Giá cà phê hai sàn tiếp tục trái chiều, cà phê nội ổn định cao nhất 51.500 đồng/kg
Giá cà phê hôm nay 1/5: Cà phê nội ổn định, cao nhất 51.500 đồng/kg
Theo ghi nhận, giá cà phê trên thị trường thế giới biến động không đồng nhất. Cụ thể, giá cà phê trực tuyến Robusta tại London giao tháng 5/2023 được ghi nhận tại mức 2.409 USD/tấn sau khi tăng 0,17% (tương đương 4 USD).
Giá cà phê Arabica giao tháng 5/2023 tại New York đạt mức 185,95 US cent/pound sau khi giảm 1,20% (tương đương 2,25 US cent) tại thời điểm khảo sát vào lúc 15h06 (giờ Việt Nam).
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên hôm nay không ghi nhận biến động mới. Các địa phương đang thu mua cà phê với giá trong khoảng 50.900 - 51.500 đồng/kg. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng có mức giá thấp nhất là 50.900 đồng/kg. Kế đến là hai tỉnh Đắk Nông và Gia Lai với 51.400 đồng/kg. Cùng thời điểm khảo sát, tỉnh Đắk Lắk giao dịch ở mức 51.500 đồng/kg. Đây là mức giao dịch cao nhất trong các địa phương được ghi nhận.
Tuần qua, giá cà phê thế giới trên sàn kỳ hạn tiếp tục tăng tốt, bởi có những phiên bật tăng rất mạnh, có lúc lên đứng ở mức cao 11 năm, khi tiệm cận ngày thông báo đầu tiên (FND) tại London. Một số yếu tố ảnh hưởng đến giá cà phê Robusta tuần qua là đầu cơ đẩy giá để bán hàng giao ngay, lo ngại xuất khẩu Robusta từ Việt Nam sụt giảm, ngoài ra suy thoái kinh tế toàn cầu khiến người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu khiến loại cà phê giàu vị đắng như Robusta trở nên hấp dẫn hơn.
Giá cà phê kỳ hạn trở lại xu hướng trái chiều vào phiên kết tuần qua. Giá cà phê Arabica tiếp tục sụt giảm khi đầu cơ dịch chuyển dòng vốn.
Trong 4 tháng qua giá cà phê Việt Nam tăng 32%. Tính đến ngày 29/4, giá cà phê thiết lập kỷ lục mới khi vượt ngưỡng 51.000 đồng/kg. Trước đó, kỷ lục cũ là 50.800 được ghi nhận hồi tháng 8/2022.
Báo cáo mới đây của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) dự báo thị trường cà phê toàn cầu niên vụ 2022-2023 sẽ tiếp tục thâm hụt trong năm thứ hai liên tiếp, với mức thâm hụt 7,3 triệu bao trong niên vụ 2022-2023. Trong đó, sản lượng Robusta dự kiến giảm 2,1% xuống còn 72,7 triệu bao. Điều này kéo theo sản lượng của khu vực châu Á và châu Đại Dương giảm 4,6% so với vụ trước, ở mức 49,7 triệu bao.
Sản lượng niên vụ cà phê năm nay của Việt Nam cũng được dự báo giảm. Theo Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (VICOFA), sản lượng niên vụ 2022 - 2023 dự kiến giảm khoảng 10 - 15% so với niên vụ 2021 - 2022 xuống khoảng 1,47 triệu tấn. Nguyên nhân chủ yếu đến từ diện tích trồng cà phê có xu hướng giảm do người dân chuyển sang các cây trồng khác có hiệu quả hơn như sầu riêng, bơ, hoặc trồng xen canh trong vườn.
VICOFA cho biết thêm nguyên nhân của việc giá cà phê trong nước ở mức cao trong khi xuất khẩu giảm là do doanh nghiệp khó khăn trong mua hàng. Hiện tại, việc thu hoạch đã hoàn tất tuy nhiên người dân vẫn giữ hàng không bán ra, chờ giá lên cao khiến doanh nghiệp không thể mua. Cùng lúc, năm nay sức mua của đa số doanh nghiệp xuất khẩu cà phê yếu do nguồn vốn eo hẹp trong bối cảnh lãi suất khá cao và biến động tỷ thất thường.
Được biết, giá cà phê nội địa trong quý I tăng khoảng 25% so với thời điểm cuối năm 2022 và tăng khoảng 17% so với cùng kỳ năm ngoái lên khoảng 48.600 - 49.000 đồng/kg.
Giới chuyên gia dự báo rằng, giá cà phê trong thời gian tới sẽ còn biến động mạnh và chịu ảnh hưởng bởi giá cà phê thế giới. Tuy nhiên, đà tăng giá cà phê có thể chững lại do giá cà phê thế giới có thể chạm ở ngưỡng cản. Bên cạnh đó, có thể thấy nhu cầu cà phê trong ngắn hạn đang khá yếu. Điều này khó tạo động lực tăng giá bền vững.
Đối với việc xuất khẩu, tình trạng găm hàng vẫn diễn ra trong khi giá nội địa ở mức cao, nhu cầu ở thị trường nước ngoài thấp. Điều này tạo rủi ro cho các công ty xuất khẩu. Do đó, các đơn hàng ký kết cho những tháng tới cũng cũng sẽ bị ảnh hưởng. Tâm lý dè dặt của doanh nghiệp vẫn còn.
Về dài hạn, một số doanh nghiệp xuất khẩu cho rằng nhu cầu hạt cà phê trong năm nay sẽ phục hồi, thậm chí cao hơn năm 2022. Đặc biệt, nếu thị trường Brazil tiếp tục bị ảnh hưởng bởi tình hình thời tiết xấu thì giá sẽ có thể bằng với cao của năm ngoái thậm chí hơn.