Giá cao su tại các sàn chủ chốt tăng bất chấp dự báo mới bất ngờ về sản lượng

15/02/2022 06:23 GMT+7
Từ đầu tháng 2/2022 đến nay, giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt châu Á tăng trở lại. ANRPC dự báo sản lượng cao su toàn cầu năm 2022 sẽ tăng 5,6% so với năm 2021.

Giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt châu Á tăng đồng loạt

Từ đầu tháng 2/2022 đến nay, giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt châu Á tăng trở lại, cụ thể: Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE), giá cao su tăng do tâm lý lạc quan, tuy nhiên đà tăng vẫn bị hạn chế bởi lo ngại về doanh số bán ô tô của Nhật Bản tháng 1/2022 giảm. 

Giá cao su tại các sàn chủ chốt tăng bất chấp dự báo 'nóng' mới bất ngờ về sản lượng  - Ảnh 1.

Nguồn: cf.market-info.jp

Doanh số bán ô tô mới giảm làm tăng thêm các dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Nhật Bản có thể bị thu hẹp trong quý I/2022 do sự gián đoạn chuỗi cung ứng liên tục và sự gia tăng các trường hợp nhiễm biến thể Omicron. Ngày 09/2/2022, giá cao su RSS3 giao tháng 3/2022 giao dịch ở mức 238,2 Yên/kg (tương đương 2,06 USD/kg), tăng 4% so với cuối tháng 1/2022, nhưng giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Giá cao su tại các sàn chủ chốt tăng bất chấp dự báo 'nóng' mới bất ngờ về sản lượng  - Ảnh 2.

Nguồn: shfe.com.cn

Tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), thị trường đóng cửa nghỉ Tết đến ngày 07/2/2022, sau khi mở cửa, giá cao su liên tục tăng. Ngày 09/2/2022, giá cao su RSS3 giao tháng 3/2022 ở mức 14.530 NDT/tấn (tương đương 2,28 USD/kg), tăng 3,8% so với cuối tháng 1/2022, nhưng giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Giá cao su tại các sàn chủ chốt tăng bất chấp dự báo 'nóng' mới bất ngờ về sản lượng  - Ảnh 3.

Nguồn: thainr.com

Tại Thái Lan, giá cao su có xu hướng tăng mạnh để từ đầu tháng đến nay. Ngày 09/2/2022, giá cao su RSS 3 chào bán ở mức 64,57 Baht/kg (tương đương 1,96 USD/ kg), tăng 6,4% so với cuối tháng 1/2022 và tăng 6% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Hiệp hội Các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), việc nới lỏng các hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19 như mở lại biên giới của một số quốc gia và nối lại các hoạt động kinh tế sẽ góp phần đáng kể vào sự phục hồi nhu cầu cao su trong năm 2022. Vì vậy, triển vọng ngành cao su năm 2022 sẽ rất sáng, giá bán sẽ tiếp tục giữ ở mức cao. 

ANRPC dự báo sản lượng cao su toàn cầu năm 2022 sẽ tăng 5,6% so với năm 2021. Năm 2023, dự kiến nguồn cung cao su toàn cầu thiếu hụt, sẽ gia tăng thiếu hụt trong những năm tiếp theo cho đến năm 2028 và có thể kéo dài đến năm 2031 do khoảng cách cung và cầu ngày càng lớn. Dự báo này đã được thực hiện trên cơ sở đánh giá xu hướng trồng và khả năng mở rộng diện tích cây cao su trưởng thành ở các quốc gia sản xuất cao su. Ngành cao su tự nhiên đã thoát ra thời kỳ kéo dài nguồn cung dư thừa.

Việt Nam tiếp tục là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc

Trong nước, từ đầu tháng 02/2022 đến nay, giá mủ cao su nguyên liệu trên cả nước ổn định so với cuối tháng 1/2022. Tại Bình Phước giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty cao su Phú Riềng thu mua ở mức từ 330-340 đồng/độ mủ, ổn định so với cuối tháng 1/2022. Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa dao động ở mức 348-350 đồng/độ mủ.

Giá cao su tại các sàn chủ chốt tăng bất chấp dự báo 'nóng' mới bất ngờ về sản lượng  - Ảnh 4.

Nguồn: Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan

Năm 2021, Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, xuất khẩu cao su sang thị trường này tăng so với năm 2020. 

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 1,39 triệu tấn cao su, trị giá 2,28 tỷ USD, tăng 2,6% về lượng và tăng 25% về trị giá so với năm 2020. 

Giá xuất khẩu bình quân đạt 1.636 USD/tấn, tăng 21,8% so với năm 2020. Trong đó, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (mã HS: 400280) được xuất khẩu nhiều nhất sang Trung Quốc, chiếm 87,2% tổng lượng cao su xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2021, với 1,21 triệu tấn, trị giá 2,02 tỷ USD, tăng 7,3% về lượng và tăng 30,4% về trị giá, giá xuất khẩu bình quân đạt 1.665 USD/tấn, tăng 21,5% so với năm 2020. 

Trong năm 2021, một số chủng loại cao su xuất khẩu sang Trung Quốc tăng cả về lượng và trị giá so với năm 2020, trong đó đáng chú ý như: SVR 3L tăng 18,4% về lượng và tăng 43,9% về trị giá; SVR 5 tăng 37,4% về lượng và tăng 64,8% về trị giá; cao su tổng hợp tăng 259,6% về lượng và tăng 307% về trị giá.

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, năm 2021, kim ngạch nhập khẩu cao su (mã HS 4001, 4002, 4003, 4005) của Trung Quốc đạt 12,56 tỷ USD, tăng 14,8% so với năm 2020. Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản là 5 thị trường cung cấp cao su lớn nhất cho Trung Quốc. 

Trong năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc, đạt 2,28 tỷ USD, tăng 27,8% so với năm 2020. Thị phần cao su Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc trong năm 2021 chiếm 18,2%, tăng so với mức 16,3% của năm 2020.

Giá cao su tại các sàn chủ chốt tăng bất chấp dự báo 'nóng' mới bất ngờ về sản lượng  - Ảnh 5.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc

Giá cao su tại các sàn chủ chốt tăng bất chấp dự báo 'nóng' mới bất ngờ về sản lượng  - Ảnh 6.

Việt Nam tiếp tục là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc.

Trong năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu cao su tự nhiên (mã HS 4001) đạt 3,86 tỷ USD, tăng 25,4% so với năm 2020. Trung Quốc nhập khẩu cao su tự nhiên chủ yếu từ các thị trường như: Thái Lan, Malaysia, Bờ Biển Ngà, Indonesia và Việt Nam. 

Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 5 cho Trung Quốc trong năm 2021 với kim ngạch đạt 257,58 triệu USD, tăng 1,2% so với năm 2020. Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam chiếm 6,7% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc, giảm so với mức 8,3% của năm 2020. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đẩy mạnh nhập khẩu cao su tự nhiên từ các thị trường lớn như Thái Lan, Malaysia, Bờ Biển Ngà…

Trong năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (mã HS: 400280) của Trung Quốc đạt 4,49 tỷ USD, giảm 5,9% so với năm 2020. Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Myanmar và Indonesia là 5 thị trường lớn nhất cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp cho Trung Quốc. 

Năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp lớn thứ 2 cho Trung Quốc, đạt 1,77 tỷ USD, tăng 16,9% so với năm 2020. Thị phần hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Việt Nam chiếm 39,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Trung Quốc, tăng mạnh so với mức 31,8% của năm 2020. Trung Quốc cũng đẩy mạnh nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp từ các thị trường như Myanmar, Lào trong năm 2021; trong khi giảm nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Cămpuchia… so với năm 2020.

Năm 2022, các cơ quan chức năng dự báo, Việt Nam tiếp tục là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc. Với nhu cầu nguyên liệu trên toàn cầu và của Trung Quốc tăng cao, xuất khẩu cao su của Việt Nam có thể tiếp tục được hưởng lợi về giá, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cao su năm 2022 có thể vượt mốc 3,5 tỷ USD.



Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục