Giá cà phê trở lại xu hướng tiêu cực

04/12/2022 18:05 GMT+7
Giá cà phê trong nước giảm trở lại, hiện dao động ở mức 40.500 – 41.100 đồng/kg. Báo cáo Bảng lương tháng 11 của Mỹ cho thấy thị trường vẫn còn lo ngại lạm phát tăng cao tác động tiêu cực tới giá cà phê…

Giá cà phê trong nước giảm trở lại 

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đảo chiều giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 1 giảm 4 USD, xuống 1.888 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 3 giảm 9 USD, còn 1.846 USD/tấn, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.

Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 giảm thêm 3,15 cent, xuống 162,60 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 giảm thêm 3,30 cent, còn 163,20 cent/lb, các mức giảm khá mạnh. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm 100 – 200 đồng, xuống dao động trong khung 40.900 – 41.500 đồng/kg. Theo đó, cà phê nhân xô (cà phê nhân, cà phê nhân tươi) tại tỉnh Lâm Đồng ở các huyện như Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà được thu mua với giá từ 40.400 – 40.500 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg so với hôm qua.

Tại tỉnh Đắk Lắk, giá cà phê là 41.000 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg so với hôm qua. Tại tỉnh Đắk Nông, cà phê cũng giảm 100 đồng/kg so với hôm qua, được thu mua với giá cao nhất 41.500 đồng/kg.

Riêng giá cà phê tại tỉnh Gia Lai không xảy ra biến động, tại các huyện như Chư Sê, Đăk Đoa, Ia Grai, Chư Prông hiện giá dao động từ 40.900 – 41.000 đồng/kg. Tại tỉnh Kon Tum cà phê cũng được thu mua với giá là 41.000 đồng/kg.

Giá cà phê trở lại xu hướng tiêu cực - Ảnh 1.

Giá cà phê trong nước giảm nhẹ, hiện dao động ở mức 40.500 – 41.100 đồng/kg.

Giá cà phê trở lại xu hướng tiêu cực - Ảnh 2.

Nguồn: giacaphe.com

Giá cà phê hai sàn kỳ hạn sụt giảm trở lại khi USDX tiếp tục suy yếu xuống ở mức thấp 5 tháng khiến nhà đầu tư dịch chuyển dòng vốn tìm kiếm các thị trường có mức lợi nhuận cao hơn làm hàng hóa thiếu vắng sức mua.

Báo cáo Bảng lương Phi Nông nghiệp Mỹ (Non – Farm) tháng 11 đã công bố cho thấy có 263.000 việc làm được tạo ra, cao hơn kỳ vọng của thị trường, có thể khiến Fed tiếp tục duy trì mức lãi suất cao lâu hơn dự kiến, đã khiến chứng khoán đảo chiều, trong khi lo ngại rủi ro kinh tế khu vực Eurozone tiếp tục gây sức ép lên thị trường hàng hóa nói chung do lạm phát vẫn đang duy trì ở mức 2 con số. Nhà đầu tư bắt đầu chờ đợi cuộc họp tiếp theo của Fed trong tháng này.

Được biết, tồn kho cà phê Arabica tính đến ngày 28/10 là 384.795 bao - mức thấp nhất trong vòng 23 năm qua. Chuyên gia dự báo giá cà phê thế giới tiếp tục chịu áp lực giảm giá.

Trong dài hạn, thị trường sẽ phản ứng mạnh hơn với những dự đoán về sản lượng cà phê trong niên vụ 2023/2024 của các nước xuất khẩu hàng đầu.

Xuất khẩu cà phê Việt Nam vẫn ghi nhận sự tăng trưởng tốt trong bối cảnh lạm phát, thương mại khó khăn. Tổng cục Thống kê ước báo xuất khẩu cà phê trong tháng 11/2022 đạt 110.000 tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, có trị giá 267 triệu USD. Lũy kế xuất khẩu cà phê trong 11 tháng đầu năm 2022 sẽ đạt tổng cộng 1.535.000 tấn (khoảng 25,58 triệu bao), tăng 10,21% so với cùng kỳ năm trước, đạt trị giá 3,5 tỷ USD.

Hiện Việt Nam đang bước vào thời điểm thu hoạch cà phê tại các tỉnh trong khu vực, năm nay cà phê được mùa, tăng cả về số lượng và chất lượng. Giá cà phê được dự báo sẽ không giảm quá sâu những ngày còn lại của năm. Việc doanh nghiệp xuất khẩu gia tăng các sản phẩm cà phê chế biến sâu, được cho là động lực chính giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam khởi sắc và có thể đạt được mục tiêu đặt ra trong năm nay là thiết lập mốc kim ngạch kỷ lục 4 tỷ USD.

Vẫn còn những yếu tố gây áp lực lên giá cà phê

Sản lượng cà phê của Việt Nam và Brazil dự kiến gia tăng trong thời điểm thu hoạch. Bên cạnh đó, nhu cầu giảm trong bối cảnh thị trường lo ngại suy thoái kinh tế. Những yếu tố này gây áp lực lên giá cà phê.

Mới đây, ngân hàng Rabobank dự báo sản lượng cà phê Brazil sẽ tăng ít nhất là 8% trong niên vụ 2023-2024 lên mức 68,5 triệu bao (loại 60 kg/bao), do thời tiết thuận lợi, mưa nhiều giúp cây cà phê phát triển tốt.

Giá cà phê trở lại xu hướng tiêu cực - Ảnh 3.

Sản lượng cà phê của Việt Nam và Brazil dự kiến gia tăng trong thời điểm thu hoạch. Bên cạnh đó, nhu cầu giảm trong bối cảnh thị trường lo ngại suy thoái kinh tế. Những yếu tố này gây áp lực lên giá cà phê.

Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) dự báo về nguồn cung cà phê toàn cầu trong niên vụ 2021- 2022 ở mức 167,2 triệu bao, giảm hơn 2,1% so với niên vụ trước. Trong khi tiêu thụ dự báo tăng 3,3% lên 170,3 triệu bao. Thị trường cà phê toàn cầu dự kiến sẽ thâm hụt khoảng 3,1 triệu bao trong niên vụ 2021-2022.

Xuất khẩu cà phê toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 (tháng 10/2021 đến tháng 9/2022) đạt gần 129 triệu bao loại 60 kg/bao, giảm 0,4% so với niên vụ 2020-2021.

Chỉ số giá cà phê tổng hợp toàn cầu trong tháng 10 ghi nhận tháng giảm giá mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay với mức giảm lên tới 10,6% so với tháng trước, xuống còn bình quân 177,2 US cent/pound (dao động ở mức 159,3 - 194,9 US cent/pound).

Cục Xuất nhập khẩu mới đây dự báo xu hướng giảm giá cà phê có thể sẽ diễn ra trong thời gian còn lại của năm nhưng mức độ không lớn. Dữ liệu kinh tế cho thấy lạm phát cơ bản Mỹ đạt mức cao nhất 40 năm và các đợt tăng lãi suất cơ bản có thể đẩy nền kinh tế hàng đầu vào tình trạng suy thoái và gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 10 đạt 79.833 tấn, trị giá 206,9 triệu USD, giảm 13,7% về lượng và giảm 8,5% về trị giá so với trước.

Trái với diễn biến giá cà phê xuất khẩu, giá cà phê trong nước và thế giới liên tục điều chỉnh giảm từ cuối tháng 8 đến nay do thời tiết thuận lợi tại Brazil làm tăng triển vọng về nguồn cung, trong khi tình hình bất ổn của nền kinh tế thế giới có thể khiến nhu cầu tiêu thụ giảm. Điều này sẽ tác động tích cực đối với cà phê của Việt Nam, qua đó định hình triển vọng mới cho ngành cà phê.

Giá cà phê trở lại xu hướng tiêu cực - Ảnh 4.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục