Giá cao su hôm nay 19/4: Đồng loạt tăng mạnh, giá mủ cao su trong nước bao nhiêu?
Giá cao su hôm nay 19/4 đồng loạt tăng mạnh, giá mủ cao su nguyên liệu ổn định
Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), giá cao su giao kỳ hạn tháng 5/2022 ghi nhận mức 266,0 yen/kg, tăng 1,28% (tương đương 3,4 yen/kg) tại thời điểm khảo sát vào lúc 15h00 (giờ Việt Nam).
Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 5/2022 được điều chỉnh lên mức 13.310 nhân dân tệ/tấn, tăng 0,45% (tương đương 60 nhân dân tệ) so với giao dịch trước đó.
Giá cao su tại Nhật Bản tăng do đồng yen giảm so với đồng USD, song mối lo ngại nhu cầu tại nước mua hàng đầu – Trung Quốc – chậm lại, bởi dịch Covid-19 bùng phát đã hạn chế đà tăng.
Từ đầu tháng 4/2022 đến nay, giá mủ cao su nguyên liệu trên cả nước không có nhiều biến động. Tại Bình Phước, giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty cao su Phú Riềng giữ giá thu mua ở mức 330-340 đồng/độ mủ. Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa được giữ ở mức 348-350 đồng/độ TSC. Tại Gia Lai, mủ cao su được Công ty cao su Mang Yang thu mua với giá 310-320 đồng/độ TSC, ổn định so với cuối tháng 3/2022.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 3/2022, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 112,44 nghìn tấn, trị giá 202,57 triệu USD, tăng 10,6% về lượng và tăng 11,5% về trị giá so với tháng 2/2022; so với tháng 3/2021 tăng 0,3% về lượng và tăng 3,1% về trị giá. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su đạt 406,8 nghìn tấn, trị giá 715,39 triệu USD, tăng 0,3% về lượng và tăng 6,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), 2 tháng đầu năm 2022, Brazil nhập khẩu 99,3 nghìn tấn cao su (mã HS: 4001, 4002, 4003, 4005), trị giá 211,4 triệu USD, tăng 9,4% về lượng và tăng 36,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thái Lan, Indonesia, Hoa Kỳ, Ba Lan, và Nga là 5 thị trường cung cấp cao su lớn nhất cho Brazil trong 2 tháng đầu năm 2022.
Trong 2 tháng đầu năm 2022, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 11 cho Brazil, đạt 2,19 nghìn tấn, trị giá 5,15 triệu USD, giảm 15,9% về lượng, nhưng tăng 72% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần cao su Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Brazil trong 2 tháng đầu năm 2022 chiếm 2,2%, giảm nhẹ so với mức 2,9% của 2 tháng đầu năm 2021. Trong 2 tháng đầu năm 2022, Brazil đẩy mạnh nhập khẩu cao su từ các thị trường như: Thái Lan, Indonesia, Ba Lan, Pháp…; trong khi giảm nhập khẩu từ Hoa Kỳ, Nga, Bờ Biển Ngà, Argentina.
Về chủng loại nhập khẩu: Trong 2 tháng đầu năm 2022, Brazil nhập khẩu 41,37 nghìn tấn cao su tự nhiên (mã HS 4001), trị giá 73,81 triệu USD, tăng 40,7% về lượng và tăng 52,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thái Lan, Indonesia, Bờ Biển Ngà, Việt Nam và Malaysia là 5 thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn nhất cho Brazil. Trong đó, nhập khẩu cao su tự nhiên của Brazil từ hầu hết các thị trường cung cấp lớn tăng mạnh, trừ nhập khẩu từ Việt Nam và Malaysia giảm so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 2 tháng đầu năm 2022, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 4 cho Brazil, đạt 2,18 nghìn tấn, trị giá 5,15 triệu USD, giảm 15,9% về lượng, nhưng tăng 72% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Brazil giảm từ mức 8,9% trong 2 tháng đầu năm 2021, xuống còn 5,3% trong 2 tháng đầu năm 2022.
Trong 2 tháng đầu năm 2022, Brazil nhập khẩu 53,61 nghìn tấn cao su tổng hợp (mã HS 4002), trị giá 126,4 triệu USD, giảm 4,5% về lượng, nhưng tăng 34,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Hoa Kỳ, Ba Lan, Nga, Pháp và Mexico là 5 thị trường cung cấp cao su tổng hợp lớn nhất cho Brazil. Cơ cấu thị trường cung cấp cao su tổng hợp cho Brazil trong 2 tháng đầu năm 2022 có sự thay đổi khi thị phần của Hoa Kỳ, Ba Lan tăng mạnh; trong khi thị phần của Nga, Pháp và Mexico giảm.