Giá cà phê phiên cuối tuần trở lại xu hướng tiêu cực
Giá cà phê hôm nay 4/3: Khu vực Tây Nguyên giảm 300 đồng/kg
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đảo chiều giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 giảm 18 USD, xuống 2.162 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 giảm 16 USD, còn 2.1650 USD/tấn, các mức giảm rất đáng kể. Khối lượng giao dịch dưới mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York sụt giảm liên tiếp phiên thứ bảy. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 giảm thêm 4,35 cent, xuống 177,85 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 giảm thêm 4,20 cent, còn 177,20 cent/lb, các mức giảm mạnh. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm 300 – 400 đồng, xuống dao động trong khung 47.600 - 48.000 đồng/kg. Trong đó, mức giá thấp nhất là 47.600 đồng/kg được ghi nhận tại tỉnh Lâm Đồng.Hai tỉnh Gia Lai và Đắk Nông cùng điều chỉnh giảm giá thu mua về mốc 47.900 đồng/kg. Tương tự, giá cà phê tại tỉnh Đắk Lắk cũng giảm xuống mức 48.000 đồng/kg trong hôm nay.
Giá cà phê kỳ hạn trở lại xu hướng tiêu cực sau báo cáo thương mại tháng 1/2023 của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO). Theo báo cáo, tất cả các chỉ số giá trung bình vẫn ổn định, chỉ giảm nhẹ so với tháng cuối cùng của năm 2022. Trong vòng 12 tháng, kết thúc vào tháng 12 năm 2022, xuất khẩu cà phê Arabica giảm 1,13 % so với năm trước, xuống đạt tổng cộng 79,67 triệu bao, trong khi xuất khẩu Robusta tăng nhẹ 0,01 triệu bao, lên đạt tổng cộng 48,29 triệu bao. Tính chung xuất khẩu 3 tháng đầu tiên của niên vụ cà phê hiện tại 2022/2023 đã giảm 2,8% xuống ở mức 30,27 triệu bao so với 31,14 triệu bao cùng kỳ niên vụ 2021/2022. Trong khi đó, lo ngại rủi ro tiếp tục tăng cao trước suy đoán Fed sẽ duy trì mức lãi suất cao kéo dài.
Lo ngại thiếu hụt nguồn cung cà phê toàn cầu đã có phần giảm bớt khi báo cáo xuất khẩu cà phê khu vực Trung Mỹ đã có sự hồi phục đáng kể, đã hỗ trợ mức tồn kho gia tăng trên cả hai sàn cà phê kỳ hạn, nhất là tồn kho ICE – London tăng liên tiếp.
Trong khi đó, USDX tiếp tục gia tăng do lợi suất trái phiếu kho bạc giảm mạnh đã kích thích dòng vốn đầu cơ kéo về các sàn hàng hàng hóa phái sinh, đã hỗ trợ giá vàng và dầu thô bật tăng trở lại nên bỏ qua giá cà phê như là sự tất yếu.
Tốc độ tăng giá cà phê được dự báo sẽ chậm lại
Tháng 02/2023, giá cà phê Robusta và Arabica tiếp tục tăng mạnh do lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn. Tốc độ tăng giá cà phê được dự báo sẽ chậm lại do tồn kho tăng. Tính đến ngày 24/2/2023, tồn kho đạt chuẩn của sàn ICE London ghi nhận đã tăng thêm 0,23%, lên mức 67.180 tấn. Bên cạnh đó, nguồn cung sẽ sớm được bổ sung khi Indonesia bắt đầu bước vào vụ thu hoạch mới.
Trên sàn giao dịch London, ngày 28/02/2023, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 3/2023, tháng 5/2023, tháng 7/2023 và tháng 9/2023 tăng lần lượt 3,9%, 5,2%, 5,8% và 6,1% so với ngày 28/01/2023, lên mức 2.133 USD/tấn; 2.121 USD/tấn; 2.099 USD/tấn và 2.067 USD/tấn.
Trên sàn giao dịch New York, ngày 28/02/2023, giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 3/2023, tháng 5/2023, tháng 7/2023 và tháng 9/2023 tăng lần lượt 9,7%, 8,7%, 7,9% và 7,6% so với ngày 28/01/2023, lên mức 186,45 Uscent/lb, 184,9 Uscent/lb, 182,75 Uscent/lb và 180,7 Uscent/lb.
Trên sàn giao dịch BMF của Brazil, ngày 28/02/2023, giá cà phê giao kỳ hạn tháng 3/2023 và tháng 5/2023 tăng lần lượt 1,5% và 6,5% so với ngày 28/01/2023, lên mức 233,05 Uscent/lb và 232,8 Uscent/lb; kỳ hạn giao tháng 7/2023 và tháng 9/2023 cùng tăng 9,8% so với ngày 28/01/2023, lên mức 229,2 Uscent/ lb và 225,95 Uscent/lb.
Tháng 2/2023, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa tăng mạnh. Ngày 28/02/2023, giá cà phê Robusta tăng từ 4.300 – 4.500 đồng/kg (tùy từng khu vực khảo sát) so với ngày 28/01/2023. Tại tỉnh Gia Lai và Đắk Nông, giá cà phê Robusta cùng tăng 4.300 đồng/kg, lên mức 47.100 đồng/kg; tại tỉnh Đắk Lắk, giá cà phê Robusta tăng 4.400 đồng/kg, lên mức 47.200 đồng/kg; tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê tăng 4.500 đồng/kg, lên mức 46.700 đồng/kg.
Theo ước tính, xuất khầu cà phê của Việt Nam trong tháng 2/2023 đạt 180 nghìn tấn, trị giá 393 triệu USD, tăng 26,3% về lượng và tăng 26,5% về trị giá so với tháng 1/2023, so với tháng 2/2022 tăng 28,7% về lượng và tăng 22% về trị giá. Tuy nhiên, tính chung 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 323 nghìn tấn, trị giá 703 triệu USD, giảm 13,1% về lượng và giảm 14,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Tháng 2/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 2.182 USD/tấn, tăng 0,2% so với tháng 1/2023, nhưng giảm 3,9% so với tháng 2/2022. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 2.180 USD/tấn, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Cơ cấu chủng loại: Tháng 1/2023, xuất khẩu cà phê Robusta, cà phê chế biến giảm so với tháng 12/2022 và giảm so với tháng 1/2022; ngược lại, xuất khẩu cà phê Arabica tăng trưởng khả quan.
Thống kê từ số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu cà phê Robusta trong tháng 1/2023 đạt 128,56 nghìn tấn, trị giá 239,5 triệu USD, giảm 27,4% về lượng và giảm 28,3% về trị giá so với tháng 12/2022, so với tháng 1/2022 giảm 39,7% về lượng và giảm 43,8% về trị giá. Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê Robusta sang một số thị trường trong tháng 1/2023 tăng so với tháng trước và so với cùng kỳ năm 2022, gồm: Ý, Epuador; Ấn Độ; Indonesia…
Tháng 1/2023, xuất khẩu cà phê Arabica đạt 7,21 nghìn tấn, trị giá trên 27 triệu USD, tăng 11,1% về lượng và tăng 9,5% về trị giá so với tháng 12/2022, so với tháng 1/2022 tăng 16,1% về lượng và tăng 4,3% về trị giá. Trong đó, xuất khẩu cà phê Arabica sang các thị trường tăng gồm: Bỉ, Đức, Ý, Ai Len, Tây Ban Nha… Ngược lại, xuất khẩu cà phê Arabica sang thị trường Hà Lan, Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, Indonesia… giảm.