Giá cà phê tiếp tục giảm, cà phê Việt mất dần thị trường trên trường quốc tế?
Cà phê mất giá thảm
Giá cà phê tuần qua (21/10 – 26/10/2019) có 1 phiên không đổi đầu tuần, 3 phiên giảm và 2 phiên tăng. Cuối tuần, mặc dù giá hồi phục lên mức 30.900 – 31.400 đồng/kg, nhưng vẫn sụt giảm 200 – 300 đồng/kg so với tuần trước.
Giá cà phê trong giai đoạn hiện tại đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Giá liên tục giảm đã tạo ra nhiều khó khăn, rủi ro cao cho các doanh nghiệp tham gia trực tiếp xuất khẩu và cung ứng chế biến cà phê, người nông dân, người lao động trồng cà phê.
Về tình hình chung thị trường cà phê 9 tháng đầu năm 2019, cả nước xuất khẩu 1,25 triệu tấn cà phê với kim ngạch gần 2,2 tỷ USD. Về số lượng xuất khẩu giảm 12,5 % và kim ngạch giảm 20,9% so với cùng kỳ 2018. Giá cà phê hiện nay thấp nhất trong những năm qua trên dưới 1.200 USD/ tấn. Giá cà phê nhân xô tại các vùng nguyên liệu đã xuống dưới mức 30.000 đ/ kg.
Trên thị trường thế giới, giá cà phê robusta đang ở mức đáy từ 9 năm trở lại đây. Ngày 21/10, một tấn cà phê robusta chỉ còn 1.209 USD trong khi đã có lúc bán được với giá 2.600 USD.
Người nông dân và người lao động trồng cà phê thu nhập và đời sống gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế đầu tư cho vụ mùa mới. Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu cà phê đều gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp thấy rủi ro cao, hiệu quả thấp nên giảm số lượng xuất khẩu.
Cà phê Việt sắp mất vị thế trên trường quốc tế?
Brazil có thể sẽ sớm soán ngôi vị quốc gia xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất thế giới mà Việt Nam đang nắm giữ.
Đó là cảnh báo trên tờ Tiếng vang của Pháp trong số báo ra ngày 22/10. Bài báo viết: Từ vài tháng nay, "cà phê robusta từ Brazil được nhập khẩu ồ ạt vào châu Âu, một hiện tượng bất thường". Bài báo giải thích, nước này đang đẩy mạnh xuất khẩu "dòng cà phê robusta conillon có giá rẻ hơn nhiều trên thị trường thế giới so với cà phê robusta của Việt Nam và dòng cà phê robusta của Brazil đang ngày càng thu hút sự quan tâm của khách hàng". Không chỉ có Brazil tăng sản lượng. Indonesia cũng đang lao vào cuộc đua.
Nội dung chính của bài báo có 2 ý: "Brazil có thể sẽ sớm soán ngôi vị quốc gia xuất khẩu robusta lớn nhất thế giới mà hiện Việt Nam đang nắm giữ" và "Indonesia cũng có thể tăng sản lượng robusta lên hơn gấp rưỡi trong vòng 5 năm tới".
Indonesia đang dần có thêm sức nặng trên thị trường cà phê robusta thế giới, nhờ một chương trình khuyến nông quy mô lớn. Tờ El Financiero cho biết, Bộ Nông nghiệp Indonesia đang tiến hành "kế hoạch hỗ trợ nông dân sử dụng phân bón và hạt giống cà phê chất lượng, tìm cách bảo vệ cây cà phê trước ký sinh trùng và dịch bệnh, thậm chí hỗ trợ tài chính cho nông dân".
Theo bài báo, "Hiệp hội cà phê Indonesia trông đợi nhu cầu cà phê trên thế giới tăng thêm nữa, đặc biệt là thị trường Trung quốc, khi giới trẻ nước này ngày càng quen với văn hóa cà phê". Bài báo viết: "Indonesia đang cạnh tranh được với các nhà sản xuất cà phê Việt Nam và Brazil".
Cạnh tranh trên thị trường cà phê không chỉ là giá thấp, mà còn phải tạo thêm những hương vị mới lạ. Đây cũng là điểm cà phê Việt Nam đang thiếu, bên cạnh đó, vấn đề thương hiệu riêng và hương vị hạt cà phê Việt vẫn chưa được nhiều thị trường biết đến.