Giá cà phê kỳ hạn rơi vào thế bất lợi, cà phê nội cũng quay đầu giảm mạnh

24/05/2023 14:56 GMT+7
Bế tắc trong đàm phán nợ công ở Mỹ khiến chỉ số đồng USD tăng cao, đẩy giá cả hàng hóa nói chung, cà phê nói riêng vào thế bất lợi. Giá cà phê hôm nay (24/5) tại thị trường trong nước cũng quay đầu giảm 700 đồng/kg. Theo đó, mức giao dịch thấp nhất trong các địa phương là 60.000 đồng/kg...

Giá cà phê hôm nay 24/5: Giá cà phê trong nước giảm 700 đồng/kg

Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đảo chiều giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 giảm 72 USD, xuống 2.557 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 giảm 62 USD, còn 2.510 USD/tấn, các mức giảm khá. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình. 

Giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cũng cùng xu hướng giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 giảm thêm 1,75 cent, xuống 187,45 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 giảm thêm 1,70 cent, còn 185,20 cent/lb, các mức giảm đáng kể. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.

Giá cà phê kỳ hạn rơi vào thế bất lợi, cà phê nội cũng quay đầu giảm mạnh - Ảnh 1.

Giá cà phê trực tuyến sàn London, New York, BMF Cập nhật: 24/05/2023 lúc 14:18:01 (delay 10 phút)

Giá cà phê kỳ hạn rơi vào thế bất lợi, cà phê nội cũng quay đầu giảm mạnh - Ảnh 2.

Giá cà phê trực tuyến sàn London, New York, BMF Cập nhật: 24/05/2023 lúc 14:18:01 (delay 10 phút)

Giá cà phê kỳ hạn rơi vào thế bất lợi, cà phê nội cũng quay đầu giảm mạnh - Ảnh 3.

Giá cà phê nhân hôm nay 24/05/2023 tại các tỉnh Tây Nguyên giảm 700 đồng, xuống dao động trong khung 60.000 - 60.600 đồng/kg.

Giá cà phê nhân hôm nay 24/05/2023 tại các tỉnh Tây Nguyên giảm 700 đồng, xuống dao động trong khung 60.000 - 60.600 đồng/kg. Cụ thể, tỉnh Lâm Đồng có mức giá thấp nhất là 60.000 đồng/kg. Kế đến là tỉnh Gia Lai với giá 60.300 đồng/kg. Cùng thời điểm khảo sát, tỉnh Đắk Lắk ghi nhận mức giao dịch là 60.400 đồng/kg. Trong khi đó, 60.600 đồng/kg là giá thu mua cao nhất trong các địa phương, được ghi nhận tại Đắk Nông.

Giá cà phê kỳ hạn quay đầu sụt giảm là điều được thị trường suy đoán do đã tăng quá nóng cần có những nhịp chỉnh cần thiết để củng cố.

Hiệp hội Cà phê Pesquisa, một tổ chức tư nhân ở Brazil khẳng định sản lượng cà phê thế giới niên vụ 2022/2023 ước đạt 171,3 triệu bao, tăng 1,7% so với niên vụ trước, trong khi tiêu thụ toàn cầu sẽ ở mức tăng tương ứng lên ở 175,6 triệu bao và do đó thị trường cà phê toàn cầu sẽ có thêm một niên vụ thiếu hụt nguồn cung cà phê nữa, khoảng 7,3 triệu bao. Theo họ, dữ liệu này vốn đã có trong báo cáo thương mại tháng 4 của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO).

Điều đáng lưu ý trong báo cáo này là tăng trưởng tiêu thụ cà phê toàn cầu chỉ 1,7%, thấp hơn đáng kể so với mức tăng bình quân 2%/năm của ICO đưa ra.

Giá cà phê kỳ hạn sụt giảm sau khi USDX tăng lên mức cao 2 tháng và chứng khoán Mỹ đảo chiều sụt giảm do lo ngại trần nợ công của Mỹ đi vào bế tắc với tuyên bố của thành viên Đảng Cộng hòa về sự chậm chạp trong các cuộc thảo luận. Tỷ giá đồng Reais vẫn dao động ở mức 1 USD = 4,9710 R$ tiếp tục hỗ trợ người Brazil bán cà phê xuất khẩu.

Sản lượng niên vụ cà phê năm nay của Việt Nam cũng được dự báo giảm. Theo Hiệp hội Cà phê – Cacao Việt Nam (VICOFA), sản lượng niên vụ 2022 - 2023 dự kiến giảm khoảng 10 - 15% so với niên vụ 2021 - 2022 xuống khoảng 1,47 triệu tấn. Nguyên nhân chủ yếu đến từ diện tích trồng cà phê có xu hướng giảm do người dân chuyển sang các cây trồng khác có hiệu quả hơn như sầu riêng, bơ, hoặc trồng xen canh trong vườn.

Một cuộc khảo sát mới đây cho thấy, vụ thu hoạch của Việt Nam đã giảm hơn 7% so với năm trước xuống còn 1,67 triệu tấn. Một số doanh nghiệp cho biết, sản lượng thực tế thấp hơn so với dự báo. Người nông dân đang đầu tư ít hơn vào trồng cà phê vì họ chuyển sang trồng sầu riêng và các trái cây khác có lợi nhuận cao hơn. 

Vụ thu hoạch năm nay giảm do yếu tố mùa vụ theo chu kỳ sản xuất. Chi phí phân bón tăng và sự bùng nổ của thị trường bất động sản vào đầu năm ngoái, khiến một số người trồng cà phê không còn canh tác. Trong khi đó, nhu cầu đối với cà phê robusta đang tăng lên do người tiêu dùng đang tìm kiếm các lựa chọn rẻ hơn để đối phó với lạm phát cao. Vụ mùa giảm và nhu cầu mạnh đã thúc đẩy giá cà phê trong nước tăng vọt. Nông dân đã bán hơn 85% sản lượng cà phê và xuất khẩu đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong tháng 4/2023 đạt 5,11 nghìn tấn, trị giá 15,02 triệu USD, giảm 8,6% về lượng và giảm 9,9% về trị giá so với tháng 3/2023, so với tháng 4/2022 giảm 12,2% về lượng và giảm 22,1% về trị giá. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của nước ta sang thị trường Trung Quốc đạt 13,42 nghìn tấn, trị giá 40,38 triệu USD, giảm 7,4% về lượng và giảm 9,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Dự báo giá cà phê trong nước sẽ còn ở mức cao trong dài hạn do nguồn cung suy giảm khi diện tích bị co hẹp. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, giá cà phê có thể chịu áp lực điều chỉnh sau thời gian dài tăng giá liên tục và một phần ảnh hưởng bởi giá cà phê giới. Như đã phân tích ở trên, giá cà phê thế giới thời gian tới có thể giảm khi chạm ngưỡng kháng cự mạnh và áp lực lực lãi suất cao khiến dòng tiền đầu cơ không nhiều. 

Các chuyên gia cho rằng giá cà phê nội địa trong năm nay có thể chạm mốc 70.000 đồng/kg. Tình hình tiêu thụ cà phê Việt Nam được cho là sẽ khả quan hơn từ quý II. Cục Xuất nhập khẩu mới đây dự báo quý II, xuất khẩu cà phê của Việt Nam có khả năng sẽ phục hồi trở lại nhờ nhu cầu tiêu thụ cà phê của khu vực châu Âu tăng. Giá cà phê Robusta duy trì ở mức cao do nguồn cung hạn chế. 





Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục