Giá cà phê tiếp tục tăng, cà phê nội vượt ngưỡng 61.000 đồng/kg
Giá cà phê hôm nay 23/5: Giá cà phê trong nước vượt ngưỡng 61.000 đồng/kg
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp nối xu hướng tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 tăng thêm 41 USD, lên 2.629 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 tăng thêm 42 USD, lên 2.572 USD/tấn, các mức tăng khá. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York đảo chiều sụt giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 giảm 2,80 cent, xuống 189,20 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 giảm 2,40 cent, còn 186,90 cent/lb, các mức giảm rất đáng kể. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng cao nhất 1.000 đồng/kg, lên dao động trong khung 60.700 - 61.300 đồng/kg. Cụ thể, tỉnh Lâm Đồng có mức giá thấp nhất là 60.700 đồng/kg, tăng 900 đồng/kg. Kế đến là tỉnh Gia Lai với giá 61.000 đồng/kg sau khi tăng 900 đồng/kg. Cùng thời điểm khảo sát, tỉnh Đắk Lắk ghi nhận mức giao dịch là 61.100 đồng/kg, tăng 900 đồng/kg. Tỉnh Đắk Nông thu mua cà phê với giá 61.300 đồng/kg - cao nhất trong các địa phương, sau khi tăng 1.000 đồng/kg.
Giá cà phê kỳ hạn trở lại xu hướng trái chiều, tăng ở London và giảm ở New York sau khi có thêm các thông tin cơ bản hỗ trợ.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ phận Nông nghiệp Nước ngoài (FAS) trực thuôc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), ước sản lượng Robusta của Indonesia trong niên vụ cà phê 2023/2024 sẽ giảm 18% so với niên vụ trước, xuống ở mức 9,7 triệu bao, mức thấp nhất trong 10 năm do mưa quá nhiều và sản lượng Arabica của Colombia trong niên vụ cà phê 2023/2024 sẽ tăng 2% so với niên vụ trước, lên ở mức 11,6 triệu bao do cây trồng phát triển thuận lợi.
Báo cáo tồn kho ICE – London ngày thứ hai đầu tuần 22/05 đã giảm 200 tấn, tức giảm 0,24% so với ngày trước đó, xuống ở mức 82.610 tấn, ghi nhận sự sụt giảm lần thứ 2 liên tiếp trong vòng một tuần qua, trong khi nguồn cung Robusta tại các nước sản xuất hàng đầu vẫn còn căng thẳng.
Mặt khác, USDX sụt giảm 0,5% giá trị trong phiên đầu tuần do lo ngại trần nợ công ở Mỹ đã hỗ trợ các tiền tệ mới nổi gia tăng sức mua hàng hóa nói chung.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), 4 tháng năm 2023, khối lượng xuất khẩu cà phê đạt 753 nghìn tấn, giá trị xuất khẩu đạt 1.702 triệu USD. So với 4 tháng năm 2022, khối lượng xuất khẩu tăng 1,8%, giá trị xuất khẩu tăng 2,5%.
Về cơ cấu cà phê xuất khẩu, 3 tháng năm 2023, cà phê chưa rang chưa khử cafein chiếm 84%; cà phê tan chiếm 10%, cà phê chưa rang đã khử cafein chiếm 2%,… Về cơ cấu thị trường xuất khẩu cà phê, 3 tháng năm 2023, thị trường Đức chiếm 13%, Italia chiếm 9%, Mỹ 7%, Nhật Bản 6%,…
Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) tiêu thụ cà phê toàn cầu sẽ khoảng 178,5 triệu bao, trong khi nguồn cung cà phê toàn cầu ước tính chỉ khoảng 171,3 triệu bao. Do đó, thị trường cà phê thế giới sẽ thiếu hụt 7,27 triệu bao.
Dự báo tốc độ tăng giá cà phê thế giới sẽ chậm lại do lo ngại lạm phát ở châu Âu và lãi suất ở Mỹ sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng khiến mức tiêu thụ cà phê sẽ giảm.
Trong khi đó, giá cà phê trong nước tăng mạnh làm sức mua của đa số doanh nghiệp xuất khẩu cà phê yếu đi do nguồn vốn thiếu trong bối cảnh lãi suất vẫn ở mức cao và biến động tỷ giá thất thường.
Đáng chú ý, thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc giảm từ 23,96% trong quý I/2022 xuống còn 13,9% trong quý I/2023.
Cụ thể: Theo số liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu cà phê của nước này trong quý I/2023 đạt xấp xỉ 23,25 nghìn tấn, trị giá 135,17 triệu USD, tăng 24,5% về lượng và tăng 29,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Cơ cấu chủng loại: Quý I/2023, Trung Quốc nhập khẩu chủ yếu cà phê chưa rang hoặc chưa khử caffein (HS 0901.11.00), tỷ trọng chiếm 85,86% tổng lượng, đạt 19,92 nghìn tấn, trị giá 88,72 triệu USD, tăng 40,5% về lượng và tăng 70% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngược lại, Trung Quốc giảm nhập khẩu cà phê rang, chưa khử caffein (HS 0901.21.00) và cà phê rang, đã khử caffein (HS 0901.22.00), mức giảm lần lượt 26,7% và 18,6% về lượng, xét về trị giá giảm 11% và 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Diễn biến giá: Tháng 3/2023, giá nhập khẩu bình quân cà phê của Trung Quốc đạt mức 5.632 USD/tấn, giảm 8,4% so với tháng 2/2023, nhưng tăng 21,2% so với tháng 3/2022. Tính chung quý I/2023, giá nhập khẩu bình quân cà phê của Trung Quốc đạt mức 5.814 USD/tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cơ cấu nguồn cung: Quý I/2023, Trung Quốc nhập khẩu cà phê từ 57 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, Trung Quốc nhập khẩu cà phê chủ yếu từ các nguồn cung Brazil, Ethiopia, Việt Nam, Columbia, Malaysia.
Quý I/2023, Trung Quốc nhập khẩu cà phê từ Brazil đạt 7,43 nghìn tấn, trị giá 28,07 triệu USD, tăng 336,7% về lượng và tăng 322,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Thị phần cà phê của Brazil trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc tăng mạnh, từ 9,12% trong quý I/2022 lên tới 31,97% trong quý I/2023.
Ngược lại, Trung Quốc giảm nhập khẩu cà phê từ Việt Nam trong quý I/2023, mức giảm 33,0% về lượng và giảm 31,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, đạt xấp xỉ 3 nghìn tấn, trị giá 6,66 triệu USD. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc giảm từ 23,96% trong quý I/2022 xuống còn 13,9% trong quý I/2023.