Giá cà phê hai sàn trái chiều, Arabica giảm liên tiếp, giá cà phê nội đi ngang trên diện rộng
Giá cà phê hôm nay 2/5: Cà phê nội tiếp tục đi ngang trên diện rộng
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần cũng là cũng là phiên đầu tháng, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York sụt giảm liên tiếp phiên thứ ba. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 giảm thêm 0,35 cent, xuống 185,60 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 giảm thêm 0,45 cent, còn 182,75 cent/lb, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch dưới mức trung bình.
Trong khi đó, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London không thay đổi, do sàn đóng cửa nghỉ Lễ Lao Động. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 đứng ở mức 2.409 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 đứng ở mức 2.386 USD/tấn.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên vẫn ổn định trong khung 50.900 - 51.500 đồng/kg. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng có mức giá thấp nhất là 50.900 đồng/kg. Tiếp đó là tỉnh Gia Lai với giá cà phê ở mức 51.400 đồng/kg. Hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông giao dịch cà phê ở mức 51.500 đồng/kg - cao nhất trong các địa phương được ghi nhận.
Giá cà phê Arabica tiếp tục suy yếu do sự hồi phục của USDX khiến các Quỹ và đầu cơ vẫn còn đứng bên ngoài thị trường để thăm dò kết quả của đợt tăng lãi suất mới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngay đầu tháng 5.
Lo ngại suy giảm kinh tế toàn cầu là nguyên nhân chính để giá cà phê tiếp tục sụt giảm. Trong khi đó, thị trường đang trông chờ nguồn cung vụ mới năm nay của Brazil vừa bắt đầu thu hoạch sẽ sớm được tung ra thị trường. Theo các nhà quan sát, mức giá cách biệt giữa hai sàn và nhu cầu phối trộn cà phê giá rẻ sẽ giúp Robusta sẽ đứng vững trong ngắn hạn.
Tổng cục Hải quan Việt Nam báo cáo xuất khẩu cà phê nửa đầu tháng 4/2023 đã đạt 81.348 tấn (tương đương 1,355 triệu bao), đưa xuất khẩu cà phê 3,5 tháng đầu năm lên tổng cộng 634.023 tấn, giảm 4,32% so với cùng kỳ năm trước.
Hiệp hội Cà phê Hạt (GCA) ở Mỹ báo cáo tồn kho cuối tháng 3/2023 đã giảm xuống ở 6,1 triệu bao, xấp xỉ mức thấp kể từ tháng 5/2022, trong khi nguồn cung từ các nước sản xuất chính hầu như đã cạn kiệt.
Trong báo cáo mới nhất, Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) dự báo sản lượng cà phê toàn cầu sẽ phục hồi và tăng 1,7% lên mức 171,3 triệu bao trong niên vụ 2022/23. Chủ yếu do sản lượng của Brazil, nhà sản xuất cà phê lớn nhất thế giới tăng theo chu kỳ hai năm một, mặc dù giá phân bón tăng cao và điều kiện thời tiết bất lợi tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất cà phê toàn cầu.
Sau khi giảm 7,2% trong niên vụ trước, sản lượng cà phê Arabica toàn cầu dự kiến tăng 4,6% lên 98,6 triệu bao trong niên vụ 2022-2023. Tỷ trọng cà phê Arabica trong tổng sản lượng cà phê toàn cầu dự kiến tăng lên mức 57,5% từ mức 55,9% của niên vụ 2021-2022.
Sản lượng Robusta dự kiến giảm 2,1% xuống còn 72,7 triệu bao. Điều này kéo theo sản lượng của khu vực châu Á và châu Đại Dương giảm 4,6% so với vụ trước, ở mức 49,7 triệu bao.
Trong khi đó, Nam Mỹ vẫn là khu vực sản xuất cà phê lớn nhất thế giới với sản lượng dự báo vào khoảng 82,4 triệu bao, tăng 6,2% so với niên vụ 2021-2022. Trước đó, sản lượng của khu vực đã giảm 7,6% trong niên vụ 2021-2022, mức sụt giảm lớn nhất trong gần 20 năm.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, thị trường đang lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Tính đến cuối quý I, tồn kho đạt chuẩn của sàn ICE London giảm thêm 800 tấn xuống mức 75.500 tấn. tồn kho Arabica được chứng nhận trên sàn New York giảm 6,7% so với tháng trước xuống 800.000 bao.
Trong quý I, yếu tố thời tiết không thuận lợi tại Brazil và báo cáo tồn kho giảm đã tác động tích cực lên thị trường cà phê thế giới. Trong khi đó, lượng tồn kho xuống thấp sau hai vụ mùa yếu kém khiến người nông dân không muốn bán ra ở mức giá hiện tại.
Trong bối cảnh này, các thương nhân quốc tế đang cố gắng tìm kiếm nguồn cung cà phê tại các nước sản xuất khác với mức giá gần với giá tương lai trên sàn New York.
Sản lượng niên vụ cà phê năm nay của Việt Nam cũng được dự báo giảm. Theo Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (VICOFA), sản lượng niên vụ 2022 - 2023 dự kiến giảm khoảng 10 - 15% so với niên vụ 2021 - 2022 xuống khoảng 1,47 triệu tấn. Nguyên nhân chủ yếu đến từ diện tích trồng cà phê có xu hướng giảm do người dân chuyển sang các cây trồng khác có hiệu quả hơn như sầu riêng, bơ, hoặc trồng xen canh trong vườn.
Với Colombia, sản lượng lượng cà phê trong tháng đầu năm 2023 đã không ghi nhận tăng trưởng sau 4 tháng sụt giảm liên tiếp. Điều này khiến tổng sản lượng cà phê trong 12 tháng tính đến tháng 1/2023 của nước này giảm 10% xuống 11 triệu bao.
Còn tại Peru, tác động tiêu cực của thời tiết đối với sản xuất và xuất khẩu đã được đề cập trong các báo cáo gần đây. Mặt khác, tình hình chính trị bất ổn cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu cà phê của nước này.
Thống kê của ICO cho thấy, sau mức tăng trưởng khiêm tốn 0,6% của niên vụ 2020-2021, tiêu thụ cà phê toàn cầu đã tăng 4,2% trong niên vụ 2021-2022 lên 175,6 triệu bao. Sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế thế giới cùng với nhu cầu bị dồn nén trong những năm đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong niên vụ 2021-2022.
Trong niên vụ 2022-2023, tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc cùng với lạm phát tăng cao được cho là sẽ kìm hãm nhu cầu tiêu thụ cà phê thế giới.
Do đó, ICO dự báo tăng trưởng tiêu thụ cà phê toàn cầu sẽ chậm lại trong niên vụ 2022-2023, với mức tăng 1,7% lên 178,5 triệu bao. Trong đó, tiêu thụ cà phê của châu Âu được dự báo chỉ tăng 0,1% trong niên vụ 2022-2023 sau khi tăng 6% trong niên vụ trước.
Mặc dù vậy, thị trường cà phê toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục thâm hụt trong năm thứ hai liên tiếp, với mức thâm hụt 7,3 triệu bao trong niên vụ 2022-2023.