Gelex muốn thâu tóm cổ phần chi phối Viglacera
Đây là một trong những nội dung dự kiến được HĐQT Tổng công ty CP Thiết bị Điện Việt Nam - Gelex trình cổ đông thông qua trong cuộc họp thường niên 2020 diễn ra ngày 18/6 tới đây.
Cụ thể, theo tài liệu cổ đông doanh nghiệp công bố, Gelex dự kiến sẽ cơ cấu lại hoạt động kinh doanh trên nền tảng 2 khối chính gồm sản xuất công nghiệp (cụ thể là sản xuất thiết bị điện và vật liệu xây dựng). Hai là hạ tầng gồm sản xuất điện, nước, khu công nghiệp và hệ sinh thái quanh khu công nghiệp.
Với định hướng chuyển công ty mẹ thành dạng quản lý vốn (holdings), đầu tư trọng tâm vào lĩnh vực công nghiệp và hạ tầng, đặc biệt ngành năng lượng và bất động sản công nghiệp, Gelex nuôi tham vọng trở thành công ty mẹ nắm giữ hàng loạt công ty con hàng đầu trong các lĩnh vực.
Cũng trong năm 2020, công ty này dự kiến tiếp tục hoàn tất các thương vụ đầu tư chiến lược còn đang dang dở.
Trong đó, tập trung mua và sở hữu chi phối cổ phần tại Tổng công ty Viglacera; mua và sở hữu chi phối cổ phần Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh; mua và sở hữu 100% Công ty Dây đồng Việt Nam CFT.
Ở chiều ngược lại, Gelex sẽ thoái vốn khỏi lĩnh vực logistics thông qua việc bán 100% vốn góp tại Công ty TNHH MTV GELEX Logistics. Việc thoái vốn này cũng nhằm mục đích thu xếp nguồn vốn cho các hoạt động đầu tư mua cổ phần tại Viglacera.
Lãnh đạo Gelex cũng đặt mục tiêu đẩy mạnh lĩnh vực đầu tư phát triển khu công nghiệp thông qua Viglacera hoặc trực tiếp phát triển dự án nếu phù hợp và dịch vụ tiện ích xung quanh khu công nghiệp.
Theo doanh nghiệp này, việc phát triển lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp sẽ bao gồm cả hoạt động đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở chuyên gia trong nội khu. Tại các khu vực lân cận khu công nghiệp, dự án nhà ở giá rẻ sẽ được nghiên cứu đầu tư.
Tài liệu cổ đông cũng cho biết Gelex dự kiến phối hợp với Viglacera trong việc phát triển kinh doanh khu công nghiệp và các hạ tầng phụ trợ, chuẩn bị đầu tư khu công nghiệp Tây Ninh giai đoạn 1 (100 ha), khả năng mở rộng giai đoạn 2 (600 ha) và đầu tư vào các khu công nghiệp chuyên dụng cận cảng.
Về kế hoạch kinh doanh năm, lãnh đạo Gelex cho biết, từ đầu năm, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới cả cung và cầu của sản phẩm, ảnh hưởng chuỗi giá trị hàng hóa.
Dịch bệnh có tác động không lớn đến ngành nghề kinh doanh của công ty trừ ngành sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng chịu ảnh hưởng lớn từ sự sụt giảm nhu cầu thị trường.
Tuy vậy, dịch Covid-19 dẫn tới việc hạn chế đi lại giữa các quốc gia khiến quá trình xây dựng nhà máy tại các khu công nghiệp bị gián đoạn, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh và tiến độ thoái vốn của Nhà nước tại Viglacera.
Từ các yếu tố này, Gelex đưa ra 2 kế hoạch kinh doanh năm nay với điều kiện hợp nhất được Viglacera hoặc không trong năm nay.
Nếu hợp nhất được Viglacera từ đầu quý IV, dự kiến tổng doanh thu hợp nhất của Gelex năm nay sẽ là 19.600 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2019. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế hợp nhất chỉ là 975 tỷ, giảm 12%.
Ngoài ra, kế hoạch này cũng bao gồm yếu tố chi phí vốn phục vụ M&A tăng cao trong khi Viglacera chỉ được hợp nhất một quý của năm nay, chi phí khấu hao và lãi vay của các dự án mở rộng đầu tư đã hoàn thành sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận trước thuế của công ty mẹ và đơn vị thành viên.
Trường hợp không hợp nhất được Viglacera trong năm nay, doanh thu mục tiêu của Gelex là 17.500 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 735 tỷ, lần lượt tăng 13% và giảm 33% so với năm 2019.
Trong năm 2019 trước đó, Gelex duy trì vị thế là một trong những doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện lớn nhất thị trường với doanh thu 15.440 tỷ và 1.102 lợi nhuận trước thuế. Kết quả kinh doanh quý I vừa qua của công ty này cũng đạt lần lượt 3.527 tỷ doanh thu và 138 tỷ đồng lãi trước thuế.
Cũng tại đại hội lần này, Gelex dự kiến trình cổ đông thông qua việc cho phép ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT và người có liên quan được mua/nhận chuyển nhượng cổ phiếu GEX dẫn đến tăng tỷ lệ sở hữu tới mức 36% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết mà không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai.