Giá cà phê trái chiều, thị trường vẫn còn đầy lo ngại

03/12/2022 07:57 GMT+7
Thị trường vẫn còn lo ngại khi báo cáo tồn kho Robusta London tiếp tục giảm xuống mức thấp 4 năm…

Giá cà phê hai sàn trái chiều 

Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London kéo dài chuỗi tăng lên phiên thứ sáu. Kỳ hạn giao ngay tháng 1 tăng thêm 5 USD, lên 1.892 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 3 tăng thêm 6 USD, lên 1.855 USD/tấn, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch duy trì khá cao trên mức trung bình.

Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York đảo chiều giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 giảm 4,15 cent, xuống 165,75 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 giảm 3,65 cent, còn 166,50 cent/lb, các mức giảm khá mạnh. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 100 đồng, lên dao động trong khung 41.000 – 41.600 đồng/kg. 

Trong đó, mức giá thấp nhất là 41.000 đồng/kg được ghi nhận tại tỉnh Lâm Đồng. Nhỉnh hơn là Gia Lai với mức 41.600 đồng/kg.

Tương tự, hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông cũng điều chỉnh tăng lên mức tương ứng là 41.100 đồng/kg và 41.200 đồng/kg.

Giá cà phê trái chiều, thị trường vẫn còn đầy lo ngại - Ảnh 1.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 100 đồng, lên dao động trong khung 41.000 – 41.600 đồng/kg.

Giá cà phê hai sàn kỳ hạn trở lại trái chiều cùng với chứng khoán Mỹ sụt giảm do thất vọng về GDP quý III tăng ít hơn dự kiến và suy đoán Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất khiến các quỹ và đầu cơ chuyển vốn rời khỏi các thị trường khi mức lợi nhuận không còn hấp dẫn.

Giá cà phê Robusta còn có sự hỗ trợ từ báo cáo thị trường cho thấy hàng cà phê tại thị trường nội địa Indonesia đã bắt đầu khó mua khi giá chênh lệch của cà phê Sumatra loại 4, 80 hạt lỗi đã được đẩy lên mức cộng 70 – 80 USD/tấn so với giá kỳ hạn London. Trong khi nông dân cà phê Việt Nam cũng bán hàng chậm lại vì họ sẽ thua lỗ với mức giá hiện hành.

Giá cà phê Arabica rời khỏi xu hướng tăng dù báo cáo tồn kho tại hai sàn phái sinh London và New York tiếp tục đứng ở mức thấp nhiều năm và hỗ trợ thị trường giá tăng… Chỉ số USDX tiếp tục sụt giảm trong rổ tiền tệ mạnh đã hỗ trợ các tiền tệ mới nổi lấy lại giá trị và sức mua hàng hóa nói chung.

Góp phần thúc đẩy thị trường giá tăng là tỷ giá đồng Real tiếp nối đà tăng. Đồng nội tệ của Brazil đã tăng tới 1,72% trong tháng 11, khiến người nông dân giảm bán - là yếu tố đẩy thị trường giá tăng.

Thị trường dần nhộn nhịp trở lại khi Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ Fed có thông báo đầu tiên về khả năng giảm tốc độ tăng lãi suất vào kỳ học chính sách tháng 12. Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, GDP quý III tăng trưởng 2,9%, cao hơn so với mức tăng ước tính ban đầu là 2,6%. Chi tiêu tiêu dùng và đầu tư kinh doanh lớn hơn là nguyên nhân dẫn đến sự điều chỉnh tăng trưởng.

Trong khi đó, thị trường cũng kỳ vọng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất sau khi Eurostat công bố Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm từ mức 10,6% của tháng 10 xuống ở mức 10,0%.

Dự báo giá cà phê thế giới tiếp tục chịu áp lực giảm giá. Lo ngại kinh tế toàn cầu suy thoái, trong khi các nước sản xuất cà phê hàng đầu thế giới đang hướng tới một vụ mùa kỷ lục trong năm 2023.

Mới đây, ngân hàng Rabobank dự báo sản lượng cà phê Brazil sẽ tăng ít nhất là 8% trong niên vụ 2023-2024 lên mức 68,5 triệu bao (loại 60 kg/bao), do thời tiết thuận lợi, mưa nhiều giúp cây cà phê phát triển tốt.

Trong năm nay, nông dân trồng cà phê của Brazil dự kiến sẽ sản xuất 63,2 triệu bao cà phê, trong đó 40,1 triệu bao arabica và 23,1 triệu bao robusta (được sử dụng phần lớn để làm hỗn hợp cà phê hòa tan).

Tại Colombia, sản lượng trong niên vụ 2021-2022 ước tính chỉ đạt 11,7 triệu bao, giảm tới 13% so với niên vụ trước đó.

Tồn kho cà phê Arabica tính đến ngày 28/10 là 384.795 bao - mức thấp nhất trong vòng 23 năm qua. Tuy nhiên, trong nửa đầu tháng 11, tồn kho có xu hướng tăng lên. Tính đến ngày 8/11, tồn kho đạt mức cao nhất trong 5 tuần qua.

Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) dự báo nguồn cung cà phê toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 ở mức 167,2 triệu bao, giảm hơn 2,1% so với niên vụ trước. Trong khi tiêu thụ dự báo tăng 3,3% lên 170,3 triệu bao. Thị trường cà phê toàn cầu dự kiến sẽ thâm hụt khoảng 3,1 triệu bao trong niên vụ 2021- 2022.

Giữa tháng 11/2022, giá cà phê giảm chậm lại nhờ một số thông tin hỗ trợ thị trường. Dự báo thời tiết về vùng trồng cà phê Tây Nguyên của Việt Nam sẽ có mưa trên diện rộng, làm cản trở việc thu hoạch và phơi sấy. Trong khi đó, thị trường cà phê Arabica vẫn chịu sức ép giảm giá do nguồn cung vụ mới từ Brazil và báo cáo tồn kho tháng 10/2022 tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2021 (theo Hiệp hội Cà phê Hạt Bắc Mỹ).

Trên sàn giao dịch London, ngày 18/11/2022, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 1/2023 ổn định so với ngày 9/11/2022, ở mức 1.831 USD/tấn; kỳ hạn giao tháng 3/2023, tháng 5/2022 và tháng 7/2023 giảm lần lượt 0,4%, 0,5% và 1,1% so với ngày 9/11/2022, xuống còn 1.808 USD/tấn; 1.797 USD/tấn và 1.780 USD/tấn.

Trên sàn giao dịch New York, ngày 18/11/2022, giá cà phê Arabica giao kỳ tháng 12/2022, tháng 3/2023, tháng 5/2023 và tháng 7/2023 giảm lần lượt 6,2%, 3,0%, 2,3% và 1,4% so với ngày 9/11/2022, xuống còn 156,05 Uscent/lb; 159,3 Uscent/lb; 159,7 Uscent/lb và 160,35 Uscent/lb.

Trên sàn giao dịch BMF của Brazil, ngày 18/11/2022, giá cà phê Arabica giao kỳ tháng 12/2022, tháng 3/2023, tháng 5/2023 và tháng 7/2023 giảm lần lượt 4,2%, 2,4%, 4,3% và 3,4% so với ngày 9/11/2022, xuống còn 190,75 Uscent/lb; 193,25 Uscent/lb; 189 Uscent/lb và 192,8 Uscent/lb. + Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở mức giá 1.878 USD/ tấn, chênh lệch +55 USD/tấn, giảm 13 USD/ tấn (tương đương mức giảm 0,7%) so với ngày 9/11/2022.

Những ngày giữa tháng 11/2022, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa liên tục giảm. Ngày 18/11/2022, giá cà phê Robusta trong nước giảm từ 700 - 800 đồng/kg so với ngày 9/11/2022; Mức giá thấp nhất 39.200 đồng/kg tại tỉnh Lâm Đồng; mức cao nhất 39.700 đồng/kg tại tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông; tại tỉnh Gia Lai là 39.600 đồng/kg.

Tổng cục Thống kê ước tính xuất khẩu cà phê trong tháng 11/2022 đạt 110.000 tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, có trị giá 267 triệu USD. Lũy kế xuất khẩu cà phê trong 11 tháng đầu năm 2022 sẽ đạt tổng cộng 1.535.000 tấn (khoảng 25,58 triệu bao), tăng 10,21% so với cùng kỳ năm trước, đạt trị giá 3,5 tỷ USD.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 10/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 79,83 nghìn tấn, trị giá 206,85 triệu USD, giảm 13,7% về lượng và giảm 8,5% về trị giá so với tháng 9/2022, giảm 19,6% về lượng và giảm 4,8% về trị giá so với tháng 10/2021. Tính chung 10 tháng năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt xấp xỉ 1,42 triệu tấn, trị giá 3,28 tỷ USD, tăng 10,8% về lượng và tăng 33,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Tháng 10/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt 2.591 USD/tấn, tăng 6,1% so với tháng 9/2022 và tăng 18,4% so với tháng 10/2021. Tính chung 10 tháng năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.300 USD/tấn, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Tháng 10/2022, xuất khẩu cà phê sang hầu hết các thị trường chủ lực giảm về lượng so với tháng 10/2021, ngoại trừ Tây Ban Nha và Anh. Tính chung 10 tháng năm 2022, xuất khẩu cà phê sang các thị trường Ý, Bỉ, Nga, Tây Ban Nha, Anh tăng. Ngược lại, xuất khẩu cà phê sang Đức, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Philippines, Angieri giảm so với cùng kỳ năm 2021.

Hiện Việt Nam đang bước vào thời điểm thu hoạch cà phê tại các tỉnh trong khu vực, năm nay cà phê được mùa, tăng cả về số lượng và chất lượng. Trong thời gian còn lại của năm, giá cà phê có thể tiếp tục đứng ở mức cao như hiện nay. Việc doanh nghiệp xuất khẩu gia tăng các sản phẩm cà phê chế biến sâu, được cho là động lực chính giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam khởi sắc và có thể đạt được mục tiêu đặt ra trong năm nay là thiết lập mốc kim ngạch kỷ lục 4 tỷ USD.

Giá cà phê trái chiều, thị trường vẫn còn đầy lo ngại - Ảnh 2.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan




Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục