất vào tuần tới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, dù nhiều chuyên gia nhận định nó có thể không mang lại hiệu quả như kỳ vọng.
Chi tiêu tiêu dùng của người Mỹ đã tăng 4,3% trong quý II, vượt xa mức tăng 1,1% hồi quý I. Các hộ gia đình chi nhiều hơn cho xe cộ, thực phẩm, quần áo, một dấu hiệu tích cực cho sự hồi phục của nền kinh tế.
Nhưng đối lập với sự lạc quan đó, đầu tư doanh nghiệp đã giảm mạnh. Đầu tư cố định giảm 0,8%, mức giảm lớn nhất trong hơn 3 năm trở lại đây. Trong đó, các khoản đầu tư cho công trình nhà xưởng, văn phòng giảm tới 11% và đầu tư cho thiết bị tăng chưa đến 1%.
Các doanh nghiệp đã thận trọng với những kế hoạch đầu tư trong bối cảnh thương chiến Mỹ Trung leo thang và nhiều lĩnh vực sản xuất bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi căng thẳng thương mại.
Tăng trưởng trên thị trường bất động sản, nhà ở cũng giảm 1,5%, mức suy giảm quý thứ 6 liên tiếp do sự khan hiếm nguồn cung và mức giá cao tương đối làm giảm doanh số bán hàng.
Giá trị hàng hóa dự trữ giảm 44,3 tỷ USD, điều cảnh báo tăng trưởng GDP suy giảm trong quý III. Bởi theo đánh giá của các nhà kinh tế, lượng hàng dự trữ ổn định sẽ khiến nền kinh tế tăng trưởng trung bình 3%/ năm. Dù vậy, hàng hóa dự trữ giảm không nhất thiết là điều tồi tệ, bởi nó thể hiện doanh số bán hàng tăng lên.
Mức thâm hụt thương mại lớn hơn cũng vẽ ra viễn cảnh ảm đạm cho nền kinh tế Mỹ, khi nhập khẩu tăng nhẹ còn xuất khẩu giảm mạnh 5,2%. Thuế quan trừng phạt mà ông Trump áp dụng đã làm giảm nhu cầu với các mặt hàng xuất khẩu Trung Quốc. Nhưng mặt khác, nhập khẩu lại chịu ảnh hưởng lớn từ các biện pháp trả đũa thuế quan, chính sách đồng USD mạnh và bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm.
Chi tiêu tiêu dùng Mỹ cao trong quý II không giúp FED lạc quan vào nền kinh tế
Chi tiêu tiêu dùng hiện chiếm gần 70% trong tổng chi tiêu của nền kinh tế Mỹ. Tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong gần 50 năm, báo cáo việc làm tăng trưởng và thu nhập ổn định đang giữ mức chi tiêu tiêu dùng tăng trưởng, đảm bảo GDP tăng trên 2%/năm. Tuy nhiên, động lực này không đủ để FED lạc quan vào nền kinh tế. Các doanh nghiệp có lẽ sẽ phải cắt giảm việc làm trong bối cảnh nguy cơ suy thoái kinh tế, điều sẽ khiến chi tiêu tiêu dùng giảm nhanh chóng.
Đó là nguyên nhân FED e ngại và sẵn sàng cắt giảm lãi suất ngay cả khi thị trường chứng khoán đạt đỉnh và các dữ liệu kinh tế cho thấy sự ổn định.
Nhìn thấy gì sau quyết định của FED?
Thị trường đang kỳ vọng đợt cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau 10 năm của FED vào tuần tới với mức cắt giảm ít nhất 0,25%. Công cụ FedWatch cho thấy kỳ vọng hạ lãi suất lên tới 0,7% từ nay đến cuối năm. Trong bối cảnh nền kinh tế đang ổn định, sự nới lỏng chính sách tiền tệ của FED dường như mang nhiều ý nghĩa hơn là động thái kích thích tăng trưởng thông thường. Liệu chủ tịch Jerome Powell và các quan chức FED nghĩ gì? Họ sẽ cắt giảm lãi suất chỉ một lần hay tiếp tục các đợt cắt giảm từ nay đến cuối năm?
Ủy ban Thị trường mở FOMC thuộc FED sẽ họp vào hai ngày 30-31.7 tới và quyết định có hay không cắt giảm lãi suất sẽ được công bố tại cuộc họp báo sau đó lúc 14:30 chiều 31.7 (giờ Mỹ). Các nhà kinh tế cần theo dõi điều gì sau khi FED công bố quyết định cuối cùng?
Thứ nhất, đợt cắt giảm lãi suất biên độ lớn ra sao. Hầu hết các nhà kinh tế chờ đợi sự cắt giảm 0,25% lãi suất, nhưng một số khác kỳ vọng cắt giảm tới 0,5%. Seth Carpenter, nhà kinh tế từ UBS cho hay, ông kỳ vọng một chiến lược cắt giảm sâu và sớm hơn trước nguy cơ suy thoái kinh tế.
Thứ hai, quan điểm của FED về triển vọng kinh tế như thế nào? Mỗi chính sách tiền tệ FED đưa ra thường thể hiện quan điểm của họ với triển vọng thị trường. Từ kết quả cuộc họp của FOMC, các nhà kinh tế cần theo dõi xem FED liệu đang lạc quan hay có cái nhìn tiêu cực với dữ liệu kinh tế gần đây? Nếu họ vẫn thấy sự ảm đạm từ thị trường, họ có xu hướng hành động nhiều hơn trong nửa cuối năm.
Thứ ba, FED sẽ liên kết các động thái hiện tại với những bước đi trong tương lai ra sao? Nhiều nhà kinh tế không nghĩ rằng FED sẽ cam kết trước một đợt cắt giảm lãi suất khác trong tháng 9, bởi luôn khó khăn để dập tắt hy vọng thị trường một khi FED cho thấy dấu hiệu cắt giảm lãi suất tiếp theo. Matthew Luzzetti, nhà kinh tế học từ Deutsche Bank Research cho biết chủ tịch FED Jerome Powell sẽ tiến hành đợt cắt giảm lãi suất này như một bảo hiểm cho rủi ro suy thoái kinh tế nghiêm trọng hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc FED duy trì khả năng cắt giảm lãi suất trong các tháng tới nhưng không báo trước sự cắt giảm lãi suất trong tháng 9 này.
Thứ tư, bảng cân đối kế toán của ngân hàng Trung Ương. Các nhà kinh tế đang bất đồng quan điểm trong nhận định về các thay đổi liên quan đến kế hoạch thu hẹp bảng cân đối kế toán của ngân hàng Trung Ương. Đây được xem như một hình thức thắt chặt hậu nới lỏng định lượng. Trước đó, FED dự định sẽ chấm dứt kế hoạch thu hẹp bảng cân đối kế toán vào tháng 9.2019. Trong khi một số nhà kinh tế cho rằng kế hoạch này nên chấm dứt sớm hơn để tạo sự nhất quán chính sách, thì số khác lại nhận định FED vẫn sẽ tiếp tục kế hoạch thắt chặt bảng cân đối kế toán trước đó.
Thứ năm, sự bất đồng quan điểm nội bộ. Những nhà kinh tế đang theo dõi hai luồng ý kiến trái chiều của các quan chức FED về việc cắt giảm lãi suất hay chờ đợi các dấu hiệu tiếp theo của rủi ro suy thoái kinh tế. Chủ tịch FED chi nhánh Kansas Esther George và Chủ tịch Fed chi nhánh Boston Eric Rosengren ủng hộ cách tiếp cận chờ đợi và đánh giá rủi ro. Michael Gapen, nhà kinh tế học tới từ Barclays cho biết hai quan chức FED có quan điểm đối lập không phải điều bất thường, nó từng xảy ra trước kỳ họp của FOMC hồi tháng 12.2017 và tháng 11.2016.