Giá cà phê hai sàn trái chiều, cà phê nội quay đầu giảm 100 đồng/kg
Giá cà phê ngày 24/01/2023: Hai sàn có xu hướng trái chiều
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London điều chỉnh giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 giảm 3 USD, xuống 1.941 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 giảm 1 USD, còn 1.908 USD/tấn, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York duy trì xu hướng tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 tăng thêm 3,75 cent, lên 158,55 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 tăng thêm 3,40 cent, lên 159,15 cent/lb, các mức tăng khá mạnh. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên hôm nay giảm 100 đồng, xuống dao động trong khung 40.500 - 41.100 đồng/kg. Trong đó, mức giá thấp nhất là 40.500 đồng/kg tại tỉnh Lâm Đồng. Sau điều chỉnh, ba tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông đang có cùng mức giá 41.100 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta London điều chỉnh giảm do thương mại tại thị trường Việt Nam đang trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày. Theo các nhà quan sát, thị trường Robusta London có khả năng sẽ còn suy yếu do nhà đầu tư tiếp tục thanh lý vị thế ròng trước lo ngại Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất USD khi lạm phát vẫn còn ở mức cao, cho nên lãi suất 4,75 – 5,0%/năm chưa thể là mức trần. Trong khi đó Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết họ sẽ tiếp tục nâng lãi suất đồng Euro và thời điểm để giảm tốc độ tăng lãi suất “vẫn còn rất xa”.
Có thể thấy luận điểm của quan chức ECB hoàn toàn trái ngược với Fed vào lúc này.
Kết quả khảo sát lần 1 của Công ty Cung ứng và Dự báo Nông sản Quốc gia (Conab) về sản lượng cà phê của Brazil năm 2023 sẽ khoảng 54,94 triệu bao, cao hơn 7,9% so với sản lượng thu hoạch trong năm 2022 là 50,9 triệu bao.
Trong năm 2022, mặt bằng giá cà phê toàn cầu có xu hướng phục hồi mạnh trở lại so với năm 2021, nhất là trong giai đoạn thiếu hụt nguồn cung. Tuy nhiên tới quý IV, giá cà phê giảm mạnh do chịu tác động bởi lãi suất tăng cao và tình hình suy thoái kinh thế giới.
Trong năm qua, tình hình sản xuất cà phê của Việt Nam ổn định. Mặc dù giữa vụ, một số tổ chức dự báo sản lượng cà phê Việt Nam sẽ giảm khoảng 10% so với niên vụ 2020 – 2021 (từ 1/10/2020 đến 30/9/2021) do ảnh hưởng tiêu cực bởi biến đổi khí hậu, chi phí trồng tăng cao khiến người nông dân ít đầu tư, tuy nhiên, thực tế sản lượng cà phê không thay đổi.
Năm 2022, mùa mưa bắt đầu sớm hơn so với các năm trước giúp cây cà phê ra hoa và phát triển tốt. Điều kiện thời tiết ẩm ướt hơn bình thường giúp giảm chi phí tưới tiêu cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, giá phân bón đã tăng tới 70% trong năm 2022. Điều này khiến cho người trồng cà phê giảm sử dụng phân bón, dẫn đến năng suất và sản lượng dự kiến sẽ thấp hơn.
Hiệp hội Cà phê - Cacao (VICOFA) cho biết sản lượng cà phê niên vụ 2021 - 2022 (từ 1/10/2021 đến 30/9) ước tính khoảng 1,73 triệu tấn, thay đổi không đáng kể so với niên vụ trước đó. Tổng diện tích trồng không đổi, khoảng 600.000 ha. Năm 2022, năng suất cà phê khoảng 28,2 tạ/ha, đây cũng là mức cao nhất kể từ ít nhất năm 2005, theo số liệu của Cục Trồng trọt.
Thời tiết thuận lợi, mưa đúng thời điểm trong giai đoạn gieo trồng, ra hoa, thu hái nên chất lượng tốt, đồng đều, tỉ lệ hạt trên sàn cao. Theo Bộ NN&PTNT ngành cà phê Việt Nam đã phát triển vượt bậc cả về diện tích, năng suất, sản lượng, từng bước xây dựng công nghiệp chế biến cà phê hiện đại, đa dạng sản phẩm, phù hợp thị hiếu thị trường. Nhiều tiến bộ đã được áp dụng vào sản xuất như: giống mới, kỹ thuật thâm canh, tưới nước tiết kiệm, trồng xen, thiết kế cảnh quan, sơ chế, bảo quản, sản xuất có chứng nhận và nhất là tái canh cà phê đã góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê.
Việt Nam đã hình thành công nghiệp chế biến cà phê nhân xuất khẩu, cà phê rang xay, cà phê hòa tan và hệ thống kho bảo quản 2,36 triệu tấn/năm. Đưa cà phê Việt Nam hướng tới phát triển bền vững, Bộ NN&PTNT đã tham mưu xây dựng và triển khai một số chính sách hỗ trợ phát triển như: Đề án phát triển cà phê bền vững, Đề án tái canh cà phê, Đề án sản phẩm quốc gia “Cà phê Việt Nam chất lượng cao”, thành lập Ban chỉ đạo tái canh cà phê, Ban Điều phối ngành hàng cà phê Việt Nam.
Để sản xuất cà phê bền vững, nhiều địa phương đã phát triển trồng xen cà phê với các loại cây trồng khác như bơ, điều, sầu riêng… cho lợi nhuận trồng thêm từ hàng chục tới hàng trăm triệu đồng mỗi ha. Cùng với đó, nhiều cơ sở, đơn vị đã tích cực đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể được bảo hộ, nhãn hiệu chứng nhận được bảo hộ. Ngoài ra, việc xây dựng mã số vùng trồng đang được ngành nông nghiệp triển khai ở các địa phương.
Trong năm 2022, hoạt động tiêu thụ cà phê cũng tăng vọt, nhất là về cả giá trị lẫn số lượng. Có thời điểm mặc dù lượng cà phê xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giá trị lại tăng cao nhờ giá xuất khẩu tăng. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,8 triệu tấn cà phê ra thị trường thế giới trong năm 2022 với kim ngạch thu về hơn 4 tỷ USD, tăng 13,8% về lượng và tăng 32% về trị giá so với năm 2021. Đây là khối lượng xuất khẩu cao nhất của ngành cà phê trong 4 năm qua và giá trị kim ngạch cao nhất từ trước tới nay.
Trong năm qua, xuất khẩu cà phê tăng trưởng mạnh mẽ nhờ nhu cầu phục hồi trở lại sau đại dịch Covid-19 và giá cà phê tăng cao trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu thắt chặt do mất mùa và ách tắc chuỗi cung ứng tại một số nước sản xuất lớn như Brazil, Colombia. Mặt khác, sự gia tăng xuất khẩu cũng được hỗ trợ bởi nguồn cung container và tàu được cải thiện.
Tuy nhiên, giai đoạn từ tháng 4/2022 đến tháng 9/2022, lượng xuất khẩu cà phê có xu hướng giảm do người dân chỉ bán với mức giá cao, trừ lùi co lại. Một số tháng cuối vụ, Việt Nam còn chịu cạnh tranh từ hàng Robusta của Indonesia được chào bán với mức trừ lùi thấp hơn. Điều này khiến giá nội địa tăng thêm 20% bất chấp giá bán trên sàn London giảm.
Theo VICOFA, các nhà xuất khẩu đã có hợp đồng giao hàng buộc phải mua nội địa giá cao. Một số doanh nghiệp do không mua được nên phải xin giao hàng trễ qua tháng 10, 11. Nhiều nhà xuất khẩu nhận khiếu nại về độ ẩm bị trả hàng hoặc phải đền bù chi phí.
Về thị trường xuất khẩu, năm 2022 lượng cà phê xuất khẩu sang một số thị trường chính có xu hướng tăng so với năm 2021 như Nga tăng 26,5%, Anh tăng gần 40%, đặc biệt Ấn Độ tăng 123,5%, Mexico tăng 18 lần. Mặc dù vậy, sự sụt giảm ghi nhận ở các thị trường như Mỹ (-3,5%), Nhật Bản (-2,5%), Trung Quốc (-19,3%)…
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm khoảng 39% khối lượng xuất khẩu. Xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường này trong năm 2022 đạt 689.049 tấn, trị giá gần 1,5 tỷ USD, tăng 25,8% về lượng và tăng 45,4% về trị giá so với năm 2021. Thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam trong khu vực EU gồm Đức (đạt 224.723 tấn, giảm 0,9%); Italy (đạt 139.271 tấn, tăng 8,5%); Bỉ (đạt 121.865 tấn, tăng 101,5%); Tây Ban Nha (đạt 114.024 tấn, tăng 71,7%)...
Nhu cầu của thị trường EU tăng cao là yếu tố quan trọng góp phần đưa ngành cà phê Việt Nam tiến đến kỷ lục xuất khẩu hơn 4 tỷ USD trong năm 2022. Thời gian qua, lạm phát tăng cao tại khu vực nhưng xuất khẩu cà phê sang EU vẫn tăng trưởng tốt. Trong tháng 12 năm ngoái xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang này đã tăng tháng thứ hai liên tiếp, với mức tăng 54,6% so với cùng kỳ năm 2021 lên mức 72.081 tấn. Lạm phát khiến người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu và tìm đến các sản phẩm có giá rẻ hơn. Điều này thúc đẩy các nhà rang xay trong khu vực gia tăng nhập khẩu cà phê robusta có giá thấp hơn Arabica. Đây được cho là cơ hội đối với ngành cà phê Việt Nam với vai trò là quốc gia sản xuất Robusta số một thế giới.
Bên cạnh đó, lợi thế thuế quan từ Hiệp định EVFTA cũng mang lại động lực lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu cà phê vào thị trường này. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU hiện nay là các yêu cầu về chất lượng, tính bền vững đối với các sản phẩm ngày càng gia tăng. Mới đây nhất, ngày 6/12/2022, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, EU đã đạt thỏa thuận cấm nhập khẩu một số sản phẩm được xem là yếu tố chính thúc đẩy phá rừng, trong đó có cà phê. Cùng với thị trường EU, việc Trung Quốc mở cửa biên giới và dỡ bỏ cách ly sau khi hạ mức độ kiểm soát Covid-19 từ ngày 8/1/2022 cũng là cơ hội cho xuất khẩu cà phê của Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng vào thị trường này trong thời gian tới.
Năm 2022, giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2022 ghi nhận mức cao nhất trong nhiều năm qua với bình quân 2.282 USD/tấn, tăng 16% so với năm 2021.
Thị trường cà phê trong nước cũng biến động mạnh trong năm 2022, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên duy trì quanh mức 40.000 – 44.000 đồng/kg trong 7 tháng đầu năm, sang đến tháng 8 giá tăng vọt lên gần 51.000 đồng/kg, sau đó biến động theo xu hướng giảm trong các tháng tiếp theo. Tính đến ngày 31/12, giá cà phê nhân xô tại tỉnh Lâm Đồng giá chỉ còn 38.600 đồng/kg; các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Gia Lai dao động ở mức 39.200 – 39.300 đồng/kg, giảm hơn 22% so với mức đỉnh đạt được vào cuối tháng 8 và giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2021. Nguồn cung cà phê được bổ sung từ vụ thu hoạch 2022-2023 và triển vọng kém khả quan của nền kinh tế toàn cầu được cho là những yếu tố chính gây áp lực giảm giá lên thị trường trong thời gian gần đây.
Nếu tính theo niên vụ, giá cà phê niên vụ 2021 - 2022 tăng đáng kể so với trung bình 5 năm trở lại đây. Theo đó, giá cà phê nội địa trung bình trong niên vụ 2021 - 2022 khoảng 43.500 đồng/kg tăng 25% so với vụ trước và tăng 17% so với trung bình 5 năm.
Theo báo cáo mới đây của USDA, sản lượng cà phê toàn cầu dự báo tăng 6,6 triệu bao so với niên vụ trước lên 172,8 triệu bao trong niên vụ 2022-2023. Tiêu thụ cà phê toàn cầu dự báo chỉ tăng hơn 800.000 bao lên 167,9 triệu bao. Như vậy, nguồn cung cà phê thế giới sẽ vượt nhu cầu khoảng 4,8 triệu bao trong niên vụ 2022-2023. Điều này đồng nghĩa, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong thời gian tới sẽ khó khăn hơn khi dư cung.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2022-2023 được dự báo giảm 1,5 triệu bao, xuống còn 24,5 triệu bao. Nhiều doanh nghiệp trong ngành cho rằng lượng cà phê xuất khẩu trong niên vụ 2022 - 2023 dự kiến giảm mạnh so với niên vụ trước do hàng tồn kho từ vụ 2021 - 2022 sang ước tính không đánh kể. Trong khi đó, sản lượng niên vụ cà phê năm nay cũng được dự báo giảm.
Theo VICOFA, sản lượng niên vụ 2022 - 2023 dự kiến giảm khoảng 10 - 15% so với niên vụ 2021 - 2022 xuống khoảng 1,47 triệu tấn. Nguyên nhân chủ yếu đến từ diện tích trồng cà phê có xu hướng giảm do người dân chuyển sang các cây trồng khác có hiệu quả hơn như sầu riêng, bơ, hoặc trồng xen canh trong vườn.
Mặc dù vậy, tỷ lệ hàng đạt tiêu chuẩn về tỷ lệ nhiễm thuốc Glyphosate của cà phê Việt Nam được đánh giá ở mức tốt là lợi thế cạnh tranh chính so với Robusta Brazil. Hiện Liên minh châu Âu đang cảnh báo sẽ tiếp tục siết trong trong các năm tiếp theo. Bên cạnh đó, cước tàu đi châu Âu và Mỹ cũng đang giảm mạnh và bình ổn so với năm 2020 - 2021. Ngoài ra, việc Trung Quốc mở cửa và phục hồi nền kinh tế cũng sẽ là động lực lớn cho xuất khẩu cà phê trong thời gian tới, bù đắp sự sụt giảm của những thị trường chính khác.